“Chọn mặt gửi vàng” tổ chức trước nhu cầu bảo toàn và tăng trưởng tài sản

Bài toán bảo toàn và tăng trưởng tài sản trong mọi kịch bản
Về tổng quan, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm trở lại đây. Đây là xu thế phát triển tất yếu khi thu nhập, tài sản tích lũy của người dân tăng lên, dẫn đến nhu cầu về tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ đầu tư gia tăng lợi nhuận bên cạnh những kênh đầu tư truyền thống như tiết kiệm hay nhà đất.
 
Trong hai năm thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên thu hút hàng triệu tài khoản giao dịch được mở và nhà đầu tư dễ dàng kiếm được lợi nhuận. Nhưng kể từ đầu quý II/2022, thị trường điều chỉnh và đang đối mặt với các thách thức từ ảnh hưởng diễn biến toàn cầu, nhiều nhà đầu tư khó khăn khi đứng trước bài toán làm thế nào để bảo toàn tài sản, gìn giữ những thành quả đã có được giai đoạn “uptrend”.
 
Với các nhà đầu tư tổ chức có kinh nghiệm lâu năm, thị trường tài chính Việt Nam có nhiều tiềm năng trong dài hạn. Song làm thế nào để đảm bảo mục tiêu kép vừa bảo vệ vốn vừa tăng trưởng tài sản trước những cú sốc như thời điểm hiện tại là mối bận tâm lớn của nhà đầu tư cá nhân.
 
Trở lại với bức tranh chung của thị trường, song hành với việc phát triển sản phẩm đầu tư, các dịch vụ tư vấn hay ủy thác đầu tư cũng được cung cấp để đáp ứng nhu cầu. Một dịch vụ chuyên biệt được cá nhân hóa rất phổ biến trên thế giới là quản lý tài sản (Wealth Management) đang được một số “ông lớn” trong ngành tài chính tại Việt Nam hướng tới.
 
Theo phát triển của thời đại công nghệ số, dịch vụ quản lý tài sản ngày nay không chỉ dành cho giới nhà giàu mà tiến tới phổ cập cho tất cả những người có nhu cầu hoạch định và tối ưu hóa dòng tiền. Dịch vụ này giải quyết bài toán bảo vệ và gia tăng tài sản. Nhà đầu tư vừa có thể đạt được tỷ suất đầu tư tốt nhất, vừa được bảo vệ sức khỏe tài chính bền vững bằng việc phân bổ và tái phân bổ danh mục đầu tư dựa trên tình trạng tài chính cá nhân và bắt kịp tình hình thị trường.
 
Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, thị trường tài chính bộc lộ một số những tồn tại mà điển hình là “làn sóng F0” kích hoạt dòng vốn lớn chảy vào các kênh đầu tư nhưng chưa chuẩn bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và tâm lý khi thị trường biến động mạnh. Bên cạnh đó, một số mô hình không chính thống “ăn theo” nhu cầu đầu tư của dân chúng dưới dạng huy động vốn, ủy thác đầu tư, quản lý tài khoản…tạo thành trào lưu có thể gây ra những rủi ro mất vốn tiềm tàng cho nhà đầu tư.
 
Thực tế, hoạt động đầu tư sẽ dần khó khăn hơn khi kinh tế thế giới đứng trước những thách thức như tăng lãi suất, lạm phát cao kỷ lục, nhiều đồng tiền mất giá. Theo tính chu kỳ, nhịp điều chỉnh luôn cần thiết để tạo nền tảng cho nhịp tăng giá mới. Ở góc độ mỗi cá nhân, câu hỏi “Làm sao để bảo toàn và tăng trưởng tài sản theo từng hoàn cảnh” quan trọng hơn là chạy theo các “con sóng” và đối mặt với các rủi ro, nguy cơ mất đi thành quả tích lũy nhiều năm.
 
Làm sao để xác định đơn vị “chọn mặt gửi vàng” 
Để giải quyết bài toán trên, việc tìm đến các tổ chức chuyên nghiệp, có kinh nghiệm là câu trả lời phù hợp. Nhưng tiêu chí nào để lựa chọn đơn vị quản lý và đồng hành trong chặng đường phát triển tài sản là nỗi băn khoăn của nhà đầu tư.
 
Trong một nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế Đài Loan (Trung Quốc) chỉ ra rằng đa số nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn những đơn vị quản lý tài sản uy tín, có chiến lược an toàn và duy trì mối quan hệ bền vững với khách hàng hơn là những đơn vị triển khai chiến dịch quảng bá rầm rộ. Để đáp ứng được yêu cầu này, tiêu chí tiên quyết của các tổ chức quản lý tài sản là phải hội tụ đủ cả về kinh nghiệm, tiềm lực tài chính và đội ngũ nhân sự.
 
Đơn vị với bề dày nhiều năm hoạt động và trải qua nhiều giai đoạn khác nhau của nền kinh tế mà vẫn phát triển mạnh sẽ có kinh nghiệm để đưa ra những chiến lược đầu tư phù hợp cho từng giai đoạn.
 
Tiềm lực tài chính đủ lớn sẽ đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu của khách hàng trong mọi hoàn cảnh. Với tình hình thị trường như hiện nay, bên cạnh các tiêu chí quen thuộc để đánh giá về doanh nghiệp như doanh thu, lợi nhuận, nhà đầu tư cũng cần quan tâm tới các tiêu chí khác như quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu, đòn bẩy tài chính (nghĩa vụ vay nợ), vốn khả dụng (vốn có thể chuyển đổi thành tiền mặt để sử dụng ngay), …
 
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ nghiên cứu và cung cấp thông tin nhận định đáng tin cậy, đưa ra tư vấn chiến lược quản lý tài sản hiệu quả, phù hợp với từng khách hàng và có hành động kịp thời theo sát từng kịch bản biến động của thị trường.
 
Hiện nay tại Việt Nam, các công ty chứng khoán lớn đều đang phát triển dịch vụ quản lý tài sản. Một số đơn vị tập trung vào thông điệp tích sản đến khách hàng thông qua cung cấp đơn lẻ các sản phẩm đầu tư. Số khác đẩy mạnh các chương trình đào tạo kiến thức cơ bản về đầu tư và thị trường.
 
Điển hình, Công ty chứng khoán SSI gần đây đã triển khai Dịch vụ quản lý tài sản với phương châm bảo vệ sức khỏe tài chính và tăng trưởng bền vững tài sản cho nhà đầu tư thông qua phân bổ tài sản linh hoạt theo sát diễn biến thị trường và nhu cầu, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.
 
Việc các công ty chứng khoán đang hướng mình đến mô hình dịch vụ quản lý tài sản từ cơ bản cho đến toàn diện là bước phát triển tất yếu của các đơn vị đầu ngành hội tụ đủ các tiêu chí “chọn mặt gửi vàng” đã đề cập phía trên. Điều này sẽ giúp cho nhà đầu tư ngày càng an tâm khi có thêm lựa chọn về đơn vị đồng hành tin cậy trong hành trình tìm kiếm cơ hội đầu tư bảo vệ và gia tăng tài sản.
 
Kim Ngân
Nhịp Sống Thị Trường
 

Nguồn tin: cafef.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây