Vài người an ủi nhau, ráng mà căng mắt ra luận bởi đã bao giờ có cuộc IPO nào hoành tráng thế đâu, những hơn 60 công ty cơ mà, chưa kể các chi nhánh cũng tham gia như Chứng khoán Sài Gòn cũng có 3 đơn vị yết tên trong danh sách. Một lãnh đạo UBCKNN tại cuộc giao ban tháng 12 đã than phiền, sao HOSE chấp nhận nhiều thế, phải có bộ lọc chứ. Lo lắng của vị này không phải không có cơ sở khi nhiều CTCK tham gia quá không khéo lại thành lãng phí, với CTCK có kinh nghiệm chẳng nói làm gì còn những công ty mới ra đời, kinh nghiệm chưa nhiều, nhầm lẫn là rất có thể, không ít lần Sở hay Trung tâm GDCK toát mồ hôi tra soát ngược xuôi khi thông tin của nhà đầu tư này lại cắm ngược sang tài khoản nhà đầu tư khác, rồi thì số liệu thắng thầu, mức giá trúng, số tiền bỏ cọc cứ lung tung cả.
Người ta bảo, đi buôn phải có lãi, lạ thật khi tham gia làm đại lý đấu giá cổ phần, tất cả CTCK làm dịch vụ đại lý đấu giá đều “lỗ chỏng gọng”. Với mức phí khoảng 1 - 2 triệu đồng cho một công ty mà phải đảm nhận cơ man công việc từ nhận hồ sơ, thu tiền, phát phiếu đến hướng dẫn, giải đáp thắc mắc nhà đầu tư, không khéo lại phải cắt cử thêm nhân viên tham gia, mà số tiền thu về thì quá bèo, cầm cũng chẳng bõ. Nhưng sao lỗ, họ vẫn đổ xô vào rồi thì tỵ nạnh nhau “anh hơn tôi cái gì mà anh được ưu tiên, ấy cái lợi lớn ở chỗ tham gia làm đại lý đấu giá là cơ hội ngàn vàng để các công ty tiếp cận với khách hàng mới, khách hàng đấu giá ở đâu thường mở tài khoản hoặc giao dịch cổ phiếu mình đấu giá ở đó, miếng ngon ai lỡ dại đứng nhìn”. Phân tích thiệt hơn như thế nên ở vị trí cầm cân nảy mực, xem chừng HOSE khó quyết định, thôi thì a lô xô cho tất cả vào để anh em cùng vui vẻ (lời ông Trần Đắc Sinh - Tổng giám đốc HOSE).
Khi biết có ý kiến từ một vài lãnh đạo về việc để quá nhiều công ty tham gia đại lý đấu giá Vietcombank có thể gây lãng phí, vị tổng giám đốc này ngạc nhiên: “Ô hay, đây là việc của Sở thì Sở tự quyết chứ. Quả thực, HOSE chưa bao giờ từ chối công ty nào có nhã ý làm đại lý đấu giá”. Cái lý của ông tổng giám đốc nghe chừng cũng có tình, bởi CTCK lớn hay nhỏ đều phải kiếm khách hàng, anh em với nhau, cả ai lỡ nhất bên trọng nhất bên khinh. Với các đợt IPO lớn như Vietcombank, MobiFone, BIDV... CTCK nào bị đứng ngoài cuộc chơi sẽ là một thiệt thòi rất lớn mà từ chối họ rồi, không giải thích rõ ràng tại sao họ “bị loại” thì sẽ rất phức tạp, thôi thì anh em cùng làm cho vui là chính. Ông Sinh bảo, cứ viện chuyện chưa có kinh nghiệm mà cắt cầu người ta thì bao giờ kẻ sinh sau có tóc. Thôi thì ai muốn lỗ cứ cho lỗ, công ty nào có lèo tèo nhà đầu tư tham gia thì ráng chịu mũ ni che tai cho đỡ xấu hổ cùng anh em bạn bè, kẻo lại mang tiếng “đã móm còn muốn ăn thịt bò dai”.