Ngành điện mang tiền đầu tư đi đâu?

TS Lê Đăng Doanh: "Nhà nước đầu tư, lập ra ngành điện để phục vụ sản xuất điện chứ không phải để ngành điện đem đi đầu tư vào các ngành khác".

Dư luận lo ngại việc tăng giá điện như đề xuất của EVN sẽ càng đẩy giá tiêu dùng lên mức không thể kiểm soát. Ông nghĩ sao?

- Theo quan điểm của tôi, ngành điện xin đề nghị nâng giá là hoàn toàn hợp lý. Tuy vậy, xét về luật giá cả của Việt Nam thì giá điện lại do Nhà nước quyết định do đó phải chờ Chính phủ, cụ thể là Thủ tướng quyết định.

Việc để giá điện quá thấp là một điều phi lý. Bởi lẽ:

Giá điện quá thấp sẽ khuyến khích người ta sử dụng một cách không hợp lý, còn các nhà đầu tư nước ngoài thì đổ xô về đây dùng điện của Việt Nam để sản xuất rồi xuất khẩu sản phẩm để kiếm lợi nhuận.

Theo logic, giá điện quá thấp thì lợi nhuận thu về của ngành điện thấp hoặc quá thấp. Không có lợi nhuận thì không ai chịu đầu tư để phát triển ngành điện cả. Nếu cứ tiếp tục một chính sách giá điện như vậy thì tất yếu sẽ làm sụp đổ mạng lưới điện.

Chúng ta lo người nghèo sẽ vất vả hơn khi giá điện tăng? Điều đấy là đúng, tuy nhiên phải giúp đỡ người nghèo bằng cách trợ giúp trực tiếp đúng đối tượng, còn lại phải bảo đảm giá điện có lãi và đủ để người ta đầu tư. Nếu không sớm làm được việc đó, thì hệ luỵ sẽ là không có điện để phục vụ cho đời sống, sản xuất.

Điện mà thiếu sẽ hạn chế tăng trưởng kinh tế, hạn chế cả các dịch vụ xã hội. Vì vậy, Chính phủ cũng đã có Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015, có xét triển vọng đến 2025 (Quy hoạch điện 6) và cũng đã giao nhiệm vụ đầu tư và chịu trách nhiệm chính cho EVN. Nhưng hiện nay EVN mới chỉ sản xuất khoảng trên dưới 60% tổng lượng điện cung cấp, còn lại trên 30% thì phải mua của các nhà sản xuất độc lập và cả Trung Quốc.

Vấn đề cần bàn ở đây, là nên có một cơ quan quản lý giám sát ngành điện.

Lâu nay, việc điều tiết ngành điện theo kinh tế thị trường thì đã có Luật cạnh tranh. Tuy nhiên ở Việt Nam, bên cạnh Luật cạnh tranh thì còn có luật về điện riêng, dầu khí riêng, luật viễn thông riêng.

Do vậy, Luật cạnh tranh ra đời là một điển hình về việc soạn thảo ra một luật mà khi thực hiện lại không đi vào cuộc sống. Chúng ta cũng lập ra Hội đồng cạnh tranh, Cục quản lý cạnh tranh, nhưng thử hỏi hiệu quả của nó đến đâu?

Vậy thì theo ông, tăng giá điện như thế nào thì hợp lý?

- Vấn đề giá thành như thế nào thì hiện nay không có căn cứ gì để biết được giá thành chi tiêu của ngành điện có hợp lý hay không. Không hề có công khai kiểm toán, không công khai số liệu, cũng không có công khai tỷ lệ quản lý chi phí, thất thoát mạng lưới so với quốc tế,...

Điều đó tức là chúng ta không có đủ dữ liệu căn cứ rõ ràng để tính giá điện chuẩn. Do vậy cần một cơ quan giám sát. Mà không chỉ ở ngành điện, tất cả các tập đoàn độc quyền đều cần sự giám sát của pháp luật và cơ quan giám sát. Nếu không thì họ sẽ tìm cách lạm dụng để kiếm lợi bằng thế độc quyền.

Cũng cần nói thêm, ngoài việc thiếu công khai minh bạch về cơ cấu chi tiêu giá thành thì việc quy trách nhiệm về một đối tượng cụ thể cũng chưa được thực hiện.

Chúng ta vẫn thấy xét xử anh này, anh kia làm chậm tiến độ dự án, vậy tại sao những nhà đầu tư vào các dự án điện chậm tiến độ lại không thấy công khai ra công chúng? Các dự án điện cần phải được thực hiện đúng tiến độ.

Việc tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế là rất cần thiết, như nguồn năng lượng từ các nhà máy thuỷ điện nhỏ hay năng lượng sinh học Biogas, hay điện từ sức gió và năng lượng mặt trời. Điều quan trọng là cần triệt để tiết kiệm điện ở bất cứ nơi nào, từng ngọn đèn một và phải hợp thức hoá điều đó, nên đừng nên nhìn một phía.

Cũng nói thêm rằng, hiện nay tỷ lệ sử dụng điện để tạo ra 1 USD GDP ở Việt Nam là quá cao. Chúng ta phải mất tới 1,02kw/h điện mới tạo ra được 1 USD GDP, trong khi đó tỷ lệ này ở Nhật là 0,19kw/h điện, Hàn Quốc và Đài Loan khoảng 0,3kw/h điện. Cần phải xem xét để có được những nỗ lực của các nhà khoa học và các nhà quản lý và sự sử dụng rất tiết kiệm của tất cả các cơ quan và các gia đình.

Ông vừa nói cần có một cơ quan giám sát về điện. Nếu được thành lập, cơ quan này nên trực thuộc Chính phủ hay Quốc hội để đảm bảo được tính độc lập?

- Cơ quan này phải được lập với mô hình tương tự như cơ quan kiểm toán và nó nên đặt ở Quốc hội. Nếu có mô hình các cơ quan được thành lập và hoạt động theo luật định tức là các cơ quan ấy do Quốc hội bổ nhiệm, hoạt động hoàn toàn theo luật, trong đó sẽ phải có đại diện của thành phần doanh nghiệp, tư nhân và các chuyên gia.

Trước nay, bằng cách này hay cách khác, Chính phủ đều dồn sức ưu tiên đầu tư cho ngành điện nhưng thực tế thì sao, ngành điện lại rót tiền đầu tư vào các lĩnh vực khác không thuộc phạm vi chức năng của mình. Và đó có phải là lý do mỗi khi ngành này đòi tăng giá điện, thì dân lập tức phản ứng?

- Các tập đoàn đa dạng hoá danh mục đầu tư của mình, sang các lĩnh vực khác như chứng khoán hay BĐS là hành vi chạy theo lợi nhuận rất bình thường của bất kỳ doanh nghiệp nào. Có điều là Nhà nước đầu tư lập ra ngành điện để phục vụ sản xuất điện chứ không phải để ngành điện đem đi đầu tư vào các ngành khác.

Trách nhiệm của Chính phủ, của Quốc hội là buộc EVN báo cáo rõ nguồn tiền của Nhà nước đã được đem đi đầu tư như thế nào...? Điều ấy đem lại lợi nhuận và đầu tư trở lại cho ngành điện được bao nhiêu?

Vừa mới đây, đại diện của ngành điện cho rằng, dù có tăng giá điện theo đúng lộ trình thì tình trạng thiếu điện vẫn tiếp tục tái diễn, liệu tuyên bố này có hợp lý không?

- Ngành điện đã dự kiến công suất phục vụ để đáp ứng số đầu tư trong xã hội và sự tăng trưởng thấp hơn thực tế. Hiện nay, số doanh nghiệp tư nhân đã tăng lên đến 24%, lượng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng lên mạnh mẽ. Do vậy ngành điện phải điều chỉnh lại quy hoạch của mình.

Xét về nguyên nhân của việc thiếu điện thì việc các công trình đầu tư sản xuất điện quá chậm trễ là nguyên nhân chính. Theo tôi cần tập trung khắc phục nhanh chóng điều này.

Xin cảm ơn ông!

Theo Minh Yến

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây