CTCP KỸ NGHỆ GỖ TRƯỜNG THÀNH

Lĩnh vực: Hàng tiêu dùng > Ngành: Đồ dùng cá nhân & Gia dụng

Vì sao TTF chọn phát hành dưới mệnh giá?

Dư nợ nhiều khiến chi phí lãi vay tăng cao và lợi nhuận sụt giảm. Nếu đợt phát hành thành công, dù phải thiệt đi chút ít của để dành thặng dư vốn nhưng bù lại, công ty có tiền mặt.

Dù luật không cấm nhưng năm 2012 là năm đầu tiên phong trào phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Nguyên nhân thì nhiều nhưng có thể thấy một điểm chung nhất là thị giá xuống quá thấp khiến việc phát hành tăng vốn trên mệnh giá khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã thất bại trong những đợt chào bán bởi đơn thuần giá phát hành trên mệnh giá không đủ hấp dẫn nhà đầu tư.

Trước quyết định của TTF, mùa ĐHCĐ năm 2012 đã ghi nhận một số trường hợp được ĐHCĐ thông qua phát hành dưới mệnh giá như VDS, DTA...Bài viết này tôi phân tích về hoạt động kinh doanh của TTF để thử tìm câu trả lời vì sao TTF có lựa chọn bất ngờ đó.

Nợ/tổng tài sản tăng mạnh

D/A tại thời điểm kết thúc quý I/2012 của TTF ở mức 75%. Từ hệ số nợ dưới 55% hồi đầu năm 2008, TTF đã tăng mức đòn bẩy vốn lên 75%. Cùng với nợ nhiều, chi phí lãi vay của TTF cũng nằm trên đường xu hướng tăng. Đến quý I/2012, chi phí lãi vay của công ty là hơn 56,5 tỷ đồng.

Bí vốn ở hàng tồn kho

Trong nhiều quý trở lại đây, giá trị hàng tồn kho của TTF luôn ở mức hơn 1.200 tỷ đồng. Từ lâu nay, giá trị hàng tồn kho của TTF vẫn luôn xoay từ 40-55% tổng tài sản. Như vậy, dù cuối quý I/2012, giá trị hàng tồn kho của TTF đạt mức gần 1.750 tỷ đồng nhưng vẫn kiểm soát dưới 55% tổng tài sản. Tuy nhiên, vấn đề hàng tồn kho nhiều khiến nguồn tiền lưu động của công ty khá eo hẹp. Tại thời điểm kết thúc quý I/2012, TTF có 14 tỷ đồng tiền và tương đương tiền.

 


Giá trị sổ sách cao gấp 4 lần giá dự kiến chào bán

Tính tại thời điểm kết thúc quý I/2012, TTF có quỹ thặng dư vốn 338 tỷ đồng (nhiều hơn cả vốn điều lệ) và LNST chưa phân phối 25 tỷ đồng. Giá trị sổ sách cuối quý I/2012 đạt hơn 21.000 đồng/CP. Tại sao TTF lại chào bán giá rẻ 5.000 đồng và chấp nhận ghi âm thặng dư vốn khi phát hành?

Thị giá xuống thấp là một nguyên nhân khiến TTF khó có thể lựa chọn khác nếu muốn phát hành thành công. Thị giá kết thúc phiên giao dịch tuần trước, TTF đạt 9.500 đồng/CP, thấp hơn mệnh giá.

Hoạt động kinh doanh vẫn gặp khó ngắn hạn do nhu cầu thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Dù đã cơ cấu toàn diện doanh nghiệp, cắt giảm, sáp nhập một số chi nhánh để tiết giảm chi phí nhưng đầu ra hẹp đi kéo theo việc thiếu hụt nguồn lưu động. Trong báo cáo thường niên năm qua, Chủ tịch HĐQT công ty cũng đã có tâm thư gửi cổ đông về khó khăn này.

Cần tiền cơ cấu lại nguồn vốn có lẽ là nguyên nhân chính khiến TTF đi đến quyết định bất ngờ đó. Như phân tích ở trên, dư nợ của TTF đã tăng mạnh so với những năm trước. Vấn đề này khiến chi phí lãi vay tăng cao và lợi nhuận sụt giảm. Nếu đợt phát hành thành công, dù phải thiệt đi chút ít của để dành thặng dư vốn nhưng bù lại, công ty có tiền mặt cơ cấu lại nguồn vốn.

Qua phân tích ở trên, có thể thấy, dù gặp khó nhưng trong 4 năm qua, TTF chưa quý nào bị lỗ. Đây là một thành quả đáng ghi nhận trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lỗ, phá sản...Việc phát hành dưới mệnh giá của TTF chưa có thông tin cụ thể và cũng chỉ là chủ trương mà HĐQT đề đạt với ĐHCĐ. Tuy nhiên, theo chủ quan của người viết, đây là một bước đi chiến lược giúp công ty tăng ngân lưu, giữ vững hoạt động kinh doanh khi thị trường xuất khẩu gặp khó.



 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây