BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Triển vọng nào cho ngành chứng khoán trong và sau năm 2022?

Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, đội ngũ phân tích của Vnstockmarket cho rằng trong ngắn hạn nửa cuối năm 2022 thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh đi ngang trong khoảng 1.200 đến 1.400 điểm. Về dài hạn, sự phát triển của ngành chứng khoán nói chung sẽ bắt đầu có sự phân hóa lớn giữa các công ty theo nhiều yếu tố.
Thị trường chứng khoán đang có những nhịp điều mạnh từ đầu năm 2022 đến nay, kèm theo đó là thanh khoản cũng lùi về mức khá thấp. Theo thống kê, thanh khoản bình quân phiên trên HoSE đã có xu hướng giảm mạnh từ sau khi đạt đỉnh vào tháng 11 năm ngoái. Trong tháng 5 vừa qua, giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 13.800 tỷ đồng/phiên, thấp nhất kể từ tháng 2/2021. 
 
Đây được xem là nguyên nhân đưa triển vọng ngành cũng như cổ phiếu chứng khoán trở nên khó khăn hơn. Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các CTCK, thanh khoản thấp cũng khiến cổ phiếu ngành chứng khoán khó hấp thụ được lượng cung lớn từ các đợt phát hành tăng vốn trước đó.
 
Nhìn lại hai năm thăng hoa 2020 – 2021, tác động kép từ sức nóng của thị trường chứng khoán kết hợp với lợi nhuận đột biến đã đẩy giá hàng loạt cổ phiếu chứng khoán thăng hoa, mức tăng bằng lần không hiếm tại nhóm cổ phiếu này, cá biệt có mã tăng tới 10 lần chỉ trong chưa khoảng 2 năm 2020 đến 2021. 
 
Mang đặc tính của một ngành có chu kỳ kinh doanh biến động mạnh, cổ phiếu của các công ty chứng khoán cũng diễn biến khá nhạy cảm, biên độ rất cao, bất kể đó là công ty chứng khoán lớn có thị phần ổn định trên top đầu thị trường. Đội ngũ phân tích của Vnstockmarket đã miêu tả chi tiết biến động của hơn 15 công ty chứng khoán lớn có niêm yết cổ phiếu trên thị trường trong giai đoạn 2017 đến tháng 6/2022.
 
 
Thống kê tính toán đã điều chỉnh số liệu từ các sự kiện chia tách cổ phiếu, chia cổ tức, cổ phiếu thưởng và các điều chỉnh kỹ thuật khác mà không làm thay đổi bản chất khả năng sinh lời/tăng trưởng của các cổ phiếu công ty chứng khoán trong giai đoạn này.
 
Điều gì đã đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh?
Xét về nguyên nhân đẩy giá cổ phiếu chứng khoán tăng phi mã khi đó, lực lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường gia tăng đột biến với hàng trăm nghìn tài khoản được mở mới hàng tháng, dòng tiền theo đó ồ ạt chảy vào thị trường. Đây được xem là nguồn vốn ngắn hạn và rất tích cực tham gia mua bán trên thị trường cùng với mức sử dụng đòn bẩy vay margin cao. Điều này giúp đội ngũ các công ty chứng khoán ghi nhận sự bùng nổ về cả doanh thu môi giới, phí vay margin và một số doanh thu dịch vụ khác. Kết quả kinh doanh năm 2020 và 2021 theo đó tăng trưởng phi mã, nhiều công ty thậm chí bỏ xa kế hoạch kinh doanh đã đặt ra từ đầu năm, nâng kế hoạch lên bằng lần nhưng vẫn hoàn thành vượt mức.
 
 
Đặc biệt, đà tăng ghi nhận ấn tượng hơn tại các công ty môi giới chứng khoán có nền tảng và định hướng phát triển sẵn cho mảng khách hàng cá nhân do tỷ lệ chi phí dịch vụ tỷ lệ nghịch với quy mô vốn đầu tư; cường độ giao dịch cao thì tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính lớn cũng như lượng lớn nhà đầu tư cá nhân sử dụng margin nhưng thiếu tính toán cẩn thận về mức chi phí dịch vụ phải chi trả kéo theo.
 
Triển vọng cổ phiếu chứng khoán trong và sau năm 2022 ra sao?
Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, đội ngũ phân tích của Vnstockmarket cho rằng trong ngắn hạn nửa cuối năm 2022 thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục điều chỉnh đi ngang trong khoảng 1.200 đến 1.400 điểm. Về dài hạn, sự phát triển của ngành chứng khoán nói chung sẽ bắt đầu có sự phân hóa lớn giữa các công ty theo nhiều yếu tố.
 
Chất lượng dịch vụ đầu tư
Giai đoạn hiện nay, đội ngũ các nhà đầu tư F0 dần trưởng thành và hiểu biết hơn. Do vậy các các yêu cầu về chất lượng dịch vụ và cơ chế tính phí dịch vụ lành mạnh cũng sẽ tăng lên dẫn đến lợi nhuận biên cho mảng khách hàng cá nhân sẽ giảm xuống.
 
Việc giữ chân và phát triển khách hàng sẽ không còn ồ ạt theo xu hướng mà sẽ chú trọng vào chất lượng dịch vụ, dĩ nhiên kết quả là các công ty chứng khoán mang tiếng xấu, thiếu chất lượng dịch vụ cho nhà đầu tư sẽ dần dần bị mất thị phần.
 
Chính sách và định hướng của nhà nước đối với thị trường chứng khoán
Từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan có thẩm quyền đang cho thấy rõ sự quyết tâm nâng hạng và phát triển thị trường không chỉ về quy mô mà còn về chất lượng. Hàng loạt các chỉ đạo và hành động quyết liệt chấn chỉnh thị trường ở cả các khối doanh nghiệp và các lãnh đạo liên quan đã được thực hiện.
 
Bên cạnh kết quả làm trong sạch thị trường, điều này cũng sẽ đồng thời khiến các công ty chứng khoán "khó làm ăn" hơn và phải tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp khắt khe hơn. Đây là xu hướng đặc biệt tốt cho nhà đầu tư cá nhân và sự phát triển bền vững của thị trường. Bởi tình trạng hiện nay, các rủi ro đạo đức ở các loại hình tư vấn, môi giới chứng khoán là rất lớn cho khách hàng cá nhân.
 
Sự cạnh tranh của các công ty trong ngành
Giai đoạn 2017-2022, thị trường chứng khoán đã chứng kiến sự cạnh tranh tăng lên đáng kể trong ngành chứng khoán, chủ yếu từ việc giảm phí dịch vụ. Nhiều công ty chứng khoán mới thành lập đã chấp nhận giảm phí sâu, hoặc miễn phí giao dịch một thời gian cho nhà đầu tư để gia tăng lượng khách hàng.
 
Trong giai đoạn tiếp theo, đội ngũ Vnstockmarket tin rằng sự cạnh tranh sẽ còn đến từ chất lượng dịch vụ qua đó tác động khiến lợi nhuận các công ty chứng khoán có sự phân hóa mạnh. Cụ thể, những công ty có thương hiệu, ít tai tiếng, quản lý và đào tạo chất nhân viên tốt hay xây dựng cơ chế phí lành mạnh hơn cho khách hàng sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc giữ chân khách hàng.
 
Đưa ra cái nhìn tương đối tích cực, Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng chứng khoán của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng khi tỷ lệ cá nhân có tài khoản chứng khoán vẫn ở mức thấp. Tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước vào cuối tháng 5 mới đạt 5,6 triệu, chiếm gần 5,7% dân số.
Mặt khác, ACBS cho rằng mảng môi giới chứng khoán có mức độ cạnh tranh cao khi có tới 74 CTCK trong khi sản phẩm ít có sự khác biệt giữa các công ty. Bên cạnh đó, hoạt động tự doanh dự báo sẽ gặp khó khăn trong quý 2/2022 do thị trường diễn biến kém thuận lợi. Đây là 2 mảng hoạt động chính đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của các CTCK bên cạnh cho vay ký quỹ (margin).
 
Phương Linh
Theo Nhịp sống kinh tế
 

Nguồn tin: cafef.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây