10 Sự kiện tài chính – chứng khoán
- Thứ ba - 01/01/2008 11:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
1/ Luật Chứng khoán có hiệu lực
Ngày 1-1-2007, Luật Chứng khoán có hiệu lực. Đây là một trong những bộ luật được đánh giá là có ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với các doanh nghiệp cổ phần niêm yết lẫn chưa niêm yết CP. Luật này tác động đến hàng loạt vấn đề: chạy đua thành lập công ty chứng khoán, nâng quy mô vốn các doanh nghiệp niêm yết tại HOSE lên gấp 8 lần và tại HASTC lên gấp 2 lần…
2/ Xử phạt vi phạm chứng khoán
Ngày 8-3, Chính phủ ban hành Nghị định 36/2007/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt cao nhất 70 triệu đồng. Nghị định này đã mở đường cho hàng loạt các quyết định xử phạt của Chánh thanh tra UBCKNN mà đối tượng vi phạm là các NĐT cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Tuy nhiên, mức phạt cao nhất vẫn chưa thể “khuất phục” được các vi phạm trên thị trường.
3/ Chỉ thị 03 “kiềm chế” TTCK
Ngày 28-5, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN với nội dung chủ yếu là khống chế dư nợ cho vay, đầu tư, kinh doanh chứng khoán ở mức dưới 3% tổng dư nợ của tổ chức tín dụng. Việc này đã làm một lượng tiền lớn đang lưu thông trên TTCK chảy ngược về các NHTMCP. Kết quả, sức cầu trên TTCK giảm mạnh, chứng khoán rớt giá hàng loạt và chỉ số VN Index trượt mạnh. Thị trường trở nên lình xình mặc dù có khá nhiều thông tin tốt.
4/ IPO Bảo Việt
Diễn ra vào ngày 31-5 và đã nhận được sự quan tâm theo dõi của các nhà đầu tư. Tối 3-6, Ban đấu giá cổ phần Bảo Việt công bố giá đấu giá thành cao nhất là 250.000 đồng/cổ phần, thấp nhất là 67.800 đồng/cổ phần và giá đấu thành công bình quân là 73.910 đồng/cổ phần. Kết quả này đã giáng một đòn khá mạnh vào cả CP niêm yết lẫn OTC.
5/ Khớp lệnh liên tục
Ngày 30-7-2007, HOSE đã chính thức đưa phương thức khớp lệnh liên tục vào giao dịch song song với phương thức cũ, tức phương thức khớp lệnh định kỳ. Theo đó, thời gian cho các giao dịch khớp lệnh liên tục bắt đầu từ 9 giờ đến 10 giờ hàng phiên và các giao dịch khớp lệnh theo phương thức cũ vẫn tiếp tục được dùng để xác định giá mở cửa (từ 8 giờ 30 đến 9 giờ) và giá đóng cửa (từ 10 giờ đến 10 giờ 30).
6/ HoSTC chuyển thành HOSE
Ngày 8-8, HoSTC (TTGDCK TPHCM ) chính thức chuyển thành Sở giao dịch chứng khoán TPHCM, tên giao dịch quốc tế Hochiminh Stock Exchange (HOSE), là pháp nhân thuộc sở hữu nhà nước, được tổ chức theo mô hình công ty TNHH một thành viên, hoạt động theo Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp. Vốn điều lệ của HOSE là 1.000 tỷ đồng. Việc chuyển đổi này giúp HOSE có quyền lực hơn như được ban hành các quy định để điều hành, giám sát thị trường, tổ chức niêm yết…
7/ Sập sàn
Sáng 30-8, toàn bộ hệ thống giao dịch của HOSE và 50 công ty hoàn toàn tê liệt. Sự cố xảy ra suốt phiên 1 và kéo sang phiên 2. Đến 15 giờ chiều cùng ngày, HOSE tổ chức cuộc họp báo giải thích nguyên nhân của sự cố là do nhân viên của Sở đã bất cẩn, để xảy ra việc trùng địa chỉ IP của máy chủ với một máy khác.
8/ Tin đồn mở room cho NĐT ngoại
Tin đồn này xuất hiện vào sáng ngày 21-12, xuất phát từ sự kiện Ngân hàng ANZ, thành viên Hội đồng Quản trị Sacombank, thông báo mua vào trên 700 ngàn CP STB, trong khi room tại Sacombank đã đầy. Từ đây, thị trường xôn xao khả năng có quyết định mở room vào đầu năm 2008, hoặc khả năng có giao dịch nội bộ giữa các cổ đông chiến lược nước ngoài của Sacombank.
9/ IPO Vietcombank
Ngày 26-12 đã diễn ra buổi đấu giá CP Vietcombank – một IPO có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại TTCK Việt Nam. Toàn bộ số lượng 97,5 triệu CP chào bán đã được 183 tổ chức (37 tổ chức nước ngoài) và 8.609 nhà đầu tư cá nhân (198 cá nhân nước ngoài) đặt mua hết với giá đấu trúng bình quân 107.860 đồng/cổ phần. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua 28,8 triệu cổ phần và nhà đầu tư trong nước mua 68,7 triệu cổ phần. Phiếu có khối lượng đặt mua cao nhất là 3,9 triệu cổ phần và phiếu có giá đặt mua cao nhất 250 ngàn đồng/cổ phần. HOSE đã phải tập trung khoảng 100 nhân viên (được tập huấn trước) cho các khâu mở hòm, kiểm phiếu, nhập lệnh, giám sát…và phải làm việc liên tục từ 9 giờ sáng đến hơn 12 giờ đêm.
10/ Kỷ lục giao dịch
Tính đến hết năm 2007, tổng giá trị vốn hóa TTCK Việt Nam ước đạt gần 500 ngàn tỷ đồng, bằng khoảng 42% GDP của năm 2007. Sự tăng trưởng mạnh về quy mô được đánh dấu bằng các cột mốc đáng nhớ ở cả hai sàn HASTC và HOSE: Chỉ số VN Index đạt mức cao nhất 1.172,35 điểm vào ngày 27-2, thấp nhất 741,27 điểm vào ngày 2-1; chỉ số HASTC Index cao nhất 454,81 điểm vào ngày 9-3, thấp nhất 241,92 điểm vào ngày 2-1. Sức mua bán mạnh nhất của sàn HOSE là 18,03 triệu CP phiên ngày 1-10 và sàn HASTC là 7,5 triệu CP ở phiên ngày 16-10. Chính vì vậy Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 128/QĐ-TTg đề ra mục tiêu đến năm 2010 có tổng giá trị vốn hoá thị trường đạt 50% GDP, định hướng năm 2020 đạt 70% GDP.
Những vụ lùm xùm trên TTCK năm 2007 1- CP BMI điêu đứng vì tin đồn: Cuối tháng 1, CP Bảo Minh (BMI) liên tục bị bán tháo giá sàn do tin đồn thất thiệt về nguy cơ Bảo Minh bị phong tỏa tài khoản, liên quan đến việc đền bù thiệt hại hỏa hoạn cho Công ty Hoàng Long. Khoản đền bù chưa đầy 5 tỷ đồng nhưng đã khiến CP BMI điêu đứng và nhiều NĐT thiệt thòi, trong khi phản ứng của Bảo Minh khá chậm. Đây cũng là sự kiện mở đầu một năm nở rộ tin đồn. 2 - Sự cố chuyển sang giao dịch buổi chiều: Lần đầu tiên trong lịch sử TTCK Việt Nam, phiên ngày 2-2 phải chuyển sang giao dịch vào buổi chiều, chỉ có 1 đợt khớp lệnh và giao dịch thỏa thuận, do lỗi kỹ thuật của nhân viên HOSE. Đây cũng là sự kiện mở đầu cho một năm nhiều sự cố kỹ thuật tại cả hai đầu TPHCM và Hà Nội. 3 - CTCK Thiên Việt gây sốc: Một hiện tượng chưa từng có trước đó tại Việt Nam: CTCK Thiên Việt (TVS) bổ nhiệm tổng giám đốc khi nhân vật này không biết. Vụ việc thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong thời điểm nhiều DN đang hối hả chạy giấy phép lập CTCK. Tiếp đó, TVS lại đối mặt với dư luận liên quan đến mối quan hệ hợp tác được thông tin quá mức thực tế với Tập đoàn Goldman Sachs. 4 - “Chợ phiên” CP giả: Lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện tội phạm tổ chức “chợ phiên” giao dịch và phát hành CP giả (tại Hải Phòng). 3 cá nhân đã tổ chức in ấn và chuẩn bị cho phát hành số CP giả mạo CTCP Việt Toàn Cầu với gần 100 tỷ đồng cùng 300 “bản cáo bạch”. Ngày 27-4, TAND Hải Phòng đã mở phiên toà sơ thẩm hình sự, xét xử vụ lừa đảo này. 5 - VFM điều chỉnh giảm giá phát hành: Do lo ngại không thành công của đợt bảo lãnh phát hành tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ lên 1.000 tỷ đồng, Công ty Quản lý quỹ VFM đã điều chỉnh giảm giá phát hành, gây bất bình trong giới đầu tư. Trước áp lực dư luận, VFM đã khôi phục giá ban đầu. Sự kiện này tạo một tiền lệ xấu trên TTCK Việt Nam. 6 - Thao túng giá chứng chỉ VF1: Lần đầu tiên tại TTCK Việt Nam việc móc nối thao túng giá giữa các cá nhân bị phát hiện. Đó là trường hợp hai cá nhân thao túng giá chứng chỉ quỹ VFMVF1 bằng cách thông đồng trong giao dịch, liên tục cấu kết với nhau mua bán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo. Tổng mức xử phạt đối với hai cá nhân này là 160 triệu đồng. 7- FPT đưa thương hiệu đi “góp vốn”: Kế hoạch Công ty FPT đưa thương hiệu đi “góp vốn” lập các công ty mới như CTCK FPT, Ngân hàng FPT… đã tạo một phản ứng mạnh trong giới đầu tư do có yếu tố “tư nhân hóa” không công bằng. Cộng với việc cổ đông chiến lược nước ngoài bán mạnh ra, giá CP FPT giảm mạnh và không thể tăng mạnh trở lại như trước đó cho đến hết năm. 8- Sự cố nhầm giá và tính lại HASTC-Index: Một sự cố hi hữu xảy ra trong phiên ngày 10-10 tại HASTC. Kết quả giao dịch CP TLT của CTCP Gạch men Viglacera Thăng Long phải hủy bỏ do tính nhầm giá tham chiếu; chỉ số HASTC- 9 - Nhầm lẫn số liệu tài chính VTS: Lợi nhuận trước thuế quý III-2007 của CTCP Viglacera Từ Sơn (VTS) chỉ hơn 526 triệu đồng, nhưng thông tin trên website của HASTC lại thông báo ở con số 1,3 tỷ đồng. Nhầm lẫn này xuất phát từ VTS, dẫn đến hiểu nhầm của nhiều NĐT. Sau sự cố này, giá VTS và khối lượng giao dịch liên tục giảm mạnh. Đáng chú ý thời điểm đó một số lãnh đạo chủ chốt VTS cũng bán ra. 10 - Tin đồn về giá cổ phần Vietcombank (VCB): Trước thềm IPO Vietcombank, có tin đồn giá CP VCB chỉ được trả từ 40.000-50.000 đồng trong đàm phán tìm đối tác chiến lược nước ngoài. Mức giá thấp này lập tức tạo hiệu ứng lo ngại và ảnh hưởng xấu đến giá CP trên sàn. Vietcombank phủ nhận nhưng cũng không thể khẳng định mức đàm phán cụ thể do cam kết không công bố. |