An Bình ký hợp tác với Maybank: Tiền đề cho sức bật mới?
- Thứ hai - 10/11/2008 12:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
An Bình ký hợp tác chiến lược với Maybank. |
Ngày 5.11 vừa qua, NH An Bình (ABBank) đã tổ chức lễ công bố cổ đông chiến lược nước ngoài - Maybank, NH lớn nhất Malaysia.
ABB đáng "5 chấm"?
Thương vụ hợp tác giữa ABBank và Maybank đã được thị trường chú ý từ cuối tháng 5.2008 khi NHNN chấp thuận cho ABBank bán 15% cổ phần cho đối tác nước ngoài. Mức giá thương thảo thời điểm đó làm bất ngờ nhiều người khi Maybank chấp nhận giá mua gấp 5 lần mệnh giá.
Điều đáng nói là tại thời điểm đó, giá CP cả trên sàn niêm yết lẫn thị trường tự do không mấy sáng sủa. Không ít người đã nghi ngờ mức giá thực tế của thương vụ này khi thời gian đàm phán kéo dài và TTCK đi vào chu kỳ mất giá rất mạnh. Tuy nhiên, thực tế đã sáng tỏ khi ngày 24.9 vừa qua, ABBank đã chính thức trao giấy chứng nhận sở hữu cổ phần cho đối tác chiến lược này.
Theo thông tin công bố, tổng số cổ phần Maybank sở hữu là 40.588.235 cổ phần, tương đương 15% vốn điều lệ ABBank. (Số tiền mà Maybank thanh toán để sở hữu số cổ phần này là trên 1.578 tỉ đồng). Sau sự kiện này, vốn điều lệ của ABBank đạt trên 2.705 tỉ đồng. Trong đó, giá phát hành để Maybank sở hữu 10% vốn điều lệ (25.555.555 cổ phần) là 50.000 đồng/cổ phần; giá phát hành để Maybank sở hữu thêm 5% vốn điều lệ (15.032.680 cổ phần) là 20.000 đồng/cổ phần. Không những vậy, đại diện của Maybank còn cho biết trong tương lai, NH này sẵn sàng mua thêm 5% cổ phần nữa để nâng tỉ lệ sở hữu tại ABBank lên 20% nếu được Chính phủ cho phép.
Theo quy định hiện tại, mỗi NH nội địa chỉ được phép có duy nhất một đối tác chiến lược nước ngoài và tỉ lệ sở hữu tối đa là 15%. Trừ những trường hợp đặc biệt khi đối tác chiến lược cam kết gắn bó lâu dài và đem lại lợi ích cho cả hai bên thì Chính phủ sẽ xem xét cho phép sở hữu tới 20%. Hiện mới chỉ có NH HSBC đạt đến tỉ lệ sở hữu này tại NH Techcombank.
Bình luận về mức giá mà Maybank trả cho ABBank, một chuyên gia NH cho biết đối tác chiến lược không thể mua gom CP trên thị trường tự do mà phải có sự thương thảo hợp tác cụ thể đi kèm với nhiều cam kết khác nhau. Mặc dù giá trên thị trường OTC có thể là một yếu tố để tham khảo nhưng về cơ bản là sự định giá của chính bên mua theo những tiêu chí của họ. Do đó, rất có thể những đánh giá về tiềm năng của ABBank trong dài hạn xứng đáng để đối tác chấp nhận.
Đàm phán thành công về giá với một NH nước ngoài không phải là chuyện đơn giản vì họ thường tìm hiểu hết sức cặn kẽ về đối tác nội địa. Thực tế CP NH luôn có sức hấp dẫn lớn đối với NĐTNN vì đây vẫn là lĩnh vực có tiềm năng phát triển trong tương lai, đồng thời vẫn còn những cam kết hạn chế nhất định. CP NH chưa lúc nào bị NĐTNN bán ra quy mô lớn trong mọi điều kiện thị trường. Thậm chí, một số NHNN lớn được phép thành lập NH 100% vốn tại VN nhưng vẫn tiếp tục là NĐT chiến lược với một số NH nội địa.
Theo thông tin từ một lãnh đạo cao cấp của ABBank, đối tác nước ngoài thậm chí còn phỏng vấn cả nhân viên và lãnh đạo các bộ phận của NH này. Điều đó cho thấy sự cam kết là chắc chắn và đối tác chú trọng nhiều hơn đến triển vọng trong tương lai hơn là những khó khăn mang tính nhất thời.
Vai trò của Maybank
Đã có nhiều nghiên cứu, khảo sát, đánh giá về tiềm năng của thị trường tín dụng nội địa của VN. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng mức độ tiếp cận tín dụng của người dân còn rất thấp, các dịch vụ chưa phát triển, thậm chí còn quá ít sản phẩm tiện ích vốn được triển khai rộng rãi trên thế giới.
"Maybank tiếp tục nhìn thấy những tiềm năng lớn ở Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng chiến lược hợp tác cùng với đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm ở đây và sự hỗ trợ của các cổ đông như EVN sẽ khuyến khích ABBank thiết lập những chuẩn mực mới trong lĩnh vực dịch vụ tài chính Việt Nam", ông Mohamed Basir Ahmad - Chủ tịch HĐQT Maybank cũng nhận định.
Tháng 9 vừa qua, ABBank và Maybank đã thỏa thuận về những hợp tác sẽ tiến hành ngay trong năm 2009. Đại diện Maybank cho biết hai bên đã chính thức hóa việc"hợp tác chiến lược và chuyển giao kiến thức". Theo đo, ABBank sẽ được tiếp cận các công nghệ của Maybank cũng như sự hỗ trợ của các chuyên gia Maybank trong những lĩnh vực: Dịch vụ ngân hàng cho cá nhân và doanh nghiệp, quản lý rủi ro, quản lý nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ...
Thông tin từ ABBank cho biết, lĩnh vực hợp tác ưu tiên sẽ là quản lý doanh nghiệp. Maybank sẽ giúp ABBank xây dựng hệ thống quản lý từ hội đồng quản trị đến ban điều hành và các bộ phận khác có liên quan theo đúng tiêu chuẩn hiện đại của những NH quốc tế.
Trước đây khi nói về quản lý rủi ro, các ngân hàng VN thường tập trung vào quản lý rủi ro tín dụng, tuy nhiên phía Maybank đã thống nhất với ABBank sắp tới sẽ đưa vào vị trí giám đốc quản lý rủi ro, độc lập với ban điều hành và có báo cáo trực tiếp với HĐQT, sẽ cùng phối hợp với bộ phận rủi ro của ABBank để thường xuyên đưa ra những đánh giá, nhận định về những rủi ro sắp tới mà ABBank có thể gặp phải, biện pháp xử lý. Việc triển khai các sản phẩm bán lẻ mới cũng sẽ được thực hiện mang tính cạnh tranh cao và quy trình quản lý được chuẩn hóa.
Dự kiến đầu 2009, ABBank và Maybank sẽ xúc tiến thêm dự án quản trị nguồn nhân lực. Hai bên hiện đang trao đổi và bàn thảo kỹ về nhiều khía cạnh, xây dựng lại hệ thống tổ chức của ngân hàng, để xây dựng được tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, sử dụng nguồn nhân lực, tạo ra môi trường văn hoá kinh doanh. Maybank sẽ cử một cán bộ chuyên trách tại ABBank chịu trách nhiệm phối hợp để thúc đẩy những dự án trên được thực hiện đúng tiến độ.