BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Áp lực bán suy giảm: Thị trường liệu đã tới đáy?

Diễn biến khởi sắc của thị trường ba phiên cuối tuần qua đã phần nào giảm áp lực tâm lý. Khối lượng giao dịch tăng đột biến đã cho thấy "lòng tham" của NĐT bắt đầu nổi lên khi giá giảm đến một mức nhất định. Vấn đề còn lại là liệu sức mua có đủ để vực thị trường lên hay không?

Khi nào thị trường chạm đáy?

Thông thường mức đáy được nhìn nhận với những mốc điểm số cụ thể nào đó do mối quan hệ với các mức hỗ trợ trong quá khứ, ví dụ 400 điểm, 320 điểm hay 300 điểm. Tuy nhiên, một điểm rất khác biệt trong chu kỳ lao dốc này là áp lực bán kỹ thuật, hay còn gọi là "hiệu ứng tuyết lăn" của hoạt động giải tỏa cầm cố.

Do đó, đáy của thị trường nên được nhìn nhận một cách hợp lý hơn dưới góc độ tương quan cung - cầu: Khi nào áp lực bán được cân bằng và đó mới là chỉ báo quan trọng nhất, đảm bảo một khả năng phục hồi.

Xu hướng hiện tại rõ ràng là đi xuống và động lực cụ thể cho xu hướng ấy là áp lực bán. Khi áp lực bán còn quá lớn, NĐT chuyên nghiệp thường không tham gia dò đáy và các hành động đỡ giá cũng không được thực hiện hoặc không thể thực hiện nổi vì chi phí quá lớn.

Với TTCKVN, áp lực bán có thể được đánh giá qua hai thông số cơ bản: Tổng khối lượng chào bán và tổng khối lượng chào bán giá sàn. Lượng bán sàn đặc biệt quan trọng vì đây là khối lượng thể hiện cụ thể ý chí của bên bán: Quyết tâm bán bằng mọi giá.

Đi liền với thông số này là khối lượng dư bán giá sàn. Thị trường có thể đảo chiều nếu lượng bán sàn được "giải quyết" hết bằng một lực mua đủ lớn hoặc có sự điều tiết giảm chủ động của bên bán.

Chuỗi số liệu cung cầu từ đầu tháng 4 trở lại đây cho thấy có sự phù hợp với xu hướng của giá CK. Sau khi biên độ được tăng lên 2% và 3%, áp lực bán đã tăng vọt rất nhanh và đạt đỉnh cao nhất trong vòng 52 phiên với 35,15 triệu đơn vị (ngày 9.5).

Trong hai tuần gần đây, lượng bán ra đã có dấu hiệu suy giảm rõ rệt và ngày 10.6 chỉ còn 26,1 triệu CK. Ngày 11.6, lượng bán tăng lên 30,3 triệu CK nhưng ngày 12.6 lại giảm xuống còn 25,6 triệu CK.

Khối dư bán sàn cũng có tín hiệu được cải thiện: Quy mô trung bình 5 phiên chỉ còn 6,4 triệu CK sau khi đạt mức cao nhất 11,4 triệu CK ngày 22.5.

Một điểm đáng chú ý là giá trị dư bán sàn có tốc độ giảm nhanh hơn nhiều khối lượng do giá đa số CK đều giảm mạnh.

Ngày 10.6, tổng giá trị dư bán sàn chỉ còn 285 tỉ đồng, giảm 11% so với phiên trước và ngày 11.6 chỉ còn 129,5 tỉ đồng, giảm 54% so với phiên trước và rất thấp so với mức đỉnh 422,5 tỉ đồng ngày 13.5 vừa qua. Như vậy chi phí vốn để "giải quyết" lượng bán tháo đã giảm đáng kể.

Khi "lòng tham" trỗi dậy

Thực tế, áp lực bán giải chấp vẫn còn vì bên bán chưa "chạy" được bao nhiêu trong hoàn cảnh thanh khoản yếu. Tuy nhiên, cùng với tốc độ mất giá liên tục, "sức nặng" của khối lượng đó cũng vơi đi và giá rẻ sẽ hấp dẫn các nguồn tiền hứng lấy lượng hàng "khuyến mãi" đó.

Diễn biến của thị trường 2 phiên vừa qua cho thấy lượng cung có hai dạng chính: Bán giải tỏa cầm cố và bán cắt lỗ, đảo danh mục. Với hoạt động bán cắt lỗ, cơ cấu danh mục, tâm lý NĐT thông thường sẽ thay đổi rất nhanh, dễ dàng chuyển từ trạng thái bán tháo sang găm giữ nếu diễn biến khởi sắc. Do đó chi phí vốn để "giải quyết" lượng cung kiểu này không cần quá lớn.

Riêng đối với giải tỏa cầm cố, áp lực bán sẽ vẫn còn chừng nào toàn bộ khối lượng cầm cố được giải phóng hết. Do đó khối lượng này phải được hấp thu thông qua giao dịch nhiều ngày tới.

Những số liệu thống kê phản ánh rất rõ hai xu hướng này. Các CP đã có sự phân hóa rõ ràng: Với những mã bị cầm cố nhiều như SSI, STB, REE... mặc thị trường bật lên rất mạnh với rất nhiều mã kịch trần thì những CP này tiếp tục bị bán mạnh mẽ. Chính việc bán kỹ thuật với các mã này đã làm mất đi ý nghĩa của VN-Index với mức tăng 0,1 điểm ngày 12.6 và 2,13 điểm phiên cuối tuần.

Thực tế, nếu xét từ tương quan cung - cầu, sức mạnh của thị trường đã tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên những mã này lại chiếm tỉ trọng lớn trong rổ tính VN-Index nên khó có thể mong đợi một mức tăng mạnh của chỉ số trong hoàn cảnh này. Dù vậy, có thể lạc quan khi chỉ báo về lượng cung giá sàn với các mã này đang giảm khá mạnh.

Số liệu trung bình 5 phiên của REE tới ngày 13.6 cho thấy mức giảm 28% về tổng bán so với đỉnh ngày 26.5. SSI cũng giảm 27% so với đỉnh ngày 12.5 và STB giảm 39% so với đỉnh ngày 13.5. Dư bán sàn của những mã này đang giảm mạnh. DPM ngày 13.5 cũng cho thấy một sự chiến thắng của bên mua khi nỗ lực quét sạch lượng bán sàn trong phiên đã thành công.

Ngoài các mã tiếp tục bị bán kỹ thuật mạnh, đa số các CP còn lại đã đảo chiều mạnh cả về giá lẫn tương quan cung cầu. Khối lượng giao dịch có thể gây nhầm lẫn vì tâm lý thị trường thay đổi quá nhanh: Hôm qua còn là giao dịch cực thấp do không ai mua nhưng hôm nay cũng vẫn lượng giao dịch thấp đó lại là do không ai bán.

Lượng chuyển nhượng cực lớn ngày 11.6 cho thấy đó không chỉ là sự tham gia của NĐT nhỏ lẻ mà chắc chắn đã có nguồn tiền của tổ chức nhập cuộc. Giá CK và Index duy trì được mức đóng cửa cao hơn mở cửa là biểu hiện của lực mua mạnh hơn bán trong ngắn hạn. Tuy nhiên, áp lực bán trong mối tương quan với khả năng mua vẫn còn là ẩn số. Nếu nguồn tiền không đủ mạnh thì mức tăng khó bền vì nhanh chóng bị lượng bán làm cho bão hòa.

Tương quan cung - cầu và khối lượng giao dịch những phiên tới sẽ là căn cứ quan trọng để đánh giá tâm lý thị trường, đặc biệt là thời điểm T+4 - một chỉ báo về mức độ lạc quan và ý chí của bên mua.

Dù vậy, sự suy giảm của áp lực bán vẫn là tín hiệu đáng chú ý: Khối lượng bán thấp mới khiến người mua có "dũng cảm" nhảy vào thị trường vì khi đó yếu tố chính cản trở sự phục hồi đã được giải tỏa và nguồn tiền đủ để "giải quyết" lượng bán tháo với chi phí thấp nhất.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây