BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Cạn dần nguồn cung USD

Chứng khoán sụt giảm, ảnh hưởng đến nguồn thu và lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài khiến nguồn vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam vơi dần. Nhiều người tiêu dùng trong nước đã nhanh chóng rút hết tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ chuyển sang gửi bằng VND với lãi suất cao hơn...

Các DN xuất, nhập khẩu đang gặp nhiều khó khăn trong việc vay USD khi nguồn cung của ngân hàng có xu hướng cạn dần.

Khó vay USD

Cách đây 3 tháng, khi cung tiền VND hạn chế, các ngân hàng đua nhau điều chỉnh lãi suất huy động tiết kiệm, kéo theo lãi suất đầu ra cũng được đội lên. Để tránh những khó khăn nhất thời khi thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, nhiều DN đã tìm đến gõ cửa ngân hàng, nhưng chỉ muốn vay ngoại tệ, chủ yếu là đồng USD.

Lý do là vì lãi suất cho vay bằng VND vượt qua ngưỡng 20%/năm kỳ hạn ngắn hạn. Trong khi đó, nếu vay bằng ngoại tệ, lãi suất tối đa cũng chỉ bằng một nửa, nên nhiều DN đã chọn vay USD để tránh cơn “bão” lãi suất tiền đồng. Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 09/2008/QĐ-NHNN thu hẹp đối tượng cho vay vốn bằng ngoại tệ, nhất là đối với khách hàng là người cư trú. Nguyên nhân là do nhu cầu vay vốn ngoại tệ từ năm 2007 đến nay tăng rất mạnh do nhập siêu và do chênh lệch lãi suất giữa VND và USD.

Quyết định này tạo thêm một sức ép cho các DN có nhu cầu USD. Trên thực tế, các ngân hàng không huy động được nguồn vốn bằng USD, nên khó có thể đáp ứng được nhu cầu của DN. Giám đốc Khối khách hàng DN của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại TP.HCM cho biết, chưa cần đến Quyết định 09/2008/QĐ-NHNN của NHNN, thì các ngân hàng cũng phải tự động khóa van tín dụng bằng USD do không huy động được vốn. Chẳng hạn như ACB, tính đến nay, đã cho vay hết 80% tổng vốn huy động bằng ngoại tệ và hiện đang hạn chế cho vay đối với khách hàng mới. Còn An Bình, DongA Bank cũng không có đủ nguồn cung cho các DN xuất, nhập khẩu...

Ông Đào Hồng Châu, Phó tổng giám đốc Eximbank cho biết, các khách hàng đều không mặn mà với việc giữ USD, cho dù tỷ giá hối đoái đang có dấu hiệu phục hồi. Huy động vốn của các ngân hàng đều sụt giảm, cho dù lãi suất của hai loại tiền gửi phổ biến là VND và USD đã tăng khá cao, tương ứng 12%/năm (VND), 6%/năm (USD).

Tìm mọi cách hút vốn

Trước tình hình trên, các ngân hàng đang phải tìm đủ mọi cách hút thêm vốn USD ứng cứu cho các DN xuất, nhập khẩu. Theo đó, nhiều ngân hàng đã phát hành kỳ phiếu ghi danh bằng ngoại tệ. Ví dụ như Ngân hàng Quân đội (MB) vừa phát hành sản phẩm kỳ phiếu bằng USD với tổng mệnh giá của đợt phát hành tối đa là 20 triệu USD, nhằm đa dạng hoá các sản phẩm huy động, tạo nhiều lựa chọn cho khách hàng gửi tiền.

Kỳ phiếu USD của MB phát hành đợt này là kỳ phiếu ghi danh, có kỳ hạn 3 - 11 tháng, với mệnh giá tối thiểu 100 USD. Khi có nhu cầu về vốn, khách hàng có thể bán lại kỳ phiếu cho MB tại bất kỳ thời điểm nào với mức chiết khấu căn cứ theo số ngày thực nắm giữ và cao nhất là 80%.

Trường hợp người sở hữu kỳ phiếu muốn chuyển nhượng cho người khác, MB sẽ làm trung gian để đảm bảo an toàn và quyền lợi cho cả hai bên với thủ tục đơn giản. Đáng chú ý, MB sẽ thưởng lãi suất hấp dẫn dành cho những khách hàng đang gửi tiết kiệm USD tại MB khi mua kỳ phiếu USD với mức thưởng tối đa là 0,1%/năm. Ngân hàng Miền Tây (Western Bank) cũng vừa tung ra sản phẩm “Tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn bằng USD”. Theo đó, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn bằng USD lên đến 6%/năm. Khách hàng có thể rút vốn trước hạn và được chuyển đổi sang tiền đồng khi có nhu cầu.

Có thể nói, bên cạnh những khó khăn về nguồn vốn tiền đồng, các ngân hàng đang “khát” vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn cho khách hàng là các DN xuất, nhập khẩu. Mặc dù NHNN chủ trương bán đồng USD ra để hỗ trợ các ngân hàng cũng như DN xuất, nhập khẩu, song như chính NHNN Chi nhánh TP.HCM thừa nhận, không thể đáp ứng được cầu tăng cao của các DN xuất, nhập khẩu hiện nay. NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, đã có kiến nghị trình NHNN về việc tạo thêm điều kiện cho DN có chiết khấu bộ chứng từ xuất, nhập khẩu để được vay USD.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây