Cảnh cáo hồi tố
- Thứ hai - 12/11/2007 09:39
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ba ngày sau (8.11), đến lượt NH Nhà Hà Nội (Habubank) nhận được quyết định phạt cảnh cáo tương tự. Một số NH khác đang lo lắng liệu họ có nằm trong diện cảnh cáo. Và vì sao 5 NH nói trên im lặng "nhận tội" mà không phản ứng gì? Họ có thật sự vi phạm quy định về chào bán CK ra công chúng?
Năm nay nhiều NH chậm trễ trong phát hành CP tăng vốn điều lệ. Hầu hết các NH đều lên kế hoạch tăng vốn trong quý II, chậm nhất là tháng 9.2007, nhưng nay đã sang tháng 11, một số nhà băng đành xin lỗi cổ đông về sự không đúng hạn. "Dư luận cho rằng giá CP NH đang ảm đạm, nên chúng tôi lùi thời hạn phát hành để chờ thị trường ấm lên. Nhưng không phải vậy. Nguyên nhân chính là hồ sơ xin tăng vốn nằm bên SSC quá lâu" - TGĐ một NH đề nghị giấu tên, đã 3 lần bay ra HN để giải quyết thủ tục phát hành với cơ quan quản lý TTCK cho biết.
Một NH khác đã thông báo cổ đông nộp tiền, nhưng 3 lần phải dời ngày nộp, chậm hơn gần hai tháng so với dự định mà vẫn chưa biết liệu lần thứ ba có thu tiền cổ đông không, do vẫn chưa được SSC cấp phép phát hành. Một số NH tuy đã bị phạt cảnh cáo, nhưng hồ sơ vẫn chưa được duyệt. Một NH thậm chí trả lời chúng tôi: "Nhà báo không nên hỏi chuyện này nữa. Chúng tôi vẫn đang chờ xét duyệt, lỡ mấy ổng giận, ngâm thêm hồ sơ...".
Trên thực tế, việc tăng vốn của các NH lẽ ra đã đơn giản hơn rất nhiều khi từ cuối năm ngoái, NH Nhà nước cho phép các NH tăng vốn và đăng ký vốn mới mà chỉ cần báo cáo, không cần xin với hồ sơ phức tạp như vài năm trước. Tuy nhiên theo Luật CK, có hiệu lực từ 1.1.2007, tất cả các NH là Cty đại chúng, đều phải đăng ký chào bán CP ra công chúng với SSC. Việc đăng ký và chờ chấp thuận của SSC là thêm một nấc quản lý đối với các nhà băng, sau khi được NH Nhà nước cho phép. Đứng ở góc độ TTCK, việc các NH phải báo cáo tăng vốn với SSC là đúng luật, nhưng việc báo cáo bằng hồ sơ diễn ra quá lâu đã khiến quá trình tăng vốn trở nên phức tạp, kéo dài một cách không đáng có.
Trở lại với việc các NH bị phạt cảnh cáo, theo SSC, cả 5 đã vi phạm điểm a, khoản 1, điều 33 Nghị định 36/2007/NĐ-CP ngày 8.3.2007 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực CK. Lỗi của các NH là đã không báo cáo đầy đủ nội dung phát hành với SSC. Nhưng các NH làm sao có thể báo cáo đủ khi các văn bản hướng dẫn đến tận tháng 8.2007 mới có hiệu lực mà họ thì nộp hồ sơ xin phát hành từ tháng 4 - 5.2007?
Trong Quyết định 13/2007/QĐ-BTC ban hành mẫu bản cáo bạch trong hồ sơ đăng ký chào bán CK ra công chúng, Thông tư số 17/2007/TT-BTC hướng dẫn hồ sơ đăng ký chào bán CK ra công chúng ban hành ngày 13.3.2007, ghi rõ cả hai có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Đến tận ngày 28.7.2007 (số 510 + 511) và ngày 29.7.2007 (số 512 + 513) cả hai văn bản trên mới được đăng công báo. Như vậy phải đến giữa tháng 8.2007 cả hai văn bản mới chính thức có hiệu lực thi hành. Trước khi hai văn bản có hiệu lực, các NH vẫn làm theo quy định cũ. Và nay họ bị phạt hồi tố tới 3 - 4 tháng!
Một quan chức ngành CK nhận xét mức phạt cảnh cáo rất nhẹ, chỉ phải nộp từ 5 đến 10 triệu đồng do vi phạm lần đầu và "biết nhận lỗi". Những lần sau và nếu cố tình vi phạm, mức phạt sẽ nặng hơn nhiều. Theo khoản 4, điều 9, Nghị định 36/2007/NĐ-CP, mức phạt có thể "từ một đến năm lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức phát hành khi chưa có giấy chứng nhận chào bán CK ra công chúng". Nếu "khoản thu trái pháp luật" được hiểu là số tiền nhà băng thu về khi phát hành CP, thì mới thấy mức phạt nặng nề đến thế nào. Điều này giải thích vì sao các nhà băng lại im lặng, không có phản ứng, dù việc họ bị phạt hoàn toàn mang tính hồi tố.
Thêm một chi tiết đáng chú ý. Không biết Thanh tra SSC có nhầm lẫn các NH khi phạt cảnh cáo không? Trong quyết định xử phạt NH SCB, địa chỉ (trong điều 1 của quyết định) SCB lại ghi là số 2C, Phó Đức Chính, Q.1, TPHCM. Xin thưa địa chỉ trên là địa chỉ hội sở của Sài Gòn Công thương NH (SaigonBank), còn hội sở của SCB nằm trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TPHCM. Chánh thanh tra SSC - ông Hoàng Đức Long khi ký các quyết định cảnh cáo liệu có đọc hết nội dung từ A đến Z các quyết định này? Đây có phải nhầm lẫn vô tình và nếu không, thì ai sẽ phạt lỗi của thanh tra SSC?