Chính phủ sẽ phải giải trình trước QH về lạm phát
- Thứ năm - 27/03/2008 09:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển. Ảnh: K.H |
Thưa ông, nhiều người lo ngại với tình hình lạm phát cao như hiện nay, Chính phủ sẽ khó đạt được mục tiêu về tăng trưởng cũng như kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết của QH?
- Vừa rồi theo đánh giá của Chính phủ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I đã vượt trên 9%, vượt so với chỉ tiêu dưới tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,5 - 9% như Nghị quyết của QH. Tôi nghĩ chắc chắn Chính phủ sẽ phải giải trình trước QH vì sao không thực hiện được.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua tôi cũng hết sức đồng tình với các giải pháp của Chính phủ, trong đó có những giải pháp rất mạnh trong lĩnh vực tiền tệ, tài chính, ngân sách.
Theo Chính phủ đánh giá và chúng tôi nhận thấy, bước đầu những chính sách đó đã có tác động, hiệu quả nhất định, lạm phát cũng đang có xu thế chững lại. Biểu hiện rõ là đồng đô-la tăng lên, giá vàng không còn quá cao (trên 19 triệu đồng/lượng nữa), một số mặt hàng đã đi vào giá thực...
Lạm phát tác động rất lớn đối với nền kinh tế và đời sống của người dân, nhất là đối với người có thu nhập thấp. Nhưng hiện nay, Chính phủ cũng đã có chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ cho người có thu nhập thấp.
Liệu những biện pháp mang tính vĩ mô của Chính phủ có giúp kiềm chế được tốc độ tăng giá các mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, vốn đang tác động nhiều nhất đến đời sống, dân sinh hay không?
- Tất cả những giải pháp của Chính phủ nói chung và các giải pháp tiền tệ bao giờ cũng có độ trễ không thể thay đổi ngay lập tức cục diện nhưng rõ ràng nó đã có những tác động tích cực.
Giá lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu, nếu tiếp tục để nó tăng 20 - 25% như thời gian vừa qua thì kiềm chế lạm phát hết sức khó khăn. Tôi cho rằng Chính phủ cũng cần có giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ hơn, không chỉ dừng lại ở giải pháp tiền tệ mà cần đưa cả giải pháp về xã hội.
Tình trạng đầu cơ, độc quyền ở một số ngành, lĩnh vực cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới giá cả tăng cao. Tới đây QH sẽ giám sát các lĩnh vực này như thế nào để hạn chế tình trạng trên?
- Trong yếu tố tăng giá có yếu tố đầu cơ, độc quyền nên đã tạo ra một giá cả bất hợp lý. Trong thời gian tới tôi nghĩ QH chắc chắn phải có quan điểm rõ ràng kể cả giám sát, đưa vào các đạo luật để khắc phục vấn đề này.
Chúng ta đang bước vào cơ chế thị trường và đang trong quá trình hội nhập, muốn chống độc quyền không phải ngày một ngày hai. Dù Chính phủ có đưa ra hàng loạt giải pháp nhưng khi chúng ta chưa có nhiều nhà cung cấp, chưa có sự cạnh tranh lành mạnh thì khó có giá cả hợp lý. Và khi đó, các giải pháp được đưa ra chưa phải là giải pháp lâu dài.
Kinh nghiệm cho thấy, ở nhiều nước với các mặt hàng là năng lượng quan trọng Nhà nước vẫn có biện pháp để kiểm soát.
Xin cảm ơn ông!
Nguyệt Minh