Chờ đợi thêm tín hiệu phục hồi bền vững
- Thứ năm - 09/04/2009 00:49
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Xây dựng là ngành có khả năng bù đắp lớn nhất cho việc sụt giảm ngành sản xuất trong nước. |
Trong gần một tháng qua, thị trường tài chính toàn cầu phản ứng tích cực trước những dấu hiệu được cho là lạc quan của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn tỏ ra thận trọng về khả năng hồi phục bền vững của các nền kinh tế trong buổi cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sáng 7/4. WB cũng dự đoán, tỷ lệ tăng GDP của Việt Nam năm 2009 có thể giảm xuống 5%.
WB nhận định, kinh tế Trung Quốc có khả năng sẽ khởi sắc vào giữa năm nhờ gói kích cầu tài chính và tiền tệ quy mô lớn. Các chính sách quyết liệt giúp phần nào bù lại kim ngạch xuất khẩu sụt giảm (lần đầu tiên trong vài thập kỷ qua) và đầu tư thị trường yếu ớt nhằm kìm hãm đà chững lại của tăng trưởng còn 6,5% trong năm 2009 so với 9% năm ngoái. Trung Quốc đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng và kim ngạch nhập khẩu toàn cầu kể từ năm 2007 và sẽ tiếp tục duy trì vị thế trên nếu xét về mặt trung hạn. Nhập khẩu của Trung Quốc có chiều hướng tăng nhanh hơn nữa, nhưng chủ yếu là các nguyên liệu thô, hàng hóa vốn, dịch vụ và các sản phẩm tiêu dùng ngày một tinh xảo.
Điều đáng lưu ý, theo nhóm phân tích WB, là khả năng phục hồi kinh tế tại các nền kinh tế phát triển là không mấy khả quan. Năm nay, kim ngạch nhập khẩu của các nền kinh tế phát triển ước tính giảm 3,1% với viễn cảnh thụt lùi chủ yếu là do tiếp tục có nguồn tin xấu xuất phát từ hệ thống tài chính. Tâm lý sợ rủi ro tăng lên, kinh tế hộ gia đình đi xuống, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, lợi nhuận kinh doanh của các tập đoàn không ngừng giảm và sản xuất đình trệ sẽ hãm phanh tốc độ tăng trưởng trong một vài quý nữa. Trong khi hầu hết cuộc suy thoái tại các nền kinh tế phát triển trong một vài thập kỷ qua trung bình chỉ kéo dài hơn 1 năm, suy thoái kèm theo khủng hoảng ngân hàng, bong bóng nhà ở và chứng khoán xì hơi có xu hướng kéo dài 2 năm, khiến cho khả năng phục hồi kinh tế tại các nước phát triển bị chậm lại ít nhất là đến năm 2010. Phục hồi có khả năng sẽ đi kèm tăng trưởng chậm về sản lượng, nhu cầu cho hàng nhập khẩu của các nước này trong bối cảnh dư thừa sản lượng, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn cùng với chính phủ và các hộ gia đình nỗ lực thanh toán các khoản nợ vốn chồng chất. Các vấn đề tồn tại trong ngành ngân hàng, hoặc thêm một cuộc khủng hoảng tài chính nữa có thể khiến GDP toàn cầu tăng trưởng chậm, thậm chí sụt giảm thêm 1 năm nữa.
Việc nền kinh tế Trung Quốc trở lại mạnh mẽ vào năm sau có thể tạo đà tăng trưởng cho các nước khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, tuy nhiên sự phục hồi mang tính bền vững cuối cùng vẫn phải lệ thuộc vào các nước phát triển. Trong số các khu vực kinh tế đang phát triển, Đông Á có cơ hội hưởng lợi nhiều nhất từ sự phục hồi của tăng trưởng toàn cầu nhờ các cơ chế thương mại mở, hạ tầng cơ sở, mạng lưới sản xuất mạnh và giàu tính cạnh tranh. Tuy vậy, các nền kinh tế định hướng xuất khẩu trong khu vực sẽ không lặp lại kịch bản thành công trong trung hạn như đã có được trong thập kỷ trước.
Với Việt Nam, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Martin Rama nhận xét, lo ngại về những vấn đề trong nước bắt nguồn từ việc cho vay đầu tư bất động sản thiếu thận trọng vào cuối năm 2007, đầu năm 2008 đang dần lắng xuống. Xuất khẩu giảm với mức sụt giá mạnh đối với hàng hóa xuất khẩu kể từ giữa năm 2008 và số lượng đơn đặt hàng thưa thớt đối với các sản phẩm may mặc, giầy dép và các sản phẩm khác cho thấy xu hướng xuất khẩu tiếp tục đi xuống. Tuy nhiên, Việt Nam có thể bị ảnh hưởng ít hơn các nước khác là do khả năng cạnh tranh tốt, thông qua việc tăng trưởng thị phần. Năm 2009, Việt Nam có thể sẽ được Mỹ cho vào danh sách hưởng ưu đãi từ Hệ thống Ưu đãi phổ cập.
Chuyên gia này cũng cho rằng, thâm hụt thương mại năm 2009 ước tính ở mức thấp hơn và các luồng vốn ngắn hạn có thể hạn chế sự biến động của tỷ giá hối đoái. Trên thực tế, tiền đồng tăng giá khá mạnh trong năm 2008, ở mức 25%, cao hơn tăng trưởng GDP thực gấp 4 lần. Song khả năng giảm giá thực tế đồng Việt Nam trong năm 2009 là thấp, Chính phủ đang từng bước áp dụng một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, nhập khẩu thậm chí đang giảm nhanh hơn xuất khẩu, bởi tỷ trọng nhập khẩu trong các sản phẩm xuất khẩu phi hàng hóa khá cao. Các công ty đầu tư nước ngoài đều là nhà nhập khẩu ròng, vì thế các luồng FDI chậm lại đồng nghĩa với thâm hụt thương mại giảm xuống.
Đề cập đến gói kích cầu hỗ trợ lãi suất của Chính phủ Việt Nam, WB nhấn mạnh, tín dụng ngân hàng và bảo lãnh vay với lãi suất thấp có thể kéo lại sức cầu do đầu tư thương mại đã cạn kiệt nguồn vốn. Tuy nhiên, tín dụng ngân hàng với mức lãi suất thấp không thể khuyến khích các DN sản xuất nếu như không có nhu cầu đối với các sản phẩm của họ. Sẽ hiệu quả hơn nếu tăng nhu cầu qua việc trực tiếp hỗ trợ các hộ gia đình và thực hiện các dự án đầu tư công. Qua diễn biến kinh tế quý I, WB nhận định, xây dựng là ngành có khả năng bù đắp lớn nhất cho việc sụt giảm ngành sản xuất trong nước. Kết quả hoạt động tốt của ngành xây dựng có thể đem lại mức tăng trưởng GDP cao hơn 5% cho Việt Nam.