BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Cho vay hỗ trợ lãi suất: Đã kém mặn mà

Đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu không nhiệt tình với vay/cho vay hỗ trợ lãi suất (HTLS) cả từ phía khách hàng và ngân hàng thương mại (NHTM)...

Đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu không nhiệt tình với vay/cho vay hỗ trợ lãi suất (HTLS) cả từ phía khách hàng và ngân hàng thương mại (NHTM)...

 NHTM ngại thanh tra

 Qua trao đổi, một số lãnh đạo NH và chi nhánh NH tỏ ra e ngại việc mở rộng cho vay HTLS. Theo họ, các khoản vay HTLS ngoài việc vẫn phải thẩm định, làm đúng mọi thủ tục như một món vay bình thường lại phải luôn lo lắng vì phải chịu trách nhiệm các khoản vay được HTLS đảm bảo tuân thủ đúng đối tượng theo quy định. Nhất là khi bắt đầu đến thời gian thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang chuẩn bị đi thanh tra tình hình triển khai cho vay HTLS.

 Một số NH lo ngại, nếu thanh tra NHNN kết luận món vay không đúng đối tượng sẽ không được hoàn trả số tiền lãi giảm trừ từ NHNN. Tâm lý lo ngại này nặng nề hơn ở các NHTM CP. Đây cũng là một lý do tại sao tỉ trọng dư nợ cho vay HTLS ở các NHTM CP thấp. Một số NHTM CP có ý chú trọng vào triển khai cho vay lãi suất (LS) thoả thuận hơn.

 Có ý kiến từ một chuyên gia NH nhận xét các NHTMCP (mà Nhà nước không nắm giữ CP chi phối) và NH nước ngoài không "mặn mà" lắm với cho vay HTLS là một phản ánh sự nhìn nhận tình hình kinh tế của họ. Họ chưa tin kinh tế VN sớm thoát khỏi khó khăn và cho rằng chính sách kích cầu qua HTLS khó đạt hiệu quả như mong đợi. Vì vậy, họ chỉ tập trung cho vay các DN có nhu cầu thật sự.

 Để đảm bảo tăng tín dụng với tốc độ cao, có nguồn thu nhập, và chống lại sự cạnh tranh của đối thủ, các NH này chuyển qua đáp ứng những nhu cầu tín dụng khác một cách thái quá (ví dụ: Cho vay tiêu dùng).

 Một số DN không hào hứng

 Mức HTLS là 4%/năm, nhưng với thời hạn được HTLS tối đa là 8 tháng thì thực ra mức LS khách hàng được hỗ trợ trong 8 tháng chỉ là 2,66%/lãi vay thực trả. Đối với các DN vay nhiều thì mức LS được hỗ trợ này là đáng kể nhưng với nhiều DN vay ít/hoặc chưa tiêu thụ được hàng hoá thì mức giảm này cũng không nhiều ý nghĩa so với sự giảm giá hàng tồn kho theo thời gian.

 TGĐ một CTCP nói: "Nếu tiêu thụ được hàng thì LS cao, DN vẫn chịu được, thậm chí có những thương vụ có thể chấp nhận vay nóng đến 20-30%/năm, miễn là khi cần được vay ngay, còn không bán được hàng thì LS có thấp cũng chẳng giúp gì". Điều này đã được thực tế minh chứng trong mặt hàng gạo XK trong đầu quý II/2008. Khi đó, lãi vay NH đang ở mức đỉnh nhưng các DN XK không ta thán về LS mà chỉ ta thán là không có vốn để thu mua gạo XK khi giá gạo trên thị trường thế giới bước qua ngưỡng 1.000USD/tấn.

 Chủ tịch HĐQT một DN XNK nói: "Đối với những DN tính toán làm ăn thận trọng thì cũng không hào hứng vay HTLS. Nếu vay để mua nguyên vật liệu sản xuất thì ai đặt hàng mà sản xuất? "Nuốt" hàng còn tồn trong kho chưa hết thì mua thêm làm gì? Còn mở rộng sản xuất, tranh thủ mua máy móc thiết bị cũng chưa cần, vì hiện nay các đối tác nước ngoài chào mời bán rất rẻ và sẵn sàng cho trả chậm 1-2 năm chỉ cần cam kết thanh toán. Do vậy, nguyên tắc của chúng tôi là bất kể cái gì không có thị trường tiêu thụ thì không vay mượn, không làm".

 Đó là chưa kể các nhà nhập khẩu nước ngoài nắm được VN đang thực hiện HTLS nên trong việc thương thảo giá họ tìm mọi cách ép giá bán xuống, nên khoản lợi do giảm chi phí từ HTLS của Nhà nước cho DN, thực chất DN cũng không được hưởng.

 Bên cạnh đó, do chính sách thuế chưa chặt chẽ, hiện tượng trốn thuế còn nhiều, nên còn không ít DN sản xuất/cung ứng hàng hoá bán thì nhiều nhưng kê hoá đơn lại ít. Nếu người mua đòi hoá đơn tài chính, người bán sẽ đòi thêm 10% thuế VAT. Khi so sánh với cái mất 10% và cái được 4% HTLS (phải xuất trình hoá đơn Bộ Tài chính) thì một số DN/hộ gia đình dù thuộc đối tượng HTLS vẫn xin vay thương mại thông thường.

 Nên đánh giá thực chất hiệu quả HTLS

 Mặc dù một vài ý kiến quản lý nhà nước vẫn tỏ ra có phần "dị ứng" với những dư luận về hiệu quả cho vay HTLS. Nhưng cũng nên hiểu rằng kích cầu thông qua HTLS chỉ là một phần trong giải pháp tổng thể của chương trình chống suy thoái kinh tế. Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của chính sách tiền tệ (CSTT) trong chống suy thoái kinh tế, nhưng vị trí của CSTT trong chống lạm phát và suy thoái là rất khác nhau.

 Trong chống lạm phát, nếu CSTT được thực hiện trước chính sách thắt chặt chi tiêu công thì tác dụng như một cái phanh, phanh cỗ xe kinh tế đang chạy quá nhanh. Nhưng trong chống suy thoái kinh tế, nếu CSTT được thực hiện trước xem kết quả thế nào rồi bổ sung thêm các chính sách khác/hoặc các chính sách đi kèm với CSTT được thực hiện quá trễ thì CSTT lại không đạt hiệu quả ngay như trong chống lạm phát. Việc lầm tưởng CSTT sẽ phát huy ngay tác dụng chống suy giảm kinh tế như đã từng phát huy vai trò trong chống lạm phát là một sai lầm. Nếu không ban hành hay không thực thi các chính sách khác đi kèm, sẽ làm cho CSTT mở rộng kém phát huy tác dụng.

 Một chuyên gia tài chính nói: "Cần gấp rút xem xét các biện pháp phối hợp đồng bộ khác như: Vừa tiến hành kích cầu tín dụng, đồng thời sử dụng một nguồn lực thưởng cho DN trong việc giải phóng hàng tồn kho. Đây là hai giải pháp đi kèm. Giải pháp này cũng giống như khuyến khích NĐT cắt lỗ để bán CK vậy. Có giải phóng hàng tồn kho thì dòng vốn tín dụng được HTLS mới thật sự tham gia vào chu kỳ sản xuất kinh doanh mới của DN. Tránh tâm lý không dám cắt lỗ, găm hàng để có báo cáo tài chính đẹp, để rồi đến khi muốn bán thì không bán được.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây