Chống lạm phát: Tin vào sự ứng phó năng động
- Thứ hai - 31/03/2008 22:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trước sự biến động của giá cả thị trường, trong tâm tư của mọi người VN đều có hai luồng tư tưởng trái ngược nhau chủ yếu do tác động khách quan mang lại và chủ quan là người trong cuộc chưa chuyên nghiệp
![]() |
Nhiều mặt hàng tăng giá mạnh trong thời gian qua. |
Vũ đài tay ba
Kinh tế toàn cầu phồn thịnh hay suy thoái được nhìn nhận và đánh giá dựa trên hai nền kinh tế lớn của thế giới: Các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Đứng đầu nền kinh tế của các nước đang phát triển là Trung Quốc. Từ cuối năm 2005, Chính phủ Trung Quốc đã tiên liệu: Sau nhiều năm phát triển vượt bậc chỉ số GDP mỗi năm một tăng với biểu hiện không bình thường đã cảnh báo và kìm hãm sự tăng trưởng giảm bớt sức nóng của nó để đưa vào quỹ đạo có điều khiển.
Nhưng đến cuối năm 2007, sự phát triển nóng, không bền vững, phân hoá xã hội cao đã bộc lộ. Các tập đoàn lớn do nhà nước nắm quyền chi phối làm ăn thua lỗ nặng (trị giá lên đến hàng chục tỉ đôla Mỹ), các tập đoàn sản xuất hàng hoá, thực phẩm xuất khẩu ra thế giới vi phạm về an toàn vệ sinh công nghiệp và vệ sinh thực phẩm bị tẩy chay và cấm nhập.
Trung Quốc với liên từ Made in China hầu hết người dân sống trên các quốc gia và vùng lãnh thổ đều biết đến bởi lẽ biên giới mềm của họ là sản phẩm tiêu dùng tràn ngập với giá cả thấp, mẫu mã đa dạng, số lượng cực lớn..., trở thành mối lo ngại và gây hoang mang cho người tiêu dùng - hậu quả tất yếu xảy ra là đổ vỡ thị trường.
Mặt khác, tốc độ phát triển và thặng dư ngân sách quá lớn không chỉ về xây dựng phát triển mà còn tiến nhanh trong các lĩnh vực công nghệ cao. Thời gian tăng trưởng nóng kéo dài, sự phân cấp trong cuộc sống của một quốc gia đông dân nhất thế giới ngày càng cao, cuộc sống vương giả tập trung cho một nhóm người, một nhóm có quyền lực. Đại đa số người dân vẫn trong cảnh sống nghèo nàn và lạc hậu. Dòng người di cư trong nội địa từ nông thôn ra thành phố mỗi ngày một tăng...
Hiệu ứng suy thoái đã điểm bắt đầu từ thị trường chứng khoán lan sang thâm thủng ngân sách khi các tập đoàn do nhà nước làm chủ thua lỗ, lạm phát tăng cao, thiên tai dịch hoạ trên diện rộng.
Nền kinh tế hàng đầu của thế giới là Hoa Kỳ. Dù thái độ với Hoa Kỳ khác nhau, nhưng người ta không thể phủ nhận rằng kinh tế của Hoa Kỳ là nền kinh tế chủ đạo và đủ khả năng chi phối đại cục của nền kinh tế thế giới.
Cứ vào chu kỳ 10 năm hoặc 11 năm một lần, kinh tế Hoa Kỳ lại suy thoái và mỗi lần suy thoái để hồi phục hoàn toàn cũng kéo dài ít nhất là 2 năm. Theo chu kỳ lần này (cuối 2007) là lần suy thoái tệ hại nhất kể từ vài chục năm qua.
Tại sao? Theo suy nghĩ của người viết sự suy thoái này có liên quan đến cuộc chiến tại Iraq và khu vực Trung Đông chỉ là phần nhỏ, mà chủ yếu là do sự cạnh tranh của nền kinh tế Trung Quốc và Nga - hai nền kinh tế được coi là vượt trội nhất trong 2 thập kỷ nay của Châu Á và Châu Âu. Hai quốc gia này đang muốn "sắp đặt" lại ngôi vị đầu bảng của Hoa Kỳ, muốn trở thành người thay thế chỗ đứng của người Mỹ trên chính trường thế giới.
Vũ đài tay ba này bắt đầu khởi động và toan tính lẫn nhau đúng khi nền kinh tế Hoa Kỳ theo chu kỳ đi xuống và đúng lúc thị trường bất động sản của Hoa Kỳ sụp đổ. Người Mỹ đã tung chiêu tay ném tay bắt, đánh sụp giá trị đồng tiền của mình (mà hầu như cả thế giới đang sử dụng) mất giá, đẩy giá trị đồng tiền các nước có liên quan lên kịch trần.
Thị trường xuất nhập khẩu của các nước ngừng trệ khi đồng tiền của nước sở tại tăng giá. Mặc nhiên, lạm phát của các quốc gia đang phát triển tăng cao, mất kiểm soát và những nền kinh tế phát triển nóng không vững trở thành quả bóng bị xì hơi.
Điểm rơi tự do của nền kinh tế Hoa Kỳ đang rơi nửa chừng nhưng các nền kinh tế khác đã chạm đáy thì Chính phủ Hoa Kỳ đã tung đòn thứ hai giảm lãi suất tối đa để bình ổn thị trường nội địa chống lạm phát.
Nhìn trên hàn thử biểu thị trường chứng khoán Hoa Kỳ và thế giới thể hiện rõ: Nếu sàn bên Hoa Kỳ có màu xanh thì cả thế giới có màu xanh, nó đảo chiều sang màu đỏ thì ôi thôi cả thị trường chứng khoán toàn cầu như vỡ sàn. Không thể có gì ngăn được màu xanh - đỏ đó lan sang nền kinh tế Việt Nam.
Ứng phó năng động đối với bất trắc
Mỗi chính phủ đều có các bộ, viện chiến lược về kinh tế để điều tiết nền kinh tế vĩ mô và ứng phó với bất trắc có thể xảy ra khi thế giới đang trong thời kỳ nhạy cảm. Việt Nam chúng ta đã và đang phải đối mặt với những khó khăn như: Thị trường chứng khoán tụt dốc, dòng chảy tiền tệ và điều tiết tiền tệ của ngân hàng bất cập, lạm phát tăng...
Chính phủ đã và đang tìm mọi biện pháp đến mức tối đa có thể để hạn chế sự suy thoái kinh tế. Động thái hỗ trợ về tinh thần cho chứng khoán là đúng, còn nếu tung tiền ra cứu rỗi thị trường chứng khoán thì theo quan điểm của người viết là hoàn toàn không nên vì thị trường chứng khoán Việt Nam không sụp đổ mà nó đang trở về giá trị thực lâu nay bị một vài nhóm người, nhóm công ty đã phù phép biến nó thành không tưởng.
Thị trường chứng khoán là cuộc chơi và người tham gia phải chấp nhận luật chơi của nó. Thử hỏi trong 84 triệu dân Việt Nam, số người tham gia vào cuộc chơi này có mấy phần trăm và cứu chứng khoán liệu có giải quyết được các vấn đề khác quan trọng hơn đang xảy ra?
Điều tiết về chính sách tiền tệ bất cập khi dòng chảy của đồng tiền đang xuôi theo tự nhiên thì ngân hàng nhà nước ngăn sông đắp đập, tạo sự ùn tắc và gây khó khăn dây chuyền. Cái dở này may mà đã kịp sửa.
Hầu hết các quốc gia muốn bình ổn thị trường, chống lạm phát, điều đầu tiên phải giảm lãi suất tín dụng là thượng sách khi lạm phát báo động đỏ. Giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng có liên quan tới dân sinh để kiềm chế nhập siêu tăng giá trị xuất khẩu là trung sách khi lạm phát báo động vàng. Chính phủ đề ra mục tiêu chống lạm phát là quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay, là hoàn toàn đúng đắn.
Và như thế sẽ có những quyết sách năng động phù hợp trong từng thời điểm. Các doanh nghiệp cùng toàn dân hãy tin tưởng và vào cuộc cùng với Chính phủ để bình ổn giá cả thị trường là biện pháp hữu hiệu nhất để chống lạm phát không chỉ một năm, mà nó có thể kéo dài trong vòng 3 năm
Nguyễn Hoài Bắc (Việt kiều Canada)