“Chưa ai nói điều hành kém dẫn đến lạm phát”
- Thứ sáu - 28/03/2008 05:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh tại phiên chất vấn. (Ảnh: Cấn Cường)
Vấn đề lạm phát và các vấn đề liên quan như chính sách thuế, chính sách tiền tệ... đã được các đại biểu Quốc hội khoét sâu trong buổi chất vấn đầu tiên tại Thường vụ Quốc hội sáng nay 28/3.
Đến 2009 mới “hãm” được lạm phát
Khởi đầu cho buổi chất vấn, đại biểu Hồ Quốc Dũng đặt vấn đề, lạm phát hiện nay có nguyên nhân trong điều hành của Chính phủ hay không?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đáp lại, trong lạm phát có những nguyên nhân chủ quan như đánh giá tình hình chưa sát, như chưa dự báo chính xác về giá dầu thế giới, chưa dự báo đúng về tăng trưởng tín dụng (dự báo 40%, nhưng hiện nay là 53%)...
Tuy nhiên, ông Ninh khẳng định: “Chưa ai trong Chính phủ nói do Chính phủ điều hành kém dẫn đến lạm phát. Các giải pháp Chính phủ đưa ra là rất tích cực, góp phần vào tăng trưởng và chống lạm phát”. Ông Ninh cho rằng, những khó khăn hiện nay là có tính toàn cầu.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cường bám tiếp vấn đề với lý lẽ, Chính phủ đã làm rất nỗ lực nhưng làm chưa... trúng. Trả lời câu hỏi này, ông Ninh cho rằng, Chính phủ đã điều hành trúng nên có tác động tích cực đến nền kinh tế. Dẫn chứng là giá dầu thô lên đến 110 USD/thùng, nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn ổn định, trong khi đó lãi suất ngân hàng cũng đang đi xuống.
Ông Cường tiếp tục đặt vấn đề, việc điều chỉnh giá xăng cũng như việc tăng lương đã tác động đến tăng giá. Ông Ninh thừa nhận, việc tăng lương, tăng giá xăng dầu có tác động. Tuy nhiên theo ông Ninh, việc tăng lương là thực hiện theo đúng lộ trình lương đã được vạch ra trước.
Về xăng, việc điều chỉnh giá có tác động, nhưng Chính phủ đã có cân nhắc đến tính thời điểm. Nếu năm 2007, không có sự điều chỉnh thì khoản bù lỗ của nhà nước sẽ tăng thêm đến 3 ngàn tỉ (bù lỗ 11 ngàn tỉ). Nếu không điều chỉnh cũng thành bao cấp tràn lan khi có tới 40% xăng dầu do doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp liên doanh sử dụng.
“Đến lúc nào ta kiềm chế được lạm phát?”, đại biểu Cường tiếp tục nêu câu hỏi. Ông Ninh cho rằng, nhanh nhất phải sang năm 2009 tình hình mới có thể được cải thiện và từ cuối năm 2008 sẽ bắt đầu đi vào ổn định.
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đặt vấn đề về chứng khoán, bất động sản, nhập siêu vừa qua có phải là do vấn đề vĩ mô?
Ông Ninh lý giải, nhập siêu tăng cao vừa qua (gấp 2,7 lần xuất khẩu), chủ yếu là nhập nguyên nhiên vật liệu. Với thị trường bất động sản, ông Ninh thừa nhận có vấn đề thiếu công cụ điều tiết và tới đây Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội sửa pháp lệnh thuế nhà đất để có thể khắc phục vấn đề...
“Lúng túng” khi ngân hàng phạm luật
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc phân tích, trước đây Chính phủ đã giảm thuế để chống lạm phát, nhưng gần đây lại thực hiện tăng thuế để chống nhập siêu. Ông Phúc nêu ví dụ, thuế ô tô đã tăng lên 10%, trong khi lại không tăng thuế nhập khẩu với linh kiện của phương tiện này.
“Thuế phải linh hoạt ở từng thời điểm”, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đáp lại. Ông Ninh cho rằng, nếu không điều hành thuế như vừa qua lạm phát còn có thể cao hơn. Riêng về ô tô, lượng ô tô nhập khẩu đã tăng từ 23 ngàn chiếc của cùng kỳ năm ngoái lên 40 ngàn chiếc năm nay. Vì thế, Chính phủ đã tăng thuế lên 10% và tới đây có thể còn tăng lên nữa, áp dụng với cả linh kiện nhập khẩu.
Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng, lãi suất ngân hàng tăng cao khiến giá thành sản suất tăng cao cũng là nguyên nhân gây lạm phát. Từ đó, bà Loan đặt ra câu hỏi về cơ chế cho vay thấp hơn?
Bộ truởng Vũ Văn Ninh cho rằng, lãi suất tăng cũng mang tác dụng lưỡng tính, góp phần làm tăng lạm phát, nhưng cũng làm giảm lạm phát. Lãi suất cao sẽ khiến các doanh nghiệp cân nhắc khi vay, không thể vay tràn lan. Năm trước tín dụng tăng cao, có những khoản cho vay mang tác dụng tích cực, nhưng có những khoản vay đã tác động không tốt đến thị trường.
Câu hỏi được chuyển đến ông Trần Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ông Giàu thừa nhận, có những ngân hàng đã vượt 150% mức 8,25% do Ngân hàng Nhà nước qui định vào tháng 1/2008. Tuy nhiên, theo ông Giàu, Ngân hàng Nhà nước rất lúng túng trong việc xử lý. Hiện ngân hàng đã trình Quốc hội sửa quy định có liên quan đến vấn đề này trong luật Dân sự.
Nhìn nhận chung về ngân hàng thời gian qua, ông Giàu thừa nhận, nếu ngân hàng điều hành chính sách tiền tệ tốt hơn, CPI sẽ không cao như vừa qua. Ông Giàu cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ đã phê bình “mạnh” ngân hàng về vấn đề này.
Cấn Cường