Chưa đủ “đô”!
- Chủ nhật - 30/03/2008 22:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Các giải pháp điều hành cung cầu ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn còn mang tính tình thế và chậm chạp -Ảnh: LÊ TOÀN |
Tuy nhiên, các giải pháp vẫn còn mang tính tình thế và chậm chạp.
Giải pháp vòng quanh
Ngày 18-3-2008 (ngay sau khi các ngân hàng nộp đủ tiền mua 20.300 tỉ đồng tín phiếu bắt buộc), NHNN có văn bản gửi các tổ chức tín dụng về việc mua bán ngoại tệ tiền mặt. Theo đó, những ngân hàng muốn thực hiện mua bán ngoại tệ mặt theo tỷ giá thỏa thuận (vượt ngoài biên độ cho phép) cần gửi hồ sơ về NHNN để cơ quan này xem xét.
Hồ sơ gồm công văn đề nghị cho áp dụng nghiệp vụ và dự thảo quy trình mua bán bao gồm hình thức chào giá, phương thức giao dịch, phương án cân đối nguồn ngoại tệ và phạm vi áp dụng. Có thể hiểu là căn cứ vào nhu cầu của các ngân hàng, ngân hàng nào xin sẽ được phép thực hiện.
Hai ngày sau, các ngân hàng nhận được một văn bản khác (số 2605/NHNN-QLNH 20-3-2008) liên quan đến việc NHNN mua vào ngoại tệ. Các ngân hàng được yêu cầu báo cáo số lượng ngoại tệ cần bán, số ngoại tệ còn lại sau khi đã cân đối bán cho các công ty nhập khẩu và mua từ các công ty xuất khẩu. NHNN nói rõ sẽ ưu tiên mua ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại hối dương và đã mua ngoại tệ của doanh nghiệp xuất khẩu.
Hai văn bản trên là dấu hiệu báo trước những chuyển động trong tầm ngắm nhằm giải quyết tình trạng dư thừa đô la thương mại và thiếu hụt đô la tín dụng của cơ quan quản lý ngành ngân hàng. Tuy nhiên, các giải pháp nêu trong hai văn bản dường như mới chỉ đi vòng quanh, chưa xoáy thẳng vào vấn đề.
Việc mua bán ngoại tệ mặt theo tỷ giá thỏa thuận đã được thí điểm tại Eximbank từ hơn một năm trước và nay chỉ là triển khai trên diện rộng. Giao dịch ngoại tệ mặt chiếm một tỷ lệ nhỏ trong kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng, chủ yếu là mua lẻ từ dân cư, khách du lịch và bán cho những đối tượng du học, du lịch, chữa bệnh ở nước ngoài...
Trong khi đó, điểm nhấn là ngoại tệ chuyển khoản lại không được nhắc đến. Mua bán đô la chuyển khoản vẫn phải tuân thủ biên độ ±1% so với tỷ giá do NHNN công bố hàng ngày. Như vậy, các ngân hàng vẫn phải lách bằng cách cộng thêm phí và tỷ lệ cộng thêm là không giới hạn, có thể 1-2%, mà cũng có thể 3-4%, thậm chí 5%.
Còn việc báo cáo lượng ngoại tệ cần bán cho NHNN từ trước đến nay các ngân hàng vẫn làm. Đòi hỏi báo cáo chênh lệch ngoại tệ còn lại sau khi đã bán cho nhà nhập khẩu và mua từ xuất khẩu là không thực tế vì Việt Nam đang nhập siêu, lượng đô la còn lại sau khi cân đối thanh toán xuất - nhập là không nhiều. Nhiều là ở nguồn đô la từ đầu tư nước ngoài gián tiếp, trực tiếp, từ kiều hối, từ vay thương mại. Nguồn này đang ứ đọng và các ngân hàng không thể tiêu thụ hết vì trạng thái ngoại hối đã đầy.
Hút tiền trước, mua ngoại tệ sau
Rút kinh nghiệm năm ngoái tung ra một lượng tiền đồng quá lớn để mua ngoại tệ và không hút về kịp thời, đầy đủ, năm nay Nhà nước chủ trương hút tiền về trước, mua ngoại tệ sau. Trong quí 1-2008, NHNN dự kiến hút về số tiền đồng gấp chừng hai lần lượng tín phiếu bắt buộc mà các ngân hàng vừa mua ngày 17-3-2008. Đổi lại, từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua vào theo phỏng đoán 1,5 tỉ đô la Mỹ cho quỹ dự trữ ngoại hối, trong đó gần một nửa là mua từ xuất khẩu.
Đáng chú ý là trong hơn hai tháng qua, lượng kiều hối chuyển về nước rất mạnh, ước 1,5 tỉ đô la Mỹ, chỉ thấp hơn tổng luồng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp khoảng 10-15%. Tết Dương lịch và Tết Âm lịch là thời điểm chi trả kiều hối nhiều nhất trong năm. Kiều hối đã trở thành nguồn chính tài trợ cho cán cân thanh toán.
NHNN không thể không mua một phần kiều hối chuyển về nước, cũng như không thể không mua một tỷ lệ nhất định ngoại tệ từ đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ các tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam, nhưng tỷ trọng ngoại tệ mua từ xuất khẩu có thể tăng lên nếu số ngoại tệ mua từ Bộ Tài chính giảm xuống.
NHNN khẳng định những tháng tới sẽ tiếp tục mua ngoại tệ và ưu tiên mua từ xuất khẩu, nhưng chỉ tiêu mua như thế nào để các ngân hàng có thể định hướng trong thanh toán xuất - nhập khẩu thì chưa rõ. Điều đáng băn khoăn là vì sao chúng ta không thể tăng dự trữ ngoại hối từ một phần ba nhu cầu nhập khẩu hiện nay (vốn thấp hơn các nước khu vực) lên, chẳng hạn, một phần hai nhu cầu nhập khẩu, tương đương mức của Thái Lan?
Ngoài ra cũng không thể không tính đến khả năng đô la Mỹ có thể lên giá trở lại bất cứ lúc nào so với các ngoại tệ mạnh khác một khi kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái nhờ các biện pháp hỗ trợ mạnh và kiên quyết của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Nếu đồng đô la phục hồi, chứng khoán thế giới phục hồi, dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam sẽ không thể dồi dào như hiện tại. Khi đó việc tăng dự trữ ngoại hối quốc gia sẽ trở nên khó khăn, bởi lúc ấy sự cân nhắc sẽ không đơn thuần là mua hay không mua mà mua từ nguồn nào, với tỷ giá nào, nhất là khi nhập siêu của quí 1-2008 dự báo có thể lên đến 7,36 tỉ đô la Mỹ, khiến thâm hụt thương mại đang “phình ra” một cách đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, chưa có giải pháp mới nào cho tín dụng ngoại tệ. Từ cuối năm ngoái, NHNN đã đề cập đến việc sửa đổi quy chế cho vay ngoại tệ theo hướng thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ. Song, đến nay việc sửa đổi này vẫn chưa diễn ra trong khi “ham muốn” vay ngoại tệ tăng cao do lãi suất đô la thấp hơn tiền đồng. Tổng nguồn ngoại tệ của các ngân hàng hiện tương đối dồi dào từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng vốn huy động ngoại tệ từ dân cư và tổ chức kinh tế lại không đáp ứng đủ nhu cầu vay ngoại tệ. Huy động ngoại tệ được bao nhiêu, các ngân hàng đã cho vay gần hết. Nếu điều này không được tháo gỡ sớm, nguy cơ rủi ro thanh khoản ngoại tệ sẽ thành hiện thực
Hải Lý