Chứng khoán sẽ tăng hay giảm?
- Thứ hai - 21/04/2008 10:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Diễn biến thực tế của 4 phiên kể từ ngày đó cho thấy đã có 3 phiên giảm và 1 phiên tăng đối với cả VN-Index và HASTC-Index, tính chung 4 phiên VN-Index giảm 8,42 điểm và HASTC-Index giảm 9,27 điểm.
Như vậy, khi thu hẹp biên độ giao dịch xuống 5 lần (từ 5% xuống 1% đối với VN-Index và từ 10% xuống 2% đối với HASTC-Index), thì giá chứng khoán tăng kịch trần, đã thế lại hầu như chỉ có bán mà không có mua. Nhưng chỉ vừa mới nới rộng biên độ lên một chút, thì chỉ số giá chứng khoán ở cả hai sàn lại đồng loạt xuống ngay. Duy chỉ có 1 phiên tăng, nhưng lại chủ yếu diễn ra ở cuối phiên - một động thái hiếm thấy, vì đầu phiên thì giảm kịch sàn, cuối phiên thì tăng kịch trần làm ngơ ngác các nhà đầu tư cũng như các chuyên gia. Điều đó đã làm cho ai cũng tưởng rằng việc thu hẹp hay nới rộng biên độ, một biện pháp có tính chất kỹ thuật, đã có tác động gần như quyết định đến sự lên, xuống của chỉ số giá chứng khoán. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là thực lực của các nhà đầu tư và những yếu tố có liên quan đến cung - cầu trên thị trường mới quyết định đến sự lên, xuống của chỉ số giá chứng khoán. Vậy đó là những yếu tố gì?
Bên cạnh các yếu tố khách quan, nhà đầu tư cần có sự hiểu biết, tự phân tích và phải quyết đoán khi tham gia thị trường chứng khoán - Ảnh: D.Đ.Minh
Trước hết là cung chứng khoán. Cung chứng khoán vẫn tiếp tục gia tăng ở các nguồn. Các nhà đầu tư nắm giữ chứng khoán tăng giá trong thời gian biên độ giao dịch được thu hẹp (tăng 11,2% đối với VN-Index và tăng 19,1% đối với HASTC -Index), nay đẩy mạnh bán ra thu lãi, hoặc để bù vào sự thua lỗ trước đó, hoặc để trả vốn vay đến kỳ đáo hạn, hoặc là trên cơ sở dự đoán giá chứng khoán sẽ còn giảm xuống nữa nên bán sớm để mua ở giá đáy, hoặc là rút vốn rời khỏi thị trường chứng khoán chuyển sang kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn hay đỡ rủi ro hơn. Xem trên bảng điện tử trong mấy ngày nay, bên mua thì trống trơn, còn bên bán thì dày đặc, ngược hẳn với trước đó.
Một nguồn khác là các cổ phiếu cầm cố, thế chấp mà các nhà đầu tư vay ngân hàng, nay do giá giảm nên các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán "xả mạnh". Số cổ phiếu này trước đây đã được yêu cầu hoặc khuyến cáo dừng lại, nhưng nay đứng trước tình hình lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng cao, huy động tiền gửi ở thị trường gặp khó khăn do lãi suất vẫn bị thực âm, tính thanh khoản gặp khó khăn trở lại, giá chứng khoán tiếp tục giảm xuống và hiện ở mức thấp đã buộc một số ngân hàng thương mại phải trở lại giải chấp và hàng lại được xả ra làm tăng cung.
Đó là chưa nói sau khi quyết toán, có một số công ty niêm yết đã chia thưởng không phải bằng tiền mặt mà bằng cổ phiếu, về thực chất cũng là tăng cung, lại càng làm cho giá cổ phiếu bị pha loãng và giảm xuống là khó tránh khỏi.
Về cầu chứng khoán, không những không tăng mà còn giảm. Người đầu tư mới hầu như không có. Người đang đầu tư thì không mua vào, thậm chí còn bán ra. Nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua vào cũng không kéo được nhà đầu tư trong nước mua vào theo mà vẫn trong tình trạng bán tháo. Lượng tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán không tăng, mà còn giảm do tính thanh khoản bị hạn chế. Tính thanh khoản của một số ngân hàng thương mại cũng đã đến lúc gặp khó khăn do lượng tiền huy động từ dân cư giảm mạnh khi trần lãi suất huy động được thỏa thuận giảm xuống còn 11%, thấp xa so với tốc độ tăng giá tiêu dùng làm cho lãi suất bị thực âm lớn; do lượng tiền gửi với lãi suất cao hơn và với kỳ hạn ngắn cách đây một vài tháng, nay đã đến kỳ đáo hạn. Hơn nữa các ngân hàng dù không gặp khó khăn về tính thanh khoản, thì cũng không dám cho vay đầu tư khi giá chứng khoán vẫn giảm; đó là chưa nói, lượng tiền ngân hàng đọng ở thị trường chứng khoán chính thức có thông tin vẫn còn ở mức trên 20 nghìn tỉ đồng, trong đó lượng vốn cầm cố thế chấp vào khoảng gần 10 nghìn tỉ đồng.
Ngoài các yếu tố trực tiếp liên quan đến quan hệ cung - cầu chứng khoán trên thị trường, theo một số chuyên gia còn do những yếu tố ở bên ngoài thị trường này. Đó là lòng tin của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Đó là tâm lý chờ đợi, ỷ lại vào sự can thiệp vào thị trường của các cơ quan quản lý, mà sự can thiệp này trong một số trường hợp còn phản tác dụng. Đó là tâm lý chung khi lạm phát tăng cao và tăng trưởng kinh tế chậm lại để dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát.
Với những tác động như trên, một số chuyên gia đã dự đoán VN-Index cũng như HASTC-Index không chỉ biến động theo hình "răng cưa" (lúc tăng, lúc giảm), mà đang như muốn nhắm đến các mốc đáy tương ứng 496 điểm và 166 điểm vào ngày 25.3 nhưng xen kẽ vẫn có những phiên tăng lên. Hy vọng cuối năm các chỉ số giá chứng khoán mới tăng vững, khi lạm phát đã được kiềm chế.