Có nên nhập khẩu vàng?
- Thứ năm - 09/04/2009 21:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Riêng quý 1/2008, Việt Nam đã nhập khoảng trên 40 tấn vàng |
Trước tình hình giá vàng thế giới đang xuống, đã có ý kiến cho rằng nhập vàng vào thời điểm này là hợp lý để hạ giá vàng trong nước. Vì không được nhập vàng, nên hiện tại giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, nếu lại cho nhập khẩu vàng thì có gây tổn hại gì cho cả nền kinh tế trong thời điểm hiện nay?
Việt Nam cùng với Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, là những quốc gia nhập khẩu vàng hàng đầu thế giới. Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, trung bình mỗi năm các doanh nghiệp trong nước nhập khoảng 60-70 tấn vàng nguyên liệu.
Riêng quý 1/2008, Việt Nam đã nhập khoảng trên 40 tấn vàng. Trong khi, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), mỗi năm toàn thị trường thế giới giao dịch chỉ khoảng 400-500 tấn vàng.
Tái diễn điệp khúc “đòi” nhập khẩu vàng
Mức nhập khẩu vàng thỏi đã khiến Việt Nam trở thành thị trường vàng nén lớn nhất thế giới, như năm 2008, Việt Nam vượt cả Ấn Độ và Trung Quốc. Cũng vì nhập khẩu vàng làm mức thâm hụt thương mại của Việt Nam nghiêm trọng hơn.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2008 thâm hụt thương mại của Việt Nam là gần 17 tỷ USD, trong khi, thâm hụt thương mại cả năm 2007 cũng chỉ là 12,4 tỷ USD. Từ cuối tháng 5/2008, Chính phủ đã quyết định ngừng nhập khẩu vàng.
Vào cuối tháng 11 năm trước, giá vàng trong nước đã cao vọt so với giá vàng quốc tế, người tiêu dùng phải mua vàng với giá khá cao (khoảng 17 triệu đồng/lượng), trong khi giá vàng thế giới ở mức 752 USD/ounce, nếu quy đổi ra Việt Nam đồng (VND) thì chỉ hơn 15,3 triệu đồng/lượng.
Khi đó, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu nữ trang đều than phiền về việc ngưng cấp giấy phép nhập khẩu vàng và mong muốn Ngân hàng Nhà nước sớm cấp lại quota nhập khẩu vàng.
Vì để có nguyên liệu sản xuất trong khi không có quota nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp sản xuất phải mua vàng nguyên liệu với giá trong nước rất cao. Bên cạnh đó, việc thị trường vàng trong nước không liên thông với thị trường vàng thế giới còn có khả năng dẫn đến tình trạng nhập lậu vàng.
Tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm 2009, giá vàng trong nước đột ngột tụt hẳn so với giá vàng thế giới từ 300 - 800.000 đồng/lượng. Việc xuất khẩu vàng đã được Ngân hàng Nhà nước quyết định diễn ra kín đáo và rất nhanh chóng và cũng nhờ quyết định này, Việt Nam đạt được những con số ấn tượng về thành tích xuất siêu trong quý 1/2009.
Dù vậy, các chuyên gia kinh tế ngay sau đó đã đưa ra dự báo xuất khẩu vàng nhiều không hẳn đã là dấu hiệu tốt, bởi sau này khi có nhu cầu, Việt Nam sẽ lại phải nhập khẩu về.
Và khi đó, nếu quản lý không tốt thì cầu ngoại tệ sẽ gia tăng cùng với việc giá vàng trong nước dễ lặp lại tình trạng luôn cao hơn nhiều so với giá quốc tế như lâu nay đã diễn ra.
Quả thật, những ngày đầu tháng 4 vừa qua đã diễn ra sự leo thang ngoạn mục của giá vàng trong nước. Có những thời điểm như vào ngày 6/4, giá vàng thế giới chỉ ở mức 875-877 USD/ounce (tương đương 18,8 triệu đồng/lượng).
Trong khi đó, giá bán vàng trong nước tới 19,5 triệu đồng/lượng. Và đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp tái diễn điệp khúc đòi được nhập khẩu vàng trở lại.
Người dân quá mệt mỏi vì giá vàng
Hiện vàng đã tăng đến năm thứ tám liên tiếp và xác lập mức cao kỷ lục 1.033,90 USD/ounce vào tháng 3/2008. Giá vàng tăng mạnh vào thời điểm này là do một loạt ngân hàng tầm cỡ thế giới thua lỗ nặng.
Đồng USD giảm giá đáng kể so với các ngoại tệ mạnh khác cũng là một nguyên nhân đẩy giá vàng leo thang. Năm 2009 tiếp tục được xem là năm biến động lớn của thị trường vàng khi mới chỉ trong 3 tháng đầu năm, cả giá vàng thế giới và giá vàng trong nước đều đã thiết lập những đỉnh mới.
Tuy nhiên, theo giới kinh doanh thì đối với giá vàng sẽ không còn dự báo được đâu là đỉnh, đâu là đáy.
Cũng theo đánh giá của giới kinh doanh, người dân đã có cái nhìn khác về vàng sau sự kiện giá vàng thế giới tăng vọt lên 1.030 USD/ounce, còn giá vàng trong nước cao nhất là 19,5 triệu đồng/lượng hồi tháng 3/2008.
Khi đó, nhiều người đã mua khá nhiều vàng. Có thời điểm người dân bán USD để mua vàng khi giá giảm trở lại.
Tuy nhiên, sau đó nhiều người giữ vàng đã mệt mỏi vì vàng đã liên tục rớt giá và hiểu ra rằng vàng cũng không phải là nơi trú ẩn an toàn nhất của tài sản vì thị trường vàng trong nước tuy chưa hoàn toàn liên thông được với thế giới nhưng người mua vàng trong nước không thể “so găng” được với giới đầu cơ vàng quốc tế.
Chính vì thế, hoạt động mua, bán diễn ra trên thị trường vàng trong thời gian qua chủ yếu là những người “lướt sóng” với vàng, mua vào để trả nợ hoặc cắt lỗ. Nhu cầu mua vàng để thanh toán tiền mua nhà cũng đã giảm hẳn sau khi giá vàng leo trở lại mức 18-20 triệu đồng/lượng.
Thị trường vàng đã trở nên hết sức ảm đạm khi giá vàng trong nước tăng cao trong tuần đầu tháng 4 và về việc bán ra, thay vì mua vào, là xu thế chính trên thị trường vàng.
Dù vậy, theo nhận định đầy lạc quan của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam thì không thể lấy đó làm cơ sở để cho rằng, người dân đang “quay lưng” lại với vàng và họ hy vọng đến khi giá xuống sâu hơn, hoạt động mua vào sẽ tăng lên. Nhưng muốn giá xuống sâu thì phải cho doanh nghiệp được phép nhập khẩu vàng.
Vậy nếu cho nhập khẩu vàng vào thời điểm này, Việt Nam có phải đối mặt với nguy cơ gì? Bản thân nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc cũng cho rằng nếu nhập khẩu, giá vàng xuống thấp có thể hút một lượng lớn tiền vào thị trường này, từ đó các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác thiếu vốn đầu tư.
Nhìn ở tầm vĩ mô, việc nhập khẩu vàng chắc chắn sẽ khiến nhập siêu tăng mạnh. Trong khi đó, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2009, nếu không tiếp tục có những biện pháp mạnh để giảm nhập siêu thì Việt Nam sẽ có nguy cơ nhập siêu 19-20 tỷ USD và sẽ không có nguồn cân đối, nếu Chính phủ không muốn xuất ngoại tệ dự trữ ra để cân đối.
Cùng đó, theo ước tính của giới kinh doanh vàng, lượng vàng trong dân hiện đạt khoảng 700 tấn. Với một lượng vàng khổng lồ đang “bất động” như vậy, việc nhập khẩu lúc này có lẽ chỉ càng làm thị trường vàng lún sâu trong giá “ảo” và càng khiến cho người dân thêm mệt mỏi!