Cổ phiếu nhóm và kiểu đầu tư theo phong trào
- Thứ ba - 13/11/2007 11:43
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ăn theo
Những phiên giao dịch gần đây đã chứng kiến sự giảm giá của hầu hết cổ phiếu thuộc Tổng công ty Sông Đà. Trước đó, trong tháng 10, các cổ phiếu này đã tăng giá vùn vụt rất đồng đều theo kiểu “nước nổi, bèo nổi”. Các đỉnh giá mới liên tục được lập ở nhiều mã cổ phiếu. Khi thị trường điều chỉnh, các cổ phiếu này cũng giảm giá đồng loạt.
“Nhóm cổ phiếu này tăng giá hoàn toàn do yếu tố tâm lý. Dù các công ty thuộc tổng công ty này có làm ăn sinh lời tốt bao nhiêu thì giá cổ phiếu cũng không thể tăng với tốc độ nhanh trong thời gian ngắn như vậy”, một chuyên gia chứng khoán nói. Trên thực tế, có mã đã tăng 100% trong vòng 2 tuần như: SJE, SDA… Các công ty thuộc nhóm Sông Đà đều ít nhiều liên quan đến xây dựng, mà giá nguyên vật liệu hiện đã tăng rất cao. Trong khi đó, nhiều hợp đồng được ký từ 1 - 2 năm trước, lúc giá nguyên liệu còn rẻ, đến bây giờ có thể nói một số công ty sẽ khó thu lãi cao. Có thể do 1 - 2 mã “đầu đàn” làm ăn tốt tăng giá đã tạo hiệu ứng kéo theo một loạt cổ phiếu trong cùng nhóm tăng theo.
Trước đây, nhiều người nhắc đến nhóm cổ phiếu thuộc Tập đoàn Dầu khí như một ví dụ điển hình về sự ăn theo. Đạm Phú Mỹ là một đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí nhưng sản xuất mặt hàng phân đạm, do đó liên quan đến công nghiệp và nông nghiệp; CTCP Dịch vụ và Du lịch Dầu khí liên quan đến ngành du lịch; PVFC liên quan đến ngành tài chính, tín dụng… Mới đây nhất, tập đoàn này đã thành lập CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị Dầu khí. Do trong cùng Tập đoàn, ít nhiều có dính dáng đến dầu khí nên nhiều nhà đầu tư đã chuộng cổ phiếu của các công ty này. Không loại trừ thế mạnh nhất định do được thừa hưởng lợi thế trong ngành, nhưng nhiều lĩnh vực cũng không mấy liên quan đến Tập đoàn.
Không chỉ dầu khí, những lĩnh vực “hot” hiện nay, như bất động sản, đều xảy ra tình trạng đó. Nhiều chuyên gia dự đoán, tới đây khi một loạt công ty thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) lên sàn, nhiều khả năng cũng sẽ có hiệu ứng tương tự.
“Nhiều người mua cái áo trị giá vài trăm nghìn thì nhìn ngắm hàng tiếng đồng hồ. Hoặc mua chiếc tivi trị giá vài triệu đồng thì xem đi xem lại đến 2 ngày. Nhưng có khi họ bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua cổ phiếu trong ít phút chỉ vì nghe tên công ty này thuộc tập đoàn nọ, tổng công ty kia”, một nhà đầu tư tại sàn Haseco Hà Nội nói.
Lướt sóng không dành cho “tay mơ”
Giải thích về hiện tượng một số nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh trong thời gian qua, một chuyên viên phân tích của CTCK Bảo Việt nói, trước hết là do tâm lý thị trường (điều này hết sức rủi ro), thứ hai là do thói quen giao dịch. Thấy nhiều người mua thì cũng ùn đi mua theo kiểu “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào.” Thời gian vừa qua, nhiều người đầu tư theo kiểu đánh nhanh, rút nhanh. Do đó, nhà đầu tư nào không có nhiều kiến thức và kinh nghiệm sẽ khó thể biết lúc nào cần mua vào và lúc nào thì nên bán ra, rất dễ dẫn tới thua lỗ.
Tuy nhiên, việc đầu tư theo ngành, theo nhóm có mặt tích cực của nó. Dù công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng ít nhiều đều có điểm chung và sự cạnh tranh trong ngành không lớn, độ an toàn cao hơn. Khi đầu tư vào cổ phiếu nhóm, nhà đầu tư sẽ có điều kiện tìm hiểu sâu về ngành đó. Trước những biến động giá mang tính thời vụ, nhà đầu tư sẽ vững vàng hơn vì họ biết mình đầu tư cái gì, giá trị thực ra sao.
Chuyên viên phân tích trên khuyến cáo, nếu giao dịch cổ phiếu nhóm vào thời điểm nhiều nhà đầu tư đang “lướt sóng”, nhà đầu tư dài hạn cần tránh “say sóng” bằng cách tìm hiểu thật kỹ xem công ty đang hoạt động ra sao, trong lĩnh vực gì, mức độ cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng nhóm…