Công bố 20 doanh nghiệp tiêu biểu trên sàn niêm yết
- Thứ sáu - 23/11/2007 02:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 4.12 tới, Trung tâm Thông tin tín dụng của NH Nhà nước (CIC) phối hợp với Dun&Bradstreet (D&B) sẽ công bố danh sách 10 DN tiêu biểu của sàn HN. Ngày 6.12, tại TPHCM, CIC sẽ công bố danh sách 10 DN tiêu biểu của sàn TPHCM.
Trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, Tiến sĩ Đào Quang Thông - Phó Giám đốc CIC cho biết:
CIC đã tiến hành xếp hạng 198 DN đang niêm yết trên TTCKVN.
Theo kết quả xếp hạng tính đến 24.8.2007, các DN được xếp hạng đều đạt loại tối ưu đến trung bình, không có DN nào xếp hạng yếu kém. Các DN niêm yết trên sàn HoSE phần lớn có quy mô lớn hơn và năng lực hoạt động tốt hơn các DN niêm yết trên HaSTC.
Tại HoSE có tới 55 DN xếp hạng AAA, chiếm 49,5% trong số 111 DN xếp hạng tại sàn này. Trong khi đó tại HaSTC chỉ có 19 DN xếp hạng AAA, chiếm 21,8% trong số 87 DN được xếp hạng tại HaSTC.
- Có nhiều tổ chức đã đánh giá các DN niêm yết trên TTCKVN. Ông có khẳng định là kết quả phân tích, xếp hạng của CIC là toàn diện và chính xác?
- Một số tổ chức, cả tổ chức tài chính nước ngoài đã đánh giá về một số DN niêm yết mà họ quan tâm cũng như quy mô giao dịch của 2 sàn. Tuy nhiên các đánh giá này dựa vào những tiêu chí của chính tổ chức đó đưa ra. Vì vậy, kết quả đánh giá chưa được toàn diện, đồng bộ tình hình các DN niêm yết và chưa thực sự khách quan.
Kết quả phân tích, xếp hạng của CIC là tương đối toàn diện và chính xác. Thứ nhất là do dựa trên báo cáo tài chính của chính các DN niêm yết đã kiểm toán bởi các tổ chức kiểm toán được Bộ Tài chính và UBCKNN công nhận, nên độ tin cậy cao hơn báo cáo tài chính của các DN bình thường khác;
Thứ hai, với vai trò của NH là tổ chức cho vay và cung cấp các dịch vụ tài chính cho DN nên NH có điều kiện tiếp xúc, nắm tình hình tài chính, tình hình sản xuất - kinh doanh của DN sát sao hơn;
Thứ ba, CIC là đơn vị duy nhất ở VN hơn 6 năm cung cấp kết quả, phân tích xếp hạng DN cho một số cơ quan quản lý nhà nước, các TCTD và các tổ chức khác với phương pháp đã được các tổ chức tiền tệ quốc tế như WB, ADB, IMF... và một số hãng thông tin quốc tế có uy tín công nhận và đánh giá cao;
Thứ tư, việc phân tích xếp hạng của CIC được xử lý trên phần mềm tin học, tự động hoá, hoàn toàn không có sự can thiệp của chủ quan của con người. Kết hợp tất cả các yếu tố trên, nên theo tôi nên kết quả phân tích, xếp hạng của CIC là khách quan và chính xác.
- Căn cứ nào để CIC chọn ra danh sách 20 DN tiêu biểu ở hai sàn?
- CIC và D&B lựa chọn 20 DN tiêu biểu là dựa trên các chỉ tiêu tài chính của các DN niêm yết. Các chỉ số tài chính của DN như: EPS, ROA, ROE, P/E, P/B, P/SR cơ bản... kết hợp với kết quả xếp hạng tín dụng của CIC theo 9 bậc từ AAA đến CCC. Từ đó CIC và D&B chọn ra 20 DN có các chỉ số tốt nhất. Theo tôi, danh sách này là khách quan và trung thực.
- Liệu kết quả công bố xếp hạng DN của CIC có ảnh hưởng gì đến giá CP của các DN trong những ngày tới không?
- Diễn biến của TTCKVN trước hết phụ thuộc vào diễn biến của kinh tế VN. Thêm nữa, TTCKVN không chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà đã có sự liên thông nhất định với thị trường tài chính quốc tế, nên những ảnh hưởng của thị trường quốc tế sẽ có những tác động ít nhiều đến VN.
Kết quả xếp hạng của CIC và D&B chỉ là một kênh thông tin khách quan để các NĐT trong và ngoài nước tham khảo khi quyết định đầu tư. Căn cứ vào thông tin xếp hạng DN, NĐT có thể phân tích kỹ một DN, một ngành, lĩnh vực để biết được chiến lược phát triển lâu dài của DN, ngành, lĩnh vực đó mà không nhất thiết DN đó được xếp loại khá, loại tốt. Những DN xếp hạng trung bình trở xuống, nếu có chiến lược phát triển tốt, hoạt động trong các ngành có tiềm năng thì cũng có thể xem xét đấu tư dài hạn được.
- Ông dự đoán thế nào về thái độ của các DN khi biết kết quả xếp hạng của mình?
- Theo tôi thì DN nào cũng muốn mình được xếp hạng tốt. Tuy nhiên, các DN cũng phải chấp nhận kết quả đánh giá của CIC. Điều quan trọng nhất mà CIC khẳng định là tỉ lệ các DN niêm yết hoạt động sản xuất - kinh doanh tốt, có chiều hướng phát triển vững mạnh là rất cao so với các DN chưa niêm yết.
Các DN cũng nên căn cứ và các chỉ tiêu phân tích của CIC để bổ sung, điều chỉnh hoạt động của mình để trong tương lai có thể hoạt động tốt hơn. Ví dụ: Một DN xếp loại khá, hoạt động tương đối hiệu quả, tình hình tài chính ổn định nhưng lại có hạn chế nhất định về tiềm lực tài chính dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động trong kinh doanh do sức ép cạnh tranh...
- Xin cảm ơn ông!
7 ngành, lĩnh vực có DN tiêu biểu là: NH bảo hiểm, sản xuất nguyên vật liệu, thương mại - dịch vụ, tiêu dùng, xây dựng & BĐS, công nghệ, dược. Trong đó, NH bảo hiểm là lĩnh vực có tỉ lệ DN tiêu biểu lớn nhất (25%). Tiếp theo là 2 lĩnh vực sản xuất nguyên vật liệu, thương mại - dịch vụ đều chiếm tỉ lệ 20%. Danh sách các DN tiêu biểu sẽ được công bố chính thức vào ngày 4 và 6.12 tới. |