Cú "sốc" mạnh lên toàn thị trường
- Thứ sáu - 23/11/2007 09:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Giá xăng một lần nữa lại tăng. |
Mọi biện pháp kìm giá bất khả thi
Sẽ không là bất ngờ nếu như thị trường xăng dầu VN lâu nay chấp thuận cơ chế giá theo thế giới. Thế nhưng, việc tăng giá mạnh và đồng loạt ngày 22.11 lại là cú sốc lớn khi trước đó, Chính phủ, các bộ, ngành đã dùng mọi biện pháp kinh tế - hành chính nhằm kìm hãm cú sốc đối với việc tăng giá xăng dầu.
Thậm chí đã có lúc, "mệnh lệnh hành chính này" trở thành sự kỳ vọng cho thị trường ít nhất là đến cuối năm 2007 sẽ không có chuyện tăng giá xăng dầu. Tuy nhiên, mọi biện pháp đều đã bất khả thi.
Nói như Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá thì thị trường xăng dầu VN đã bị đẩy vào thế chân tường. Nhưng cú sốc còn mạnh mẽ hơn thế khi lần đầu tiên trong lịch sử thị trường VN, mặt hàng xăng được điều chỉnh tăng tới 1.700đ/lít. Đây là mức tăng và cũng là mức giá cao nhất từ trước tới nay.
Đồng thời, đây cũng là lần điều chỉnh giá thứ năm chỉ trong vỏn vẹn năm 2007, với mức tăng tới 2.900đ/lít. Theo đó, xăng A92 có giá bán 13.000đ/lít; xăng A90 bán giá 12.800đ/lít và xăng A83 bán giá 12.600đ/lít.
Đặc biệt hơn, thế "cố thủ" của mặt hàng dầu vốn được Nhà nước bù lỗ cùng bị phá vỡ. Theo các chuyên gia kinh tế thì đây còn là cú sốc mạnh hơn, bởi tất cả các loại dầu đều tăng giá và mức tăng cũng rất cao. Cụ thể, dầu diesel tăng từ 8.600đ/lít lên 10.200đ/lít; dầu hỏa tăng từ 8.700đ/lít lên 10.200đ/lít; dầu madút tăng thêm 2.500đ lên thành 8.500đ/kg. Đây cũng là mức tăng cao nhất so với các nước như Trung Quốc tăng giá xăng 10%; Nhật Bản tăng giá xăng chỉ 5%...
Thế "chân tường" và cơn sốt giá mới
Báo giới, DN và người dân đều quá bất ngờ đối với thông tin này, bởi không ai "dám" nghĩ rằng: Trong khi nền kinh tế và người dân VN đang phải đối mặt với mức lạm phát, tốc độ tăng giá cao nhất trong lịch sử hàng chục năm gần đây thì Chính phủ lại quyết định tăng giá mặt hàng này.
Theo Bộ Tài chính và Công Thương thì thực chất Nhà nước đã "hết chịu nổi" gánh nặng quá tải của bù lỗ, dù đã giảm thuế xuống 0%. Tính cả năm 2007, bù lỗ xăng lên tới 1.100 tỉ đồng; trong khi bù lỗ dầu là con số khổng lồ, với 12.300 tỉ đồng.
Tương tự với DN, cú vượt giá dài vài tháng gần đây đã đẩy các DN vào nguy cơ "thiếu tiền để nhập hàng".
Cụ thể, với mỗi lít xăng lỗ khoảng 2.000đ; các loại dầu lỗ từ hơn 3.000đ đến 4.000đ/lít. Khi đã vào thế "chân tường", gánh nặng giá cả xăng dầu lần này buộc phải chuyển sang vai người dân. Người dân sẽ phải bỏ ra không dưới 6.000 tỉ đồng để chia sẻ gánh nặng này.
Theo tính toán của các chuyên gia và liên bộ Tài chính - Công Thương, việc tăng giá xăng dầu lần này cũng sẽ kéo theo tác động giá thành và cơn sốt giá mới. Cụ thể, với mức tăng giá xăng dầu có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng thêm 0,34% đặc biệt là ngư dân đánh bắt xa bờ chịu hệ lụy tăng giá tới 10,82%.
Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Tài chính và Công Thương đều cho rằng, đã đến lúc không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính và những chính sách điều hành kinh tế "quá sức" từ Nhà nước. Điều đó không chỉ làm méo mó nền kinh tế thị trường, mà còn khiến Nhà nước, DN và sức mạnh kinh tế bị tổn hại.
Đại diện các bộ còn cho rằng: Giá xăng dầu VN đang thấp hơn thế giới và khu vực lân cận; xu thế giá xăng dầu sẽ còn ở mức cao; đặc biệt là VN đã là thành viên của WTO, vì thế giá xăng dầu cũng phải hội nhập với thế giới.
Thế nhưng, khi được hỏi: Tại sao Nhà nước không để thị trường vận hành theo giá thế giới cũng như tinh thần Nghị định 55 về quyền tự định giá của DN? Tại sao không chấm dứt bù lỗ để tuân theo quy luật thị trường? - đại diện 2 bộ cho rằng "cần có lộ trình"; tăng chậm để tránh sốc (?)
Tuy vậy, đại diện 2 bộ cũng nhận định: Hết năm 2008, xăng và dầu sẽ "vào cơ chế thị trường".
Từ luận điểm này, một chuyên gia kinh tế nhận định: Đây có thể là "bước đệm cuối cùng" để giá xăng dầu VN "hội nhập" với giá thế giới. Vì thế, điều tiên liệu cho tương lai gần là giá mặt hàng này sẽ tăng cao trong năm 2008. Người dân và thị trường VN cần tiến đến "sự chấp nhận mới" trong vấn đề này.
Buộc DN phải giảm chi phí 5%; kêu gọi tiết kiệm tiêu dùng: Liên bộ Tài chính và Công Thương tiếp tục yêu cầu các DN có trách nhiệm trong vấn đề chia sẻ gánh nặng giá xăng dầu bằng cách giảm tối thiểu 5% chi phí quản lý, vận chuyển... Liên bộ cũng kêu gọi người dân tiết kiệm tiêu dùng. |
Cơ chế thị trường và sự chấp nhận mới?