Cứu chứng khoán: Dùng quy luật thị trường
- Thứ sáu - 28/03/2008 03:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong 5 giải pháp cấp bách cứu TTCK mà Thủ tướng quyết định, có 3 giải pháp liên quan đến điều hành của NHNN.
Khi quy luật thị trường bị phá vỡ
Ông Vũ Bằng - Chủ tịch UBCKNN cho biết: "Chính phủ vừa qua cũng đã chỉ đạo NHNN mua ngoại tệ mạnh hơn và các ngân hàng cũng đã làm, nhưng việc mua ngoại tệ phục vụ đầu tư trên thị trường, góp vốn nước ngoài vào các DN đấu giá CPH cũng chưa giải quyết hết được. Ngân hàng có ưu tiên cho nhu cầu ngoại tệ như kiều hối, XNK, Bộ Tài chính bán ra rồi sau đó mới đến mua chứng khoán. Trong trật tự đó cũng có cái khó chung của ngân hàng. Khi tình thế cấp bách thì nên tăng độ ưu tiên với mua đầu tư chứng khoán và góp vốn cổ phần".
Sáng 27/3, một cuộc hội thảo quan trọng do Viện khoa học tài chính tổ chức nghiên cứu về triển vọng phát triển của thị trường. Tại đây có quan điểm đáng chú ý, TTCK Việt Nam nói riêng và trên qui mô thế giới nói chung được ví như "hàn thử biểu" đo sức khỏe tổng hợp của nền kinh tế. Tại Việt Nam, một kết cấu kinh tế không hợp lý, một đẳng cấp năng suất lao động chưa cao; một sức hấp thụ các nguồn lực ngoại còn yếu ớt, nhiều tiềm năng có tính "lộ thiên" đang vơi dần - "bờ xôi ruộng mật" đang biến dần thành nơi "lắp ráp" hàng công nghiệp cho nước ngoài, nhà nông tách khỏi ruộng vườn ngày càng nhiều... thì làm sao có nhà phát hành chứng khoán có lợi nhuận cao để kỳ vọng có giá cổ phiếu cao được!...
Cũng có ý kiến cho rằng, hầu hết các nhà phát hành cổ phiếu Việt Nam thay vì phải trả lợi tức bằng tiền lại trả bằng giấy... "bán giấy lấy tiền" làm sao thuyết phục được nhà đầu tư! Chính các nhà phát hành và cơ chế hành chính hoá TTCK Việt Nam đang khiến TTCK Việt Nam “nghẹt thở”!
Các quy luật thị trường ngày càng "bị tấn công" bởi các mệnh lệnh hành chính. Thị trường mà các chính sách không tìm cách tác động vào cung, vào cầu, vào năng suất lao động... mà lại cứ "nhè" vào những chỗ nhạy cảm nhất của qui luật thị trường như: giá cả, cạnh tranh, lòng tin.... thì làm sao cứu được TTCK nói riêng, thị trường tài chính nói chung! - một quan chức NHNN nhận định.
Kịch bản cân đối
Một kịch bản "nằm giữa" 2 kịch bản đã nêu trong báo cáo “Phân tích biến động về TTCK trong nước và thế giới - phương án đảm bảo định hướng phát triển của TTCK Việt Nam theo hướng bền vững và minh bạch” của Viện nghiên cứu Khoa học Tài chính (Bộ Tài chính) rất có thể được đặt ra và là kịch bản khả dĩ nhất, hay nhất cho TTCK Việt Nam hiện nay: Nhà nước sớm công bố minh bạch chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, y tế, giáo dục, an ninh theo hướng hiệu quả, hiện đại đủ sức tạo ngay lập tức thị trường hấp thụ vốn có hiệu quả làm cơ sở cho khu vực công nghiệp, dịch vụ, nông lâm, ngư nghiệp phát triển theo đúng chiến lược quốc gia. Một khối lượng lớn vốn trung và dài hạn có chất lượng cao được huy động bằng trái phiếu công trình có bảo lãnh của Chính phủ bổ sung ngay vào TTCK đang mất cân đối giữa cổ phiếu và trái phiếu và mất cả lòng tin như hiện nay. Hãy trả lại các qui luật thị trường cho TTCK. Phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước để hấp thụ lập tức lượng ngoại tệ trôi nổi phục vụ ngay cho nhu cầu nhập khẩu thiết bị, cứu nguy cho nơi tiêu thụ ngoại tệ của nhà xuất khẩu cũng cần được đặt ra ngay. Kịch bản này sẽ kéo các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài ở lại với Việt Nam. Các DN này lấy hiệu quả đầu tư tại Việt Nam khắc phục sự suy giảm lợi nhuận tại thị trường chính quốc đang tạm thời suy thoái hoặc khó khăn.
5 biện pháp cụ thể bình ổn TTCK
Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp bình ổn TTCK. Cụ thể:
1. TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn NN (SCIC) tập trung mua vào các CP có tỷ trọng lớn góp phần ổn định thị trường.
2. Giao NHNN chỉ đạo các NHTMNN và vận động các NHTMCP quyết định chưa giải chấp các hợp đồng cầm cố, repo CK.
3. Cho vay tái chiết khấu với lãi suất 9% khi NHTM thiếu thanh khoản tạm thời mà không thể đi vay ở các kênh khác với mức lãi suất 9%.
4. Đẩy mạnh mua ngoại tệ với tỉ giá thích hợp cho các NH và các tổ chức tài chính nếu ngoại tệ có nguồn gốc hợp pháp, kể cả ngoại tệ từ nguồn đầu tư gián tiếp.
5. Cho phép các DN mua lại các CP của chính DN đã phát hành ra thị trường và không bị hạn chế việc tăng vốn điều lệ theo các quy định hiện hành.
Minh Châu