BMSC

http://www.bmsc.com.vn


DNNN: Ưu đãi dễ dãi khó phát triển lành mạnh

Với sự ưu ái của Nhà nước thông qua hỗ trợ việc thay thế công nông và xe tải quá niên hạn thì TMT như vớ được 1 cái "phao". Tức là DN này không cần phải đẩy mạnh đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển mà tự dưng lại có lợi thế so hơn với các doanh nghiệp khác. Quyết định 149-TTg ngày 8/11/2007 tuy là hỗ trợ cho người mua xe, nhưng chỉ mua xe của TMT mới được hỗ trợ, thực chất vẫn là ưu ái cho DN này.

Với ưu đãi này Chính phủ không mong muốn gì khác ngoài việc thực hiện thay thế xe công nông và xe tải quá hạn sử dụng, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội tại 2 khu vực nêu trên, qua đó giúp TMT tăng sản lượng, mở rộng thị phần, đẩy mạnh tái đầu tư để phát triển ngành công nghiệp ôtô.

Theo phân tích của các nhà chuyên môn thì sự ưu đãi này có nguy cơ không đem lại hiệu quả mà còn gây tác động ngược.

Làm giảm tính năng động của DN

Trong nền kinh tế thị trường các DN muốn tồn tại và phát triển, bắt buộc họ phải năng động, phải tạo ra tính cạnh tranh cao. Muốn sản phẩm mình có thị trường, tiêu thụ tốt thì luôn luôn phải có các giải pháp để nâng cao chất lượng, tiết giảm chi phí để giảm giá thành. Chính động lực này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và đạt hiệu quả kinh doanh tốt.

bbbbb
Ưu đãi riêng cho TMT sẽ gây khó cho các DN sản xuất xe tải khác. Ảnh: Trần Thủy

Tuy nhiên, với trường hợp của TMT thì khác. DN này có giá bán xe ôtô tải luôn luôn cao hơn một số doanh nghiệp khác từ 2-7 triệu đồng/xe, do sản phẩm có tỷ lệ nội địa hoá thấp, chủ yếu vẫn là nhập khẩu bộ linh kiện về lắp ráp, vì vậy mà giá bán không cạnh tranh được so với các doanh nghiệp ôtô khác.

Trong  hoàn cảnh này, nếu để doanh nghiệp tự lo thì hoặc sẽ sinh ra các giải pháp làm giảm giá thành và nâng cao chất lượng để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác và phát triển hoặc không sẽ lẹt đẹt, khó tồn tại.

Với sự ưu ái của Nhà nước thông qua hỗ trợ việc thay thế công nông và xe tải quá niên hạn thì TMT như vớ được 1 cái "phao". Tức là không cần phải đẩy mạnh đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển mà tự dưng lại có lợi thế so hơn với các doanh nghiệp khác. Từ chỗ xe có giá bán đắt hơn các doanh nghiệp khác, nay khi bán xe được giảm tới 9 triệu đồng như vậy tất nhiên giá xe giảm và năng lực cạnh tranh được nâng cao. Năng lực cạnh tranh này không phải do DN tự xây dựng nên mà do chính sách ưu ái của Nhà nước mang lại một cách hành chính.

Như vậy là tạo ra một thói quen chẳng cần làm gì cả, cứ trông đợi vào sự ưu ái của Nhà nước là đủ. DN sẽ bị giảm tính năng động trên thương trường và ngược lại tăng thêm sự thụ động, ỷ lại, dựa dẫm.

Cách làm này đã không tránh khỏi sự phản ứng của nhiều DN. Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng Giám đốc Vinaxuki (Xí nghiệp tư doanh Xuân Kiên) cho biết: "Trong khi chúng tôi đang đầu tư mạnh cho nội địa hoá, hợp lý hoá dây chuyền sản xuất để tiếp tục giảm chi phí sản xuất, giảm giá bán xe cho nguời tiêu dùng thì Công ty TMT lại được hỗ trợ tới 9 triệu đồng/xe cho mỗi khách hàng mua xe mà chẳng phải đầu tư gì về nội địa hoá, giảm chí phí sản xuất là không công bằng".

Gây ra nhiều lãng phí

Như tính toán của các DN với chính sách hỗ trợ như trên thì khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên từ nay đến năm 2010 có thể sẽ tiêu thụ tới 20.000 xe ôtô và ngân sách Nhà nước sẽ phải bỏ ra 180 tỷ đồng. Chủ trương hỗ trợ người mua để thay thế xe công nông và xe tải quá hạn là hoàn toàn đúng nhưng với việc chỉ định TMT là DN duy nhất tham gia thực hiện thí điểm thì các phân tích cho thấy như vậy chưa chắc đã mang lại hiệu quả như mong muốn mà ngược lại có khi còn gây ra nhiều lãng phí.

DN cần sự bình đẳng thực sự trong môi trường kinh doanh chứ không phải những "hứa hẹn suông". Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

Cụ thể, vào ngày 8/11, Chính phủ ra quyết định 1491/QĐ-TTg về việc hỗ trợ để thay thế xe công nông, xe tải quá niên hạn sử dụng tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thì ngày 5/11 tức là trước đó 3 ngày TMT đã có thông báo tăng giá một loạt các mẫu xe tải của họ. Trong đó có 1 số mẫu xe tăng từ 6-6,5 triệu đồng. Cụ thể như mẫu xe benz A có trợ lực tay lái, 1 cầu, phanh hơi loke, có quạt gió và gió ấm, tải trọng 3,45 tấn đã tăng từ 206.500.000 đồng lên 213.000.000 đồng, hay như mẫu xe benz A  2 cầu, có trợ lực tay lái, phanh hơi loke, có quạt gió, gió ấm tải trọng 4,6 tấn tăng từ 246.000.000 đồng lên 252.000.000 đồng...

TMT cho rằng việc tăng giá là do được bổ sung, hoàn thiện về mặt kỹ thuật theo sự phản hồi yêu cầu trong quá trình sử dụng của các đại lý và nhà sản xuất đã thay đổi ca bin mới có đầy đủ tính năng hữu ích cho người sử dụng xe.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các DN thì những thay đổi không nhiều. Động cơ và mọi thứ quan trọng vẫn giữ nguyên như trước, nhưng mức tăng thì cao. Với mức tăng này cho phép mọi người đặt câu hỏi: liệu một phần tiền Nhà nước dành hỗ trợ người mua có biến thành hỗ trợ cho TMT? Có ý kiến còn cho rằng TMT đã đi trước một bước nâng giá xe để đến khi Quyết định 149 ban hành thì mọi chuyện đã rồi.

Chưa hết, nếu các DN ôtô khác quản lý hệ thống phân phối theo cách đưa ra giá bán đến tay người mua và các đại lý bán xe được hưởng một tỷ lệ phần trăm nhất định thì TMT lại đưa ra giá bán tại nhà máy, còn giá bán đến tay người tiêu dùng theo quy định là đại lý được cộng thêm vào đó 10 triệu đồng nữa. Với cách quản lý như thế, nếu thiếu xe thì các đại lý sẽ rất dễ nhân cơ hội này mà "đục nước béo cò" tăng giá bán và TMT không kiểm soát được. Như vậy, một phần tiền Nhà nước dành hỗ trợ người mua xe sẽ biến thành hỗ trợ cho đại lý bán xe. Tất nhiên như vậy sẽ gây ra lãng phí và người mua xe không được hưởng đúng và đủ những gì Nhà nước hỗ trợ. Mục đích hỗ trợ người mua xe có thể không như mong muốn. 

Theo quan sát của các DN ôtô thì trong năm 2007 ít nhất 3 lần TMT đã tăng giá với một số mẫu xe của họ. Lần thì tăng thêm các chi tiết mới, lần thì do tỷ giá ngoại tệ so với đồng Việt Nam tăng nên chí phí đầu vào tăng.

Cũng theo ông Bùi Ngọc Huyên, việc tăng thêm các chi tiết mới cho xe hoàn hảo hơn thì doanh nghiệp nào cũng làm, nhưng không phải cứ tăng thêm cái gì là lại nghĩ ngay đến tăng giá bán. Nhiều mẫu xe của chúng tôi thời gian qua cũng tăng thêm nhiều chi tiết nhưng giá thì không đổi. Còn  tỷ giá giữa ngoại tệ so với đồng Việt Nam tăng thì các doanh nghiệp đều chịu chung như nhau. Chẳng hạn từ đầu năm đến nay mỗi bộ linh kiện ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc về tăng thêm từ 150-300USD (do tỷ giá ngoại tệ tăng), nhưng xe của Vinaxuki không những không tăng giá mà còn giảm giá từ 5-7 triệu đồng/xe.

Lý giải về điều này, ông Huyên cho biết do tích cực đầu tư tăng tỷ lệ nội địa hóa nên có những loại xe đã đạt trên 40%. Vì vậy, bớt được chi phí về thuế nhập khẩu, tiền vận chuyển, nhất là các chi tiết cồng kềnh nên có thể giảm được giá bán xe cho khách hàng. Còn TMT thì cứ chi phí đầu vào tăng là tăng ngay giá xe như vậy doanh nghiệp này có tiềm lực yếu và không chủ động được trong sản xuất. Việc chỉ định họ tham gia thí điểm hỗ trợ thay thế xe công nông và xe tải quá niên hạn sử dụng sẽ gây lãng phí cho Nhà nước.

Thiếu trung thực trong kinh doanh

Tin từ một số DN ôtô cho biết, hiện nay  một số  đại lý ôtô của TMT đã loan tin rằng xe của TMT tốt hơn các loại xe khác chính vì vậy mới được Chính phủ lựa chọn tham gia thí điểm. Điều này theo các DN là không trung thực. TMT cũng chỉ là doanh nghiệp bình thường, năng lực còn kém nhiều doanh nghiệp khác, xe của TMT cũng không phải là sản phẩm có chất lượng tốt so với nhiều sản phẩm khác. Hiện so với các doanh nghiệp dân doanh như Trường Hải, Vinaxuki... thì xe của TMT có tỷ lệ nội địa hoá thấp hơn, không sơn điện ly chạy trên địa bàn miền núi sẽ rất nhanh hỏng, nhưng  dựa vào Quyết định trên mà các đại lý có cớ để tuyên truyền không đúng về sản phẩm. Điều này sẽ gây ra rất nhiều ngộ nhận cho người tiêu dùng. Cách làm này không phải là nâng cao năng lực cạnh tranh mà là cạnh tranh thiếu trung thực và bất bình đẳng.

Không từ bỏ ưu đãi: DN còn trông chờ xin - cho

Có nên tiếp tục có những chính sách ưu đãi như vậy? Ý kiến của tất cả các chuyên gia kinh tế khi được hỏi đều rả lời là không. Theo Bà Phạm Chi Lan, cách chỉ định như vậy là rất bất cập với cơ chế thị trường hiện nay. Nếu là công ty 100% Nhà nước thì cũng không được quyền như vậy, nữa là công ty cổ phần.

Điều này  sẽ gây ra những hậu quả là doanh nghiệp không cần năng động, không cần nâng cao khả năng cạnh tranh mà thụ động, trông chờ vào Nhà nước, chỉ tìm cách xin ưu đãi.

TMT vốn là DNNN mới cổ phần hoá nhưng Nhà nước vẫn chiếm cổ phần lớn và thuộc Tổng Công ty Công nghiệp ôtô - một DNNN hạng lớn với nhiệm vụ được giao giữ vai trò chủ lực trong việc phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam. Việc nhiều DNNN đã chuyển sang công ty cổ phần, nhưng Nhà nước vẫn chưa từ bỏ những ưu đãi đối với họ thì DN sẽ khó phát triển lành mạnh, vẫn luôn thiếu năng động sáng tạo. CỔ phần hóa như vậy thì chẳng khác khi còn là DNNN bao nhiêu và sự thay đổi chỉ là hình thức.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây