Đã đến thời điểm tăng lại biên độ giao dịch?
- Thứ tư - 02/04/2008 05:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giảm biên độ - "liều thuốc của trái tim"
Ngay từ cuối tháng 2, đầu tháng 3/2008, TTCK Việt Nam liên tục xuất hiện các dấu hiệu sụt giảm, và thậm chí là nguy cơ khủng hoảng lớn. Nguyên nhân có thể kể đến là rất nhiều, từ phía thị trường thế giới, từ những diễn biến bất lợi của thị trường trong nước (vàng, dầu mỏ, giá xăng dầu, lạm phát,…) nhưng chủ yếu vẫn là tâm lý và niềm tin của các nhà đầu tư nội.
Tại thời điểm đó, đã có hàng loạt biện pháp được đưa ra với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý và các đơn vị tham gia thị trường. Đáng kể nhất là việc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được phép mua vào các chứng khoán “tốt” trên thị trường. Thậm chí, “siêu” Tổng công ty này còn được phép mở nhiều tài khoản để tăng khả năng mua vào của mình.
Thế nhưng “liều thuốc mạnh” này cũng chỉ có hiệu quả trong một vài phiên với việc thị trường quay đầu đi lên. Dấu hiệu “kháng thuốc nội” của các nhà đầu tư trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết khi ngay sau đó thị trường liên tục sụt giảm cùng với xu thế bán tháo mãnh liệt của toàn bộ thị trường. Liên tục trong 8 phiên giao dịch (14/3-25/3), chỉ số VN-Index chỉ có đi xuống trong bối cảnh dư bán phiên nào cũng tràn ngập, còn dư mua gần như trống không.
Ngày 25/3, với 24,43 điểm giảm, “hàn thử biểu” của nền kinh tế Việt Nam chính thức xuyên thủng đáy 500 điểm, dừng lại ở 496,64 điểm. Cùng với đó là sự khủng hoảng niềm tin của các nhà đầu tư trên sàn. Tất cả các mã chứng khoán, không phân biệt già, trẻ, lớn, bé,… đều mất giá, đều được bán tháo. Thậm chí ngay cả khi đưa ra “nghĩa cử” muốn tung tiền “cứu giá”, “đại gia” SSI cũng chịu chung tình trạng nhiều phiên liên tiếp giảm điểm hết biên độ.
Vậy là chuyện gì đến cũng phải đến, quyết định giảm biên độ dao động trên cả hai sàn đã được đưa ra. Theo đó, biên độ dao động của giá cổ phiếu trên sàn TP.HCM giảm từ 5% xuống còn 1%, trên sàn Hà Nội từ 10% xuống còn 2%.
Giải pháp – nói một cách lịch sự là “trực tiếp” này có vẻ như đã “gãi” đúng chỗ ngứa của thị trường. Đáy “nhân tạo” 496,64 điểm đã được tạo ra, nhà đầu tư và thị trường yên tâm rằng sẽ không có chuyện giảm tiếp được nữa, vấn đề còn lại chỉ là phải chấp nhận “năng nhặt chặt bị”, thị trường đi lên thật chậm nhưng thật chắc.
Phiên chợ toàn hàng… khuyến mại
Sau khi biên độ dao động được thay đổi, điều dễ nhận thấy nhất là sự “đổi cánh” của bảng giao dịch điện từ và cùng với đó là sự đổi chiều của các nhà đầu tư.
Trong các phiên giảm điểm, toàn thị trường ồ ạt bán tháo cổ phiếu, chẳng cần biết giá cả ra sao, chẳng cần quan tâm công ty mình đang nắm có kinh doanh tốt hay không, cũng chẳng cần để ý xem các thông tin hỗ trợ thị trường như thế nào (cuộc đua lãi suất chấm dứt, lạm phát trên đà giảm, Chính phủ quyết tâm “cứu” chứng khoán,… Vậy là TTCK Việt Nam trở thành một phiên chợ toàn hàng… khuyến mại, giá cả hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, điều đó cũng chẳng đủ để các nhà đầu tư khác bỏ tiền ra mua. Bảng giao dịch điện tử liên tục trong tình trạng “cánh phải” đặc kín còn “cánh trái” gần như trống không.
Ngày 26/3, thời điểm “chuyển giao” giữa hai biên độ dao động, thị trường lấy lại được sự cân bằng ở cả hai cánh, tổng khối lượng giao dịch tăng lên hơn 20 triệu đơn vị.
Hôm sau, ngày 27/3, bắt đầu với biên độ mới, các nhà đầu tư cũng thay đổi thái độ ngay lập tức. Bảng giao dịch điện tử đổi màu từ đỏ sang xanh, dư bán lúc trước nhiều bao nhiêu thì nay ít bấy nhiêu, dư mua thì ngược lại, luôn trong tình trạng đặc kín.
Cũng từ ngày hôm đó, mức tăng của VN-Index luôn ở mức xấp xỉ 0,8% trong bối cảnh hầu hết các mã tăng trần. Có một điều có lẽ là chẳng giống ở đâu đã xảy ra trên thị trường Việt Nam. Liên tục trong 5 phiên giao dịch, không kể chứng khoán nào, kết quả kinh doanh ra sao, các chỉ số PE, EPS,… là bao nhiêu, chỉ cần có người bán là sẽ tăng điểm, và gần như là tăng kịch trần.
Và cũng liên tục 5 phiên vừa qua, gần như phiên nào cũng có đến 99% mã tăng trần (phiên ngày 31/3 toàn bộ 100% mã trên HOSE tăng trần), tổng cộng VN-Index tích lũy được… 20,44 điểm, còn HaSTC-Index có được 12,38 điểm.
Đã đến lúc tăng biên độ dao động?
Với mức tăng 20,44 điểm trong 5 phiên, trung bình mỗi phiên VN-Index tăng hơn 5 điểm. Mặc dù đây không phải là mức tăng cao (nếu không muốn nói là “chẳng bõ bèn gì”) nhưng điều quan trọng là thị trường đã liên tục đi lên, đà sụt giảm, mà thực tế là sự khủng hoảng niềm tin nơi các nhà đầu tư phần nào đã được chặn lại.
Tuy nhiên, một nguy cơ khác đã và đang ngày càng trở nên rõ ràng, đó là việc các nhà đầu tư bỏ thị trường mà ra đi. Những phiên giao dịch gần đây, tâm lý chán nản lại lộ rõ trên gương mặt của nhiều nhà đầu tư. Ngay từ giữa phiên giao dịch, các quán cà phê trước cửa các sàn giao dịch chứng khoán đã đông hơn mọi lần. Trước đây, thường thì chỉ sau khi kết thúc phiên giao dịch, khoảng 11h trưa, các nhà đầu tư mới tụ tập lại để bàn bạc, tổng kết một phiên giao dịch vừa qua.
Khi được hỏi tại sao lại không lên sàn ngồi, anh Chiến, một nhà đầu tư bám sàn có thâm niên cho biết: “Lên sàn để làm gì, kết quả giao dịch thì gần như biết trước rồi. Hiện nay muốn mua chẳng được, mà chẳng có ai muốn bán bởi xu hướng chắc chắn là giá hôm sau cao hơn hôm trước, bán thì chắc chắn lỗ!"
Rõ ràng là trong bối cảnh hiện nay, việc lên sàn chẳng khác gì ngồi xem bảng điện tử, có tiền nhiều khi cũng chẳng mua được chứng khoán. Thêm vào đó, lợi nhuận cũng không còn cao như trước khi biên độ dao động giá giảm, mặc dù phí giao dịch đã được các công ty chứng khoán giảm đi nhiều.
Một lo ngại khác từ phía các công ty niêm yết trên sàn. Theo luật định, cổ phiếu nào tăng trần 5 phiên liên tiếp thì phải giải trình. Nhưng hiện nay phiên nào cũng có 98-99% các mã tăng trần, vậy liệu tất cả họ sẽ phải giải trình hay sao?
Còn từ phía các CTCK, chưa nói gì đến việc giảm giao dịch các chứng khoán tự doanh, rõ ràng riêng việc giảm biên độ dao động khiến họ thiệt đơn thiệt kép. Thứ nhất là cái thiệt chung về lợi nhuận giống như các nhà đầu tư. Tiếp đến là việc gần như bắt buộc phải giảm phí giao dịch, bởi nếu không giảm, các nhà đầu tư sẽ dần rút lui. Cùng với đó, tình trạng giao dịch ảm đạm hiện nay khiến cho doanh thu từ dịch vụ môi giới giảm mạnh.
Thêm vào đó, thị trường đã có dấu hiệu ổn định khi tăng liên tiếp 5 phiên giao dịch với hầu như toàn bộ các mã đều tăng trần. Vậy phải chăng đã đến lúc tăng biên độ dao động lên?
Diễn biến giao dịch của các nhà đầu tư nội thời gian gần đây cho thấy tâm lý "đám đông" vẫn còn rất phổ biến và tình trạng "lướt sóng ào ạt" vẫn còn. Khi thị trường xuống thì đua nhau bán ra, chẳng cần quan tâm đến mã chứng khoán đó thế nào; còn khi thị trường lên thì lại đua nhau mua vào, mua theo kiểu "gi gỉ gì gi cái gì cũng mua".
Vậy nếu tăng biên độ, rất có thể thị trường sẽ chứng kiến một vài phiên tăng điểm với mức cao hơn hiện nay. Nhưng ai dám chắc sẽ tăng liên tục, và đặc biệt là liệu một xu hướng bán tháo cổ phiếu có xảy ra hay không. Chỉ tính riêng những người "may mắn" mua được chứng khoán trong những phiên gần đây, nếu bán ra họ cũng được tương đối rồi. Và nếu nhóm đó bán ra, không ai dám khẳng định sẽ không xảy ra một cơn lũ xả hàng.
Nói gì thì nói, khi đã tuyên bố là "tạm thời" thì chỉ được là "tạm thời" mà thôi, vấn đề nằm ở chỗ cái "tạm thời" đó kéo đến bao giờ? - bóng lại được chuyền về phía các nhà quản lý thị trường. Hơn thế nữa, những giải pháp quản lý theo kiểu "03", tác động quá trực tiếp đến thị trường không phải là một xu hướng thích hợp trong một nền kinh tế thị trường hiện đại.
Hưng Việt