Đập tan nạn đầu cơ
- Thứ ba - 29/04/2008 14:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Sau cơn sốt ảo mấy ngày qua, giá gạo đã dần hạ nhiệt ở nhiều địa phương. Ảnh: Đức Thanh
|
Cơn sốt bùng phát từ việc lợi dụng tình hình khan hiếm lương thực ở một số nước trên thế giới, kẻ xấu tung tin thất thiệt về khả năng mất cân đối lương thực trong nước để đầu cơ trục lợi, mua vét lúa, gạo. Tin đồn lan nhanh làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường gạo trong nước, nhiều người đổ xô đi mua tích trữ, trong đó có cả doanh nghiệp, tư thương không có chức năng kinh doanh gạo tạo ra tăng giá đột biến, giả tạo. Ngay lập tức Thủ tướng có Công điện khẩn khẳng định: Sản lượng lương thực của VN bảo đảm đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đồng thời Thủ tướng cũng chỉ đạo cho các bộ ban ngành phối hợp cùng Hiệp hội lương thực và doanh nghiệp bình ổn ngay giá gạo.
Trao đổi với ĐTCK-online chiều 28/4, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực VN cho biết đến thời điểm trên tình hình đã có dấu hiệu dịu lại, giá gạo dần đi vào ổn định. Các thành viên Hiệp hội đã tung hàng ra hỗ trợ sức cầu trên thị trường, siêu thị thiếu gạo cung ứng gạo, chợ hết hàng chuyển giao hàng, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn chở cả ôtô tải đến chợ lớn, có nhân viên đứng bán trực tiếp cho người dân. Bà Nguyệt cho hay Hiệp hội có hơn 100 doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp nào cũng cam kết cùng tham gia bình ổn giá nên không hề có chuyện tăng giá từ nguồn. “Vụ Đông- Xuân này, các tỉnh Nam Bộ được mùa lớn, sản lượng tăng so với năm 2006 – 2007; lượng gạo tồn kho ở trong dân và các doanh nghiệp còn nhiều (hơn 1,3 triệu tấn), chưa kể gạo dự trữ quốc gia có hàng trăm nghìn tấn. Các tỉnh Trung Trung Bộ và Tây Nguyên đang thu hoạch hàng triệu tấn lúa với năng suất lúa tương đương năm 2007. Tháng 5 tới, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu hoạch vụ Hè - Thu cũng hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Như vậy, sản lượng lương thực năm 2008 hoàn toàn có khả năng bảo đảm đủ cho tiêu dùng trong nước và dành một phần cho xuất khẩu”, bà Nguyệt khẳng định.
Gạo là mặt hàng lương thực thiết yếu với đời sống người dân vì thế tình trạng sốt ảo đầu cơ mới bùng phát mạnh trong hai ngày mà đã tác động lớn tới xã hội, gây ra tình trạng lộn xộn trong các hệ thống phân phối nếu không được chấn chỉnh kịp thời. Nhìn rộng ra trong vòng vài năm trở lại đây tình trạng đầu cơ găm hàng trục lợi đã không ít lần xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động kinh tế. Cơn sốt thép xây dựng năm 2004 là một ví dụ, các đại lý đua nhau găm hàng nhất định chỉ bán ra nhỏ giọt đẩy giá thép tăng vùn vụt, ảnh hưởng tới các dự án công trình xây dựng khiến cho Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) phải tính tới chuyện ra quy chế chấn chỉnh hệ thống phân phối. Gần đây nhất, cơn sốt vật liệt xây dựng hồi đầu năm cũng khiến các dự án lao đao. Trong cuộc họp của Thủ tướng với các địa phương phía Bắc bàn giải pháp kiềm chế lạm phát, đại diện một tỉnh miền núi cho hay tỉnh của bà ban đầu không sốt gạch xây dựng, các nơi khác ùn ùn đổ về mua, giá gạch tăng từng ngày và cuối cùng lại thành cao hơn cả vùng lân cận.
Đầu cơ là hoạt động không hiếm trong kinh doanh khi thương nhân dự đoán được những mặt hàng nào sẽ có nhu cầu cao và bỏ tiền ra tích trữ hàng chờ lúc khan hiếm để tăng giá. Hoạt động tích trữ hàng hóa phục vụ cho nhu cầu Tết nguyên đán là một ví dụ, tuy nhiên tung những tin đồn thất thiệt, tạo ra khan hiếm giả tạo, ép giá... là hành vi vi phạm pháp luật. Kinh nghiệm cho thấy xử lý nạn đầu cơ rất khó khăn và điều này đòi hỏi cơ quan quản lý thị trường cũng phải đi trước một bước cảnh báo, chỉ đạo để có được hàng hóa dự trữ, khi nạn đàu cơ bùng phát quá mức có thể ngay lập tức tung hàng ra thị trường, đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng, đập tan nạn đầu cơ. Chừng nào nạn đầu cơ còn hoành hành người dân còn gánh nhiều nỗi lo, bão giá, lạm phát khó được kiềm chế, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, vì thế trong những thời điểm như hiện nay dư luận cũng đang mong chờ cơ quan chức năng đưa những kẻ đã tạo "bão" giá một cách vô lý ra trước công lý.
Thuỷ Nguyễn