BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Dấu ấn kinh tế Việt Nam năm 2007

Năm 2007 kết thúc đã để lại những dấu ấn sâu sắc về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội. Việt Nam vẫn được thế giới đánh giá là điểm đến an toàn bởi sự ổn định chính trị.

 Năm 2007, sau khi chính thức được kết nạp vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam lại được bầu là một trong hai thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc khu vực châu Á nhiệm kỳ 2008 - 2009. Và chính uy tín chính trị, ngoại giao trên trường quốc tế này đã là động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2007.

Kinh tế tăng trưởng cao và ổn định. GDP năm 2007 tăng trưởng 8,5%. Và đây là năm thứ 10 kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục, ổn định. Nguồn vốn đầu tư phát triển (ODA) mà các nhà tài trợ cam kết giúp Việt Nam năm 2007 là 5,4 tỷ USD (cao hơn năm 2006). Đặc biệt nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng kỷ lục (20,3 tỷ USD) vượt xa kế hoạch ban đầu gây bất ngờ đối với Bộ KH-ĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ chào mời, kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Đến nỗi, bây giờ vấn đề nóng bỏng nhất là phải nhanh chóng giải quyết 2 cản ngại lớn: phát triển cơ sở hạ tầng vật chất (các khu công nghiệp, đường sá, cầu, cảng biển) và nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư để giải ngân, hấp thụ các nguồn vốn trên. Nguồn kiều hối cũng tăng hơn năm trước (hơn 5 tỷ USD).

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã vậy, nguồn vốn đầu tư trong nước (đầu tư của xã hội) cũng tăng đáng kể. 54.000 doanh nghiệp mới được thành lập với tổng vốn gần 22 tỷ USD. Kinh tế phát triển, đời sống dân cư được cải thiện. GDP bình quân đầu người đạt 732 USD, loại trừ yếu tố trượt giá, thu nhập của người dân bình quân tăng 6%.

Bức tranh kinh tế năm 2007 nhiều mảng sáng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít điểm xám làm bức tranh kinh tế chung chưa thật tươi sáng. Đó là tình trạng giá tiêu dùng (CPI) tăng đột biến lên đến 2 con số (12,63%). Đó là tình trạng nhập siêu cao (12,4 tỷ USD, tăng 33,1%). Đó là tình trạng kinh tế tăng trưởng cao nhưng chất lượng cuộc sống chưa được nâng lên tương ứng và đời sống của một bộ phận không nhỏ dân cư chẳng những chưa được cải thiện mà còn bị sụt giảm.

Lạm phát năm 2007 cao hơn tốc độ tăng trưởng là một loại thuế vô hình đối với mọi người dân mà nặng nề nhất là đối với nông dân (nông nghiệp chỉ tăng trưởng 3%); đối với người làm công ăn lương (tốc độ tăng lương không theo kịp tốc độ tăng giá); đối với người nghèo thành thị và đặc biệt là đối với gia đình chính sách.

Vậy ai được lợi nhất từ sự tăng trưởng kinh tế cao năm 2007? Năm 2007 là năm đem lại siêu lợi nhuận cho các công ty kinh doanh bất động sản, công ty chứng khoán và các tập đoàn kinh tế Nhà nước. 85% các nguồn vốn đầu tư trong ngoài nước đổ vào thị trường địa ốc, thị trường chứng khoán là một minh chứng. Chính những người đầu tư trong 2 lĩnh vực trên đã hưởng lợi nhiều nhất từ sự tăng trưởng kinh tế cao năm 2007.

Sự phân hóa xã hội theo 2 cực giàu nghèo đang diễn ra ngày càng sâu sắc hơn. Cơ chế thị trường mà chúng ta xác định là cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên qua vận hành đã bộc lộ sự bất cập cần phải uốn nắn để không lệch mục tiêu tốt đẹp: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây