Đầu tư phong trào : Rủi ro "ôm bom" nổ chậm
- Thứ tư - 07/11/2007 10:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bắc thang lên hỏi... "ông giời"
Ảnh hưởng của cơn sốt CP "hiếm" bên sàn TPHCM đầu năm 2007, tận dụng thời điểm thị trường bắt đầu tăng trưởng trở lại, ngay lập tức hình thành làn sóng đầu tư trên sàn Hà Nội, chủ yếu tập trung vào nhóm CP có vốn điều lệ nhỏ và khối lượng đang lưu hành thấp như các CP "họ" Sông Đà, SCJ, MEC, STP, YSC, SAP, DAC, HLY... cộng thêm biên độ dao động giá 10% mỗi phiên, thu hút NĐT chen chân đặt lệnh mua, kéo giá CP trần nhiều phiên liên tiếp.
Xu hướng chuyển sang đầu tư bên sàn Hà Nội khiến cho sàn TP.Hồ Chí Minh kém sôi động hơn hẳn, nhưng chủ yếu ở những CP đã từng tăng hết lực trong các giai đoạn trước, đặc biệt là các blue-chips (BCs). Nhóm BCs mới trở thành tâm điểm thị trường khi lên sàn ngay sau một giai đoạn điều chỉnh dài.
Và một lần nữa, thị trường lại chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của nhóm CP giá thấp như VIS, LAF, TTC, DPC... với mức tăng giá từ 50-150%, cao hơn mức trung bình của thị trường rất nhiều; tất nhiên, ngay cả khi kết quả kinh doanh quý III không có gì nổi trội. Cuộc chiến hầu như chỉ diễn ra giữa các NĐT trong nước, ít khi thấy bóng dáng của các NĐTNN.
Giống như đi chợ thời chỉ số giá cả tiêu dùng tăng cao, câu chuyện về các CP liên tục tăng kịch trần trong tháng 10 không còn là câu chuyện mới mẻ. Đặt một phép tính về tăng trưởng giá của các DN niêm yết có đến hơn chục DN giá tăng tới gần 2 lần trong vòng 1 tháng. Giải trình về sự tăng giá "không thể hiểu nổi" của các DN, vẫn một lời giải chung chung cho tất cả mã CP là do kết quả kinh doanh quý III tốt, các dự án ký kết bắt đầu đi vào hoạt động... hầu như không thoả mãn với NĐT.
Thống kê tăng trưởng giá cao nhất từ 1.10 - 1.11 |
|||||
HoSE | HaSTC | ||||
CP | % tăng giá | P/E | CP | % tăng giá | P/E |
VIS | 171.51 | 84.17 | S55 | 161.45 | 31.82 |
TSC | 120.83 | 17.09 | SD3 | 150.56 | 83.36 |
LAF | 80.42 | 27.41 | ÝC | 148.11 | 29.9 |
TCM | 78.70 | 20.1 | SD6 | 145.35 | 26.78 |
BTC | 46.25 | MEC | 143.73 | 25.14 | |
UNI | 46.23 | 40.05 | ILC | 133.83 | 16.33 |
IPM | 37.35 | 39.86 | STP | 133.50 | 17.85 |
HTV | 34.75 | 26.59 | HLY | 131.65 | 25.13 |
SFI | 33.33 | 43.26 | SDA | 121.76 | 22.53 |
DPC | 32.86 | 28.70 | SD5 | 119.72 | 23.09 |
Đằng sau sự tăng giá
Với khối lượng CP lưu hành nhỏ, kết quả kinh doanh được xếp vào loại xoàng xoàng, không có gì ấn tượng thì cuộc chơi gần như thuộc về những NĐT "lướt sóng", mua bán ngắn hạn, "thổi" giá CP bằng cách lôi kéo các NĐT ít kinh nghiệm và kiến thức khác, chứ hầu như không có lực đỡ từ tiềm năng thực sự của DN. Như vậy, vô hình trung, NĐT đang đua nhau tạo một mặt bằng giá mới trên thị trường niêm yết, đặc biệt cho nhóm CP nhỏ và tạo tiền lệ cho những CP mới chào sàn. Phải chăng đó cũng là nguyên nhân mà thị trường OTC nhanh chóng "sốt" - nhất là với những CP chuẩn bị niêm yết?
Hiển nhiên có những CP nếu xét về kết quả kinh doanh cũng được xếp vào một trong số những DN niêm yết có triển vọng và sự tăng giá của các CP này hoàn toàn có căn cứ. Nhưng có không ít mã CP mà DN làm ăn không tốt, hoặc các chỉ tiêu tăng trưởng chỉ đạt mức bình thường so với các DN cùng ngành hoặc có cùng quy mô. Vì thế, nếu không tỉnh táo, NĐT đang tự gây rủi ro cho chính mình, vì thị trường luôn vận động theo hướng điều chỉnh giá cả hàng hoá về giá trị thực của mình.
Một điểm khá chung đối với nhóm CP tăng giá chóng mặt vừa qua là quy mô niêm yết không lớn. Điều đó đồng nghĩa với tính đại chúng không cao hoặc khối lượng CP sẵn sàng đưa vào lưu thông thấp. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động làm giá có chủ đích lẫn làm giá tự nhiên.
Với sức mua lớn mang nặng tính phong trào, hầu hết các mã đều xuất hiện tương quan cung-cầu rất chênh lệch, tạo ra một chỉ báo về mối quan tâm của NĐT đối với CP. Chỉ báo này càng hấp dẫn những NĐT khác tham gia và cơn sóng ngày một cao. Nhiều NĐT chuyên nghiệp cũng nhận thấy sự vô lý và bất thường trong con sóng này, nhưng với kinh nghiệm dày dạn, họ có thể rút ra đúng lúc để nhường trận địa cho NĐT khác đang say máu.
Khi "quả bóng" thanh khoản nổ, những NĐT nhảy vào sau không kịp rút chạy khi tương quan cung-cầu đảo ngược và nguồn tiền chuyên nghiệp đã rút ra, không còn một sức mua hậu thuẫn nữa. Vòng xoáy "ôm bom" - "đẩy bom" không khép kín, mà đối tượng cuối cùng luôn là những NĐT thiếu kinh nghiệm, nhưng thừa hiếu chiến.
Top DN có tăng trưởng kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2007 (HoSE) |
||||||
Đơn vị: Triệu đồng |
||||||
CP | Năm 2006 | 9 tháng năm 2007 | %DT | %LN | ||
DT | LN | DT | LN | |||
HAP | 115,920 | 16,906 | 91,767 | 44,281 | 79% | 262% |
HAX | 232,531 | 1,984 | 318,272 | 6,468 | 137% | 326% |
HBC | 205,615 | 9,044 | 322,436 | 25,569 | 157% | 283% |
MHC | 223,882 | 15,704 | 178,935 | 33,349 | 80% | 212% |
PET | 739,839 | 5,943 | 1,494,252 | 36,035 | 202% | 606% |
PVD | 1,490,134 | 124,522 | 1,841,021 | 401,629 | 124% | 323% |
SC5 | 479,614 | 12,331 | 505,097 | 45,804 | 105% | 371% |
TCM | 1,033,001 | 25,357 | 785,863 | 73,009 | 76% | 288% |
TSC | 1,196,539 | 13,610 | 901,799 | 37,512 | 75% | 276% |
SSI | 399,941 | 242,030 | 838,461 | 668,544 | 210% | 276% |
UNI | 40,067 | 2,403 | 199,166 | 6,832 | 497% | 284% |