Điểm yếu “chết người”
- Thứ sáu - 18/04/2008 09:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vì không dự báo được giá xăng dầu thế giới tăng mạnh như hiện nay nên việc áp dụng các chính điều hành xăng dầu vào thực tế đã không diễn ra đúng như dự kiến. Câu chuyện hậu tăng giá xăng giờ thì tất cả người dân, DN, Nhà nước đều đã nếm trải: giá cả thị trường tăng cao, xe buýt đòi nghỉ chạy, giá nhiều vật liệu xây dựng tăng gấp đôi khiến các chủ thầu xây dựng tiến thoái lưỡng nan…
Tiếp sau cơn lốc giá là cơn lốc siêu lãi suất và sự giảm giá của đồng USD. Người gửi tiền hân hoan, còn DN thì "méo mặt" vì lãi suất cao (nhưng chưa chắc đã vay được). Và đồng USD suy yếu mạnh có thể nói là gây bất ngờ đối với hầu hết DN xuất khẩu. Chuyện "khóc cười" của các DN khi USD mất giá cho thấy sự chủ quan và thờ ơ của DN khi chủ yếu sử dụng đồng USD trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều thay đổi.
Báo cáo ĐHCĐ vừa qua, Công ty Vinamilk cho biết, doanh thu năm 2007 giảm 10,1% so với kế hoạch, nguyên nhân là do doanh số xuất khẩu sụt giảm, bởi giá nguyên liệu thế giới tăng mạnh. Nhưng do Công ty chủ động cắt giảm sản lượng xuất khẩu, tập trung nguyên liệu sản xuất các mặt hàng nội địa có tỷ suất lợi nhuận cao nên nhờ đó tỷ suất lợi nhuận gộp đã tăng từ 25,1% trong năm 2006 lên 27,3% trong năm 2007. Quan trọng hơn, Vinamilk tự tin đối phó với cơn bão giá nguyên liệu vì đã có dự trữ. Nhưng Vinamilk chỉ là một trong số ít DN thức thời nhờ những dự báo tình hình chính xác.
Như lời ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần phải có bộ phận nghiên cứu và đưa ra những dự báo chính xác về tình hình kinh tế trong và ngoài nước. Nếu chúng ta không đủ nhân lực có kinh nghiệm và trình độ trong việc này thì cần phải nhờ hoặc đi thuê các tổ chức có kinh nghiệm và uy tín của thế giới. Nếu không dự báo được tình hình thì khi rủi ro xảy ra, thiệt hại có thể lớn hơn rất nhiều so với suy nghĩ.