BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Điều chỉnh giá vật liệu xây dựng: Gỡ khó cho nhà thầu

Bộ Xây dựng vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giá tất cả các loại vật liệu xây dựng có biến động giá trong thời gian qua trong hợp đồng xây dựng. Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Khánh - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tài chính Bộ Xây dựng xoay quanh vấn đề này.

Ông Khánh cho biết, thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 164/TTg - CN ngày 29/1/2008, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 05/2008/ TT - BXD ngày 22/2/2008 hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng. Thông tư được ban hành đã có tác động tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các gói thầu, dự án đầu tư do biến động giá xây dựng trong thời gian qua. Tuy nhiên trên thực tế, trong quá trình thực hiện việc điều chỉnh giá vật liệu xây dựng vẫn còn một số khó khăn vướng mắc.

- Vậy cụ thể sẽ điều chỉnh như thế nào, thưa ông?

Có 8 vấn đề được Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng bao gồm: Điều chỉnh giá tất cả các loại vật liệu xây dựng; Cho phép tính đầy đủ các khoản chi phí cần thiết trong dự toán chi phí xây dựng công trình như các khoản lãi vay, quản lý của DN,...; Thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh dự toán, giá gói thầu,... giao cho bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh, chủ tịch tập đoàn kinh tế,... ; Cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án thực hiện theo Nghị định số 99/2007/NĐ - CP khi điều chỉnh giá hợp đồng do giá vật liệu xây dựng biến động trong thời gian qua ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu đã thoả thuận trong hợp đồng; Đối với các gói thầu, công trình do nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu, việc điều chỉnh giá vật liệu xây dựng đối với các công việc do nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện do chủ đầu tư xem xét quyết định trên cơ sở đề nghị của nhà thầu nước ngoài;... Đối với các hợp đồng đã thanh toán xong trong năm 2007 thì không được điều chỉnh giá vật liệu xây dựng.

- Nhưng thưa ông, mới đây các DN sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng... đã cam kết không tăng giá các mặt hàng này. Vậy việc kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh giá các loại vật liệu xây dựng có cần thiết?

Về các loại vật liệu xây dựng được điều chỉnh giá, tại Văn bản số 164 cho phép điều chỉnh giá đối với nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng chủ yếu do Nhà nước kiểm soát bị tăng giá ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu đã thoả thuận trong hợp đồng. Đồng thời cho phép điều chỉnh hình thức giá hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng theo đơn giá cố định thành hình thức hợp đồng theo giá điều chỉnh. Mặt khác, việc áp dụng hình thức giá hợp đồng theo giá điều chỉnh là điều chỉnh giá của tất cả các loại vật liệu khi có biến động giá trong quá trình thanh toán giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Vì vậy, khi điều chỉnh giá vật liệu xây dựng thì phải điều chỉnh giá của tất cả các loại vật liệu có biến động giá trong hợp đồng. Chính vì vậy, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giá tất cả các loại vật liệu xây dựng có biến động giá trong thời gian qua.

- Hiện nay có một số dự án nhà thầu đã ký kết nhưng do mức độ trượt giá lớn, các nhà thầu đã tạm dừng lại không thi công, với trường hợp này sẽ được hướng dẫn như thế nào, thưa ông?

Trong Thông tư 05 của Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn. Tức là, đối với một số dự án đã có kết quả lựa chọn nhà thầu nhưng chưa ký kết hợp đồng, nhà thầu lỗ không thi công... sẽ điều chỉnh trên nguyên tắc như các hợp đồng đã ký, tức là tính vào dự toán chi phí bổ sung cộng vào với giá thầu gốc, trên cơ sở đó hai bên sẽ đàm phán hợp đồng. Mức điều chỉnh thực hiện trên nguyên tắc giá thời điểm thanh toán trừ đi giá hợp đồng. Chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Do vậy, trong tình hình hiện nay, các chủ đầu tư và nhà thầu phải chủ động đưa ra các giải pháp liên quan đến vật liệu, nhân lực và nguồn thiết bị máy móc để bảo đảm nguồn cung phục vụ cho dự án của mình.

- Xin cảm ơn ông.

Hoàng Oanh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây