BMSC

http://www.bmsc.com.vn


EU sẽ giám sát việc trung chuyển khí đốt qua Ukraine

Liên minh châu Âu (EU) hôm 7/1 cho biết Nga và Ukraine đã nhất trí để cho EU độc lập giám sát việc trung chuyển khí tự nhiên qua Ukraine
Một trạm nén khí ở Đức (Reuters)

Liên minh châu Âu (EU) hôm 7/1 cho biết Nga và Ukraine đã nhất trí để cho EU độc lập giám sát việc trung chuyển khí tự nhiên qua Ukraine - một cam kết sẽ giúp phục hồi dòng khí đốt tới châu Âu mà Nga đã tạm ngừng cung cấp.

Sau các cuộc điện đàm với Thủ tướng Nga Putin và Thủ tướng Yulia Tymoshenko của Ukraine, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Barroso nói rằng cả hai lãnh đạo đã nhất trí về nguyên tắc cho phép các giám sát viên quốc tế tới giám sát việc vận chuyển khí đốt. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo hai nước, đặc biệt là Ukraine, rằng không giúp khôi phục việc cung cấp khí đốt sẽ mang lại hậu quả đối với quan hệ của họ với EU.

Sau khi đứng ngoài cuộc tranh chấp khí đốt giữa Nga và Ukraine trong nhiều ngày qua, EU đã buộc phải hành động hôm 7/1 khi nguồn khí đốt Nga cung cấp cho nhiều quốc gia thành viên - Slovakia, CH Séc, Áo, Hungary, và Romamia -bị cắt đứt trong tình trạng châu Âu đang trải qua thời kỳ lạnh giá.

Nga và Ukraine đã đổ lỗi cho nhau về việc ngừng cung cấp khí đốt cho châu Â. Oleh Dubyna, Giám đốc điều hành Naftogaz, công ty năng lượng quốc gia Ukraine, nói rằng công ty Gazprom của Nga đã ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt vào sáng 7/1. Tuy nhiên, ông Miller, Giám đốc điều hành Gazprom lại cáo buộc rằng chính Ukraine đã khóa đường ống cung cấp cho châu Âu trước tiên. Hành động của Ukraine đã buộc Nga ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt.

Nga xuất khẩu 420-450 triệu m3 khí sang châu Âu mỗi ngày và 300 triệu m3 khí trong số này được trung chuyển qua Ukraine. Theo Tổng thống Nga Medvedev, Nga hiện đang chuyển khoảng 170 triệu m3 khí bằng cách tăng cường bơm qua các đường ống chạy qua Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc khủng hoảng cung cấp khí đốt nói trên đặt ra một thử thách lớn đối với EU và đối với CH Séc, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU từ ngày 1/1. Các quốc gia châu Âu đã cố gằng tìm tiếng nói chung trong các thỏa thuận với Nga song cho tới nay họ đạt được ít thành công trong việc xây dựng một chính sách năng lượng thống nhất toàn châu Âu.

*
Minh Sơn (theo IHT)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây