BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Giá cổ phần Vietcombank: "Nội" đã được quyền quyết định

Thị trường chứng khoán đã khởi sắc trở lại sau khi Chính phủ thay đổi qui trình chọn lựa đối tác chiến lược của Vietcombank.

Giờ đây, chính nhà đầu tư trong nước sẽ quyết định giá cổ phần của Vietcombank chứ không phải những tổ chức tài chính quốc tế.

Theo yêu cầu của Chính phủ, Vietcombank sẽ thực hiện chào bán cổ phần lần đầu (IPO) ra công chúng trong năm 2007. Dự kiến IPO sẽ được tổ chức trong tháng mười hai.

Yêu cầu cao hơn cho đối tác chiến lược

Giá chứng khoán xanh lại rồi

Trái với phiên trước, trong phiên giao dịch ngày 14-11, nhà đầu tư ở cả hai sàn đã tranh nhau mua chứng khoán (CK) với giá trần. Tại sàn CK TP.HCM, trong 126 CK niêm yết có 115 mã tăng giá, chỉ có bảy mã giảm giá. Khối lượng đặt mua của nhà đầu tư lên tới gần 31 triệu CK, tăng 76,54% so với phiên trước, cao nhất từ trước đến nay. Ngược lại, khối lượng đặt bán giảm đến 37,6%. VN-Index phiên này tăng đến 20,16 điểm (2,07%), đạt 993,75 điểm. Tại sàn CK Hà Nội, HASTC-Index cũng tăng trần 10,07%, với 32 điểm tăng thêm, đạt 349,65 điểm.

 H.Đăng

Ông Nguyễn Kim Tùng, giám đốc điều hành Tập đoàn đầu tư Indochina Capital, cho rằng việc Chính phủ thay đổi cách lựa chọn nhà đầu tư (NĐT) chiến lược của Vietcombank là hợp lẽ. "Bán cho đối tác chiến lược với giá cao hơn hoặc bằng giá đấu thành công bình quân là sự chọn lựa tốt nhất cho Vietcombank" - ông Tùng nhận xét. Lãnh đạo một số công ty chứng khoán cũng ủng hộ cách làm này, cho rằng nó sẽ giúp giảm thiểu rủi ro việc Vietcombank bán rẻ tài sản cho nước ngoài.

Tuy nhiên, các quĩ đầu tư khác lại tỏ ra thận trọng với sự thay đổi này. "Chính phủ chỉ cho phép Vietcombank bán đấu giá ra bên ngoài 6,5% vốn điều lệ. Hàng chục, hàng trăm ngàn NĐT tranh nhau mua chút cổ phần này sẽ đẩy giá lên cao. Mà giá lên cao quá thì những đối tác chiến lược có khả năng hỗ trợ tốt nhất cho Vietcombank có thể sẽ bỏ cuộc" - lãnh đạo một quĩ đầu tư nước ngoài nói.

Đây cũng là lo lắng của nhiều NĐT đối với tương lai Vietcombank khi một lần nữa, ưu tiên về giá lại được đặt lên hàng đầu khi chọn đối tác để bán cổ phần.

Các quĩ đầu tư cho biết ngay sau khi lộ trình IPO của Vietcombank được Chính phủ xác định chắc chắn, họ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng tiền mặt để tham gia cuộc đấu giá được xem là lớn nhất từ trước đến nay.

Ở thời điểm này, các quĩ đầu tư cũng đã bắt đầu chuẩn bị thông tin tài liệu về Vietcombank để nghiên cứu trước khi đưa ra mức giá trong cuộc đấu giá. "Theo thông tin chúng tôi có được, mức giá khởi điểm của Vietcombank sẽ là 80.000 đồng/cổ phần. Đây cũng là mức giá hợp lý theo tính toán của chúng tôi" - lãnh đạo quĩ đầu tư tiết lộ.

Kinh nghiệm từ Bảo Việt

Giới đầu tư cho rằng sự thay đổi này cho thấy Chính phủ vẫn còn lúng túng với việc cổ phần hóa Vietcombank. Còn nhớ ngày 26-9, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Vietcombank, trong đó qui định việc lựa chọn NĐT chiến lược (trong và ngoài nước) được thực hiện trước khi bán đấu giá cổ phần lần đầu. Đây là qui trình hoàn toàn ngược lại với cách thức cổ phần hóa của Tổng công ty Bảo hiểm VN - Bảo Việt (IPO trước, chọn đối tác chiến lược sau).

Sau khi giá đấu thành công bình quân (73.910 đồng/cổ phần) được xác định, Bảo Việt mới tiến hành đàm phán với các tổ chức đã đăng ký làm cổ đông chiến lược của mình. Tuy nhiên, đã có một số tổ chức rút lui, trong đó có một số ý kiến cho rằng nguyên do chính là vì không chấp nhận mức giá này. Chính vì thế, ban đầu Bảo Việt định chọn hai tổ chức nước ngoài vào danh sách cuối cùng để bán 18% vốn cổ phần, trong đó bán cho một đối tác 10% và đối tác kia 8%.

Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có Công ty bảo hiểm HSBC châu Á - Thái Bình Dương mua 10%. Việc chọn lựa đối tác chiến lược trong nước cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trước khi IPO diễn ra, đã có ba đơn vị trong nước cam kết mua cổ phần của Bảo Việt theo giá đấu bình quân để trở thành cổ đông chiến lược trong nước là VNPT, Vinashin và Công ty Dịch vụ hàng không. Thế nhưng, sau khi giá đấu hình thành, chỉ còn Vinashin là người mua duy nhất, mà cũng chỉ mua 3,56% vốn cổ phần (chiếm chưa đầy một nửa số cổ phần để dành riêng bán cho cổ đông chiến lược trong nước).

Như vậy, với việc áp dụng qui trình chọn lựa đối tác chiến lược của Bảo Việt cho Vietcombank, Chính phủ cũng đã lường trước khả năng một số tổ chức sẽ bỏ cuộc, tức số cổ phần để dành cho những đối tác này sẽ không được tiêu thụ hết. Điều này có nghĩa kịch bản của Bảo Việt sẽ được lặp lại khi "đại gia" này điều chỉnh giảm qui mô vốn điều lệ, tỉ lệ cổ phần Nhà nước còn nắm giữ tăng lên.  

Có thể nhà đầu tư ngoại sẽ tranh mua

Hiện nay, câu hỏi lớn nhất mà giới đầu tư đặt ra là nhà đầu tư nước ngoài sẽ được mua bao nhiêu trong tổng số 97,5 triệu cổ phần Vietcombank bán đấu giá ra bên ngoài (tương đương 975 tỉ đồng mệnh giá).

Giới đầu tư cho rằng tỉ lệ mua của nhà đầu tư trong nước chiếm phần lớn, điều này có nghĩa giá của Vietcombank sẽ do chính các nhà đầu tư "nội" quyết định. Tuy nhiên, thị trường cũng không loại trừ khả năng việc các nhà đầu tư nước ngoài vì tranh mua sẽ bỏ giá rất cao, đẩy giá đấu thành công bình quân tăng mạnh.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây