Giải quyết ‘khủng hoảng’
- Thứ ba - 31/03/2009 00:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mấy tháng trước, hầu hết cư dân mạng đều gửi cho nhau đoạn phim pha ném giày ngoạn mục của anh chàng phóng viên Iraq vào ông G.Bush, khi đó còn là Tổng thống Mỹ. Khá nhiều người đồng tình với nhận xét, Tổng thống Bush có phản ứng tránh đòn của một võ sỹ quyền anh. Đang thao thao bất tuyệt, nhưng ông Bush cũng kịp nghiêng người né tránh chiếc giày được ném rất mạnh trong cự li vài mét. Bất ngờ, nhưng ông Bush tự chủ rất nhanh. Thoáng chút đỏ mặt, ông Bush nói: "Tôi không hiểu lý do dẫn đến hành vi của anh ta. Tôi chẳng cảm thấy chút gì bị đe dọa cả".
Cuộc họp báo tiếp tục và ông Bush kết thúc bài nói chuyện của mình như không có gì xảy ra. Và sau đó, trước khi rời phòng họp, vị tổng thống không quên vừa cười, vừa nói với các phóng viên: "Lần sau, tôi nên đề phòng không chỉ những người giơ tay, mà cả những người cởi dây giày nữa". Về Mỹ, trao đổi với báo giới, Tổng thống Bush còn dí dỏm nói rằng: "Tôi không hề bận tâm tới việc này. Nếu quý vị muốn biết cỡ giày anh ta số mấy, tôi sẽ trả lời đó là số 10".
Đó là chuyện giải quyết "khủng hoảng" của nguyên thủ quốc gia ở nước ngoài. Còn năm nay, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cũng gặp nhiều tình huống bất ngờ. Đó là chuyện ĐHCĐ của nhiều công ty thua lỗ có khá ít cổ đông tham dự. Theo lẽ thông thường, đa số cổ đông đều không mặn mà đi họp ĐHCĐ vì biết chẳng nhận được cổ tức, trong khi thông tin chi tiết kế hoạch sản xuất - kinh doanh đã được mổ xẻ đầy mặt báo. Cá biệt đã có ĐHCĐ không tổ chức được. Sau lần thất bại thứ nhất, HĐQT công ty phải kêu gọi cổ đông có trách nhiệm hơn với công ty. Nếu không có thời gian dự họp thì nên ủy quyền cho người khác. Cẩn thận hơn, trong thông báo thời gian tổ chức đại hội lần 2, HĐQT giả định luôn cả tình huống: nếu đại hội lần 2 cũng không đủ điều kiện tiến hành thì đại hội lần 3 sẽ được tổ chức vào giờ x, ngày y và lần này không ràng buộc bởi số người tham dự!
Trái lại, đã có ĐHCĐ được tổ chức rất lạ lùng. Đó là ĐHCĐ của CTCP Cơ điện lạnh (REE) vào cuối tuần qua. Tổ chức cùng ngày với khá nhiều công ty niêm yết, nhưng khi các đại hội khác đã vào nội dung biểu quyết thì ĐHCĐ của REE mới bắt đầu làm nghi thức khai mạc. Sự việc khá hy hữu. Nhiều cổ đông REE đã thở dài ngao ngán khi sau hơn 1 giờ chờ đợi, Ban thư ký công bố ĐHCĐ REE không thể tiến hành do số cổ đông tham dự không đủ tỷ lệ 65% cổ phần. Không ai có thể vui vì phải đợi chờ và vượt qua quãng đường dài trong trời nắng gắt. Nhưng khá tự chủ, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc REE đề nghị cổ đông ngồi lại và có thể biến ĐHCĐ REE thành hội nghị nhà đầu tư. Cổ đông đã bớt thời gian tới dự ĐHCĐ thì không nên ra về tay trắng. Ngồi lại để Ban giám đốc trao đổi sâu hơn về tình hình Công ty và cổ đông có thể đặt câu hỏi chất vấn bất kỳ nội dung nào. Ngay sau đó, tâm trạng các cổ đông khá vui vẻ, không một ai rời khỏi phòng họp. Những cổ đông tới muộn thậm chí còn nhầm tưởng ĐHCĐ REE đang tiến hành bình thường. Khi vị lãnh đạo REE đang say sưa thuyết trình với cổ đông về các dự án, kế hoạch của REE trong năm tới, những vấn đề nóng bỏng như mảng đầu tư tài chính, dự án điện… thì bất ngờ, Ban thư ký thông báo số cổ phần đã đủ điều kiện tổ chức ĐHCĐ. Phút chốc, tình hình đã thay đổi 180 độ, REE lại tiến hành tổ chức đại hội. Chỉ diễn ra hơn 2 giờ đồng hồ, khá ngắn, nhưng đại hội đã khiến hầu hết cổ đông ra về trong sự hài lòng và vui vẻ. Sự việc thay đổi nhanh chóng đã đẩy một số báo mạng vào thế việt vị khi sớm loan tin "ĐHCĐ thường niên của REE thất bại"!
Kết luận: Các tình huống bất ngờ luôn luôn có thể xảy ra. Nhưng phẩm chất thực sự của các vị lãnh đạo sẽ thể hiện qua cách giải quyết tình huống. Sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp trong giai đoạn thử thách hiện nay phụ thuộc khá lớn vào phẩm chất của người thuyền trưởng đang cầm lái, đưa doanh nghiệp vượt qua giông bão! |