BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Giao dịch CP lô lẻ: Quyền lợi NĐT bị "bỏ ngỏ"

Đối với các NĐT, được nhận thêm CP thông qua việc chia, thưởng, trả cổ tức bằng CP và phát hành thêm CP của các Cty niêm yết là một lợi ích quan trọng khi sở hữu một loại CP.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích này, số CP được nhận thêm có thể khiến NĐT gặp khó khăn bởi những vướng mắc trong việc giao dịch các CP lô lẻ.

"Treo" tiền vì CP lô lẻ
Anh Phạm Thanh Hải - một NĐT gắn bó với sàn HN từ hơn 1 năm nay đã mua 200 CP của NH TMCP Á Châu (ACB) vào giữa tháng 3. Khi ACB tiến hành chia cổ tức bằng CP với tỉ lệ là 30% (mỗi cổ đông đang sở hữu 10 CP sẽ nhận được 3 CP phát hành thêm), anh được nhận 60 CP. Đến giai đoạn thị trường điều chỉnh, anh quyết định bán hết CP ACB để cơ cấu lại danh mục đầu tư, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.

Thế nhưng, khối lượng giao dịch CP trên TTGDCKHN quy định mỗi lô là 100 CP. Vì vậy, bất đắc dĩ anh phải để lại 60 CP lẻ trong tài khoản của mình. Khi thị trường sôi động trở lại, giá CP ACB đã tăng đến trên 165.000đ/CP, tức là trong tài khoản của anh Hải có số CP trị giá 10 triệu đồng bị "treo", không có cách nào rút ra được. Nhiều NĐT cũng rơi vào tình trạng bị "treo" tiền, bởi những CP lô lẻ.

Theo anh Nguyễn Nhật Quang - NĐT trên sàn BSC, các NĐT cá nhân vốn không nhiều và thường chỉ có thể mua với số lượng vài trăm CP cho mỗi mã CK. Khi được chia, tách hay trả cổ tức bằng CP, lợi ích lớn nhất của các NĐT chính là số CP được chia thêm. Nhưng "CP chia thêm thường bị lẻ nên rất khó bán do không đủ lô (100 CP), giá CP đó thì lại bị điều chỉnh giảm (do phát hành thêm CP) làm cho các NĐT thiệt đủ đường".

Thậm chí có một số mã CP có tỉ lệ chia rất "oái oăm" như CP SD5 của CTCP Sông Đà 5 có tỉ lệ chia khi phát hành thêm CP là 1:1,77, được làm tròn đến hàng đơn vị. Như vậy, NĐT phải sở hữu ít nhất 10.000CP SD5 trước ngày chốt danh sách cổ đông, thì số CP sau khi được chia của họ mới "chẵn". Với các NĐT cá nhân, để sở hữu 10.000 CP ở mức giá như hiện tại thì không dễ.

NĐT mất quyền lợi
Việc giao dịch các CP lô lẻ là một nhu cầu rất chính đáng của các NĐT và việc mua lại số CP này phụ thuộc vào CTCK nơi NĐT mở tài khoản. Tuy nhiên, mỗi CTCK lại thực hiện mua lại CP lô lẻ này theo một cách khác nhau. Chẳng hạn như các NĐT tại CTCK Tân Việt có thể bán lại CP lô lẻ của mình cho Cty ngay khi có nhu cầu.

Theo anh Nguyễn Hồng Quang - Trưởng phòng Môi giới CTCK Tân Việt, khi chưa có hướng dẫn cụ thể, Cty vẫn dựa vào Thông tư 58 để mua lại nhằm đảm bảo quyền lợi cho NĐT. Trong khi đó, tại một số CTCK khác, tuỳ vào từng đợt thu mua CP lô lẻ của Cty mà NĐT mới có thể bán lại. Thời điểm này hoàn toàn phụ thuộc vào CTCK nên có thể xảy ra rủi ro là Cty sẽ không mua vào khi giá lên mà mua vào khi giá xuống thấp.

Cá biệt tại một số Cty, khi các NĐT hỏi về việc mua lại CP lô lẻ thì nhận được câu trả lời "chưa có kế hoạch cụ thể". Như vậy, việc xử lý, đưa những CP lô lẻ này vào giao dịch còn bị "bỏ ngỏ". Ngoài ra, NĐT còn phải chịu thêm thiệt hại bởi giá mua lại CP lẻ của CTCK thường thấp hơn khoảng 10% so với giá thị trường tại thời điểm mua lại.

Thực ra vấn đề này trước đây đã có hướng giải quyết bởi ngay từ năm 2004, Bộ Tài chính trong Thông tư số 58/TT-BTC (ngày 17.6.2004) đã hướng dẫn về thành viên và giao dịch CK. Tuy nhiên, sau khi Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1.1.2007, ngay cả khi có Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC ngày 24.4.2007 của Bộ Tài chính về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động CTCK cũng chưa đề cập đến vấn đề giao dịch CP lô lẻ, một vấn đề liên quan mật thiết đến quyền lợi của NĐT. Theo ý kiến của NĐT, điều này cũng có ảnh hưởng tới sự quan tâm của họ đến những đợt phát hành thêm CP của các Cty niêm yết.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây