BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Hàng không “bóp bụng” thời khủng hoảng

Chưa khi nào các doanh nghiệp hàng không lại phải chịu tác động mạnh mẽ của ngọn gió chướng kinh tế tài chính toàn cầu như lúc này. “Thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm nhân sự, thay đổi kế hoạch kinh doanh là những đối sách các hãng “buộc” phải thực hiện
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu là "cơ hội" để các hãng hàng không tự làm mới mình (Ảnh: Phúc Hưng)

Chưa khi nào các doanh nghiệp hàng không lại phải chịu tác động mạnh mẽ của ngọn gió chướng kinh tế tài chính toàn cầu như lúc này. “Thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm nhân sự, thay đổi kế hoạch kinh doanh là những đối sách các hãng “buộc” phải thực hiện.

Cắt giảm nhân sự, máy bay

Trao đổi với PV, lãnh đạo một hãng bay nội địa lắc đầu ngán ngẩm khi nhận định: Năm 2009, tình hình sẽ càng bi đát hơn với thị trường hàng không.

Bởi “Sau Tết, dự báo thị trường nội địa sẽ khó có khả năng tăng trưởng, thị trường quốc tế sẽ giảm mạnh. Nếu phải so sánh, tôi không ngần ngại cho rằng: thị trường tăng trưởng với giá xăng cao tốt hơn thị trường suy giảm với giá xăng thấp”.

Lý do được nêu ra, vào thời điểm tháng 7/2008 khi giá xăng lên tới “đỉnh”, nhiên liệu chiếm tới 60% giá thành mỗi chuyến bay còn thời điểm giá nhiên liệu xuống thấp như hiện nay, xăng chiếm khoảng 30% tổng chi phí. Tuy nhiên, nếu thị trường tiếp tục lún sâu vào suy giảm thì bất kỳ chuyến bay nào cũng có nguy cơ bị vắng khách. Và nếu bay rỗng hoàn toàn thì thất thu 100%.

Trên thực tế, quý 4/2008 hoàn toàn không có sự tăng trưởng nào được ghi nhận tại thị trường hàng không quốc nội. Thị trường quốc tế cũng có dấu hiệu giảm sút rõ rệt. Có thể nhìn thấy dễ dàng sự suy giảm thị trường quốc tế qua hệ số sử dụng phòng khách sạn, ở TPHCM, Gia Trang, Mũi Né, Đà Nẵng, Hà Nội những ngày này.

Không đồng tình với nhận định có phần bi quan của Hiệp hội Hàng không thế giới (IATA) rằng thị trường hàng không sẽ tiếp tục lao đao đến hết năm 2009, ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Jetstar Pacific cho rằng: “Khó khăn chỉ kéo dài đến hết quý 3/2009 và từ quý 4/2009 thị trường hàng không sẽ tăng trưởng trở lại. Hiện nay chúng tôi đang xây dựng kế hoạch kinh doanh trên cơ sở nhận định như thế”.

Trước nhận định như trên, Jetstar Pacific đã tiến hành cuộc “cắt giảm nhân sự” được giới quan sát nhìn nhận là khá mạnh tay. Theo kế hoạch từ đây đến tháng 6/2009, Jetstar Pacific cắt giảm 50% trong số 14 chuyên gia nước ngoài ở các vị trí điều hành, thay vào đó sẽ là cán bộ người Việt.

Song song với đó là kế hoạch tinh giản 10% biên chế lao động trong hãng, rà soát cơ chế tiền lương hiện hành và có điều chỉnh cho phù hợp trong tình hình kinh doanh khó khăn. Ngoài ra Jetstar Pacific cũng buộc phải “xem lại” kế hoạch tăng trưởng đội bay.

Ông Lương Hoài Nam cho biết: “Trước cuộc khủng hoảng, hãng bay này xây dựng kế hoạch đến hết năm 2009 sẽ khai thác 14 máy bay nhưng bối cảnh hiện nay thì kế hoạch đó không còn tính khả thi. Kế hoạch đến cuối tháng 12, Jetstar Pacific sẽ khai thác 6 máy bay và hết năm 2009 đưa đội bay lên 8 chiếc”.

“Thắt lưng buộc bụng”

Bên cạnh việc cắt giảm nhân sự, Jetstar Pacific cũng thực hiện triệt để kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” đến mức tối đa như giảm 3/4 xe ô tô 4 chỗ mà hãng này đang sử dụng tại tổng hành dinh ở TPHCM. Cùng với đó là đẩy mạnh tìm nhiều nguồn doanh thu khác.

Hiện 2/5 máy bay của hãng này đang thực hiện quảng cáo trong khoang. Và theo như lời khẳng định của ông Lương Hoài Nam, nếu như khách hàng có nhu cầu, trả đủ tiền, xét thấy hợp lý thì dù sơn cả chiếc máy bay của Jetstar Pacific, hãng bay cũng sẵn sàng.

Thời điểm này, Jetstar Pacific đã “tự phục vụ” tại Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và dự kiến năm 2009 sẽ thực hiện tại sân bay Nội Bài. Với quy mô hoạt động như hiện nay, hoạt động này giúp Jetstar Pacific tiết kiệm được 3 - 4 triệu USD/năm.

Trong cuộc trao đổi với PV vào cuối tháng 11/2008, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cũng khẳng định chính sách "thắt lưng buộc bụng" là một trong những điều kiện tiên quyết nhằm đối chọi với cuộc khủng hoảng. Một số “cải tiến” rút ngắn quãng đường thực hiện trên một số chặng bay đã giúp hãng hàng không này tiết kiệm được chi phí rất đáng kể.

“Nhờ đó, Vietnam Airlines đã tiết kiệm được vài trăm tỷ đồng từ điều hành sản xuất. Từ con số thua lỗ 83 tỷ đồng cuối tháng 6/2008, năm nay Vietnam Airlines sẽ không lỗ, thậm chí còn có lãi”, ông Minh cho biết.

Vietnam Airlines cũng điều hành linh hoạt, điều chuyển hợp lý chủng loại máy bay trên những chặng bay nội địa, quốc tế để thực hiện việc tiết giảm chi phí và nâng cao hệ số ghế lên 84%. Tỷ lệ chuyến bay đúng giờ đạt xấp xỉ 89% (so với 84% của năm 2007).

Một chuyên gia trong ngành hàng không cho rằng, khủng hoảng kinh là thử thách lớn nhưng cũng là cơ hội lớn đối với hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không, không chỉ ở Việt Nam.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây