Hậu đấu giá Vietcombank: Sức ép lớn về tiền mặt
- Thứ sáu - 28/12/2007 17:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Sau khi trúng đấu giá VCB, vấn đề lớn là tiền đâu để nộp - ảnh: D.Đ.Minh |
Trả lời câu hỏi: "Mức giá bình quân 107.860 đồng/cổ phiếu có tạo thuận lợi cho Vietcombank trong việc lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài?", ông Bình nói: "Mức giá này sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nhìn nhận lại về quyết định trở thành cổ đông của Vietcombank. Tuy nhiên, tôi không chắc chắn về việc họ có mua với mức giá này hay không". Ông Bình cũng cho biết thêm, việc nối lại đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất có thể. Riêng việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược trong nước thì Vietcombank sẽ xúc tiến ngay.
Ông Lâm Đạo Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán (CTCK) Phương Đông nói: "Với vị thế của Vietcombank và những tiềm năng chưa được thể hiện rõ trên bản cáo bạch, mức giá bình quân 107.860 đồng/cổ phiếu là mức giá tốt để đầu tư, đặc biệt là đối với các tổ chức". Tuy nhiên, ông Thảo cũng nhận xét: "Vấn đề đối với các nhà đầu tư cá nhân là họ có đủ tiền để đóng khi đến hạn nộp tiền hay không vì nguồn tiền hiện nay trên thị trường không dồi dào".
Kết quả đấu giá Vietcombank - Tổng khối lượng cổ phần được đấu giá: 97,5 triệu cổ phần. Trong đó, số cổ phần người nước ngoài được phép mua: 29,25 triệu cổ phần. |
Ông Lê Đình Ngọc, Giám đốc CTCK Thăng Long thì cho rằng: "Mức giá này thực ra nằm trong dự đoán của các chuyên gia cũng như nhiều nhà đầu tư trước khi kết quả được công bố. Vì thế, các ảnh hưởng của kết quả này thực chất đã được định hình từ trước (khi có kết quả đăng ký đấu giá). Sau khi có kết quả này rồi cũng khó có khả năng xảy ra điều chỉnh giá do sự so sánh với các cổ phiếu ngân hàng trên sàn". Ông Ngọc cũng đưa ra nhận định, vấn đề là các nhà đầu tư cá nhân đã trúng đấu giá rồi sẽ lấy tiền ở đâu để đóng và trong ngắn hạn, yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia về chứng khoán, tình hình giá cả cuối năm tăng rất cao đi kèm với việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ kiểm soát tiền tệ chặt hơn, nguồn tiền cung ứng cho thị trường chứng khoán sẽ không thể dồi dào. Bên cạnh đó, với khoảng 40 triệu cổ phần trúng đấu giá của các nhà đầu tư cá nhân, tổng số tiền mà các nhà đầu tư cá nhân cần phải nộp vào lên tới trên 4.000 tỉ đồng sẽ là một sức ép rất lớn về tiền mặt. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCK Sài Gòn cho biết, vào thời điểm hiện nay, do lượng phát hành của các tổ chức quá nhiều nên ngay cả việc mua cổ phiếu ưu đãi đối với nhiều nhà đầu tư cũng còn khó khăn. Vì thế, mức giá đấu thành công của Vietcombank là hấp dẫn nhưng cũng có không ít nhà đầu tư cá nhân sẽ không dễ dàng trong việc tìm nguồn tiền để nộp vào.
Ông Lê Đình Ngọc nhận định, khi nguồn tài trợ từ ngân hàng ngày càng bị thắt chặt thì tìm một nguồn tiền khác ở đâu sẽ là một dấu hỏi. Tuy nhiên, theo ông Ngọc, đây cũng là thời điểm để cơ cấu lại danh mục đầu tư. Ông Lâm Đạo Thảo bình luận thêm: "Đây cũng là thời điểm các nhà đầu tư nên nhìn nhận lại cách đầu tư của mình, đặc biệt với các nhà đầu tư đã sử dụng nhiều vốn vay ngân hàng. Qua giai đoạn này, số lượng các nhà đầu tư theo phong trào không cân nhắc tới tình hình tài chính thực tế của mình, không xem xét cẩn thận về tình hình công ty mình định mua cổ phiếu sẽ giảm đi".
Trong khi các chuyên gia vẫn tiếp tục dự đoán về các tác động của Vietcombank thì trên thị trường OTC (tại www.sanotc.com), nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu rao bán cổ phiếu Vietcombank (dù chưa nộp tiền), mức giá thấp nhất được rao bán là 103.500 đồng/cổ phiếu, còn thấp hơn cả mức đấu giá bình quân (107.860 đồng/cổ phiếu).