Hồn nhiên Nairobi
- Thứ năm - 14/11/2013 21:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trên con đường giao thương hàng hải từ tiểu lục địa Ấn Độ sang Đông Phi để kinh doanh gia vị, lụa, hương liệu..., những người Ấn Độ đã đặt chân đến Nairobi (thành phố lớn thứ hai của Kenya) từ đầu thế kỷ XX.

Theo dòng người đông đúc trên phố Biashara, tôi ghé qua một vài cửa hàng để chọn mua đồ lưu niệm trước khi quay về Việt Nam. Điều làm tôi khá ngạc nhiên là hầu hết các ông chủ đều là người Ấn Độ, trong khi nhân viên làm thuê là người bản địa với mái tóc xoăn tít và làn da đen thẫm.
Vừa giúp tôi lựa chọn mặt hàng lưu niệm, bác chủ hiệu Aeshan vừa chia sẻ về những người Ấn Độ đến đây lập nghiệp: "Ông nội tôi đến đây lập nghiệp vào năm 1908. Ngày xưa, ở Nairobi rất dễ kiếm tiền bởi người bản địa rất cần các hương liệu để trị một số bệnh. Việc mua bán chủ yếu thường theo hình thức trao đổi giữa hương liệu và các loại da hay sừng của thú quý. Tiếng lành đồn xa về vùng đất vẫn còn hoang dã nhưng có nhiều loại thú quý đã khiến rất nhiều người Ấn Độ kéo nhau đến đây lập nghiệp".
Người Ấn như gia đình bác Aeshan nhanh chóng tập trung ở các đường phố lớn ở Nairobi và phát huy ngành nghề truyền thống là mua bán. Được sự hậu thuẫn của Chính phủ Anh, nên chính sách dành cho người Ấn sống lưu vong gần như rất nhẹ tay.
Năm 1963, Kenya độc lập, không còn là thuộc địa của Vương quốc Anh, và có khoảng 80.000 người Ấn đang sinh sống tại đây, chiếm 0,7% dân số.
Dường như không kiểm soát được lượng người nhập cư trước đó, Chính phủ Kenya luôn nghĩ rằng người Ấn gần như chiếm toàn bộ đất nước bởi đâu đâu cũng thấy người Ấn.
Vì thế, Chính phủ Kenya ra chính sách "đặc biệt" cho người Ấn: Phải quay trở lại bản địa. Chỉ cần người Kenya chỉ tay vào một cửa hàng nào đó của người Ấn và nói rằng thích, ngay lập tức người chủ cửa hàng phải bàn giao lại cho người bản địa.
Ánh mắt của bác Aeshan làm tôi nhớ lại câu chuyện trong những ngày lưu lại thành phố Mombasa. Trong ánh nắng vàng và tiếng gió biển lao xao của một buổi chiều, ngồi trên bức tường thành vững chãi của pháo đài, bác Isaac, người gốc Ấn theo ông nội đến đây lập nghiệp, cũng đã kể cho tôi nghe câu chuyện đượm buồn như thế.
Đoàn người lũ lượt lên tàu để quay trở lại Ấn Độ, một số khác làm đơn xin cứu xét để được qua Anh, một số khác quyết tâm trụ lại tìm kiếm cơ hội mong manh nào đó.
Cộng đồng người Ấn bắt đầu tan rã tại Kenya. Để tránh tạo thành phe cánh, Chính phủ Kenya quyết định phân bổ những người Ấn trụ lại ở nhiều thành phố khác nhau và các gia đình này phải nộp cho Chính phủ một số tiền lớn nhất định để thực hiện công nghiệp hóa đất nước.
Nhưng công cuộc công nghiệp hóa đất nước đã không diễn ra như mong đợi, bởi bản chất của người bản địa mang một chút sự "phóng đãng và thật thà” của núi rừng châu Phi.
Vì vậy, Chính phủ bắt đầu nới lỏng tay hơn khi cho phép người Ấn quay lại thành phố để giao thương nhằm giúp cho người bản địa học hỏi thêm kinh nghiệm. Từ 80.000, đến nay chỉ còn khoảng 40.000 người Ấn sinh sống tại Kenya và tất cả đều thành công trên đất khách.
Cùng với khoảng 10.000 người mới nhập cư sau này và chủ yếu là đến giúp việc, người Ấn tạo thành những góc phố cho riêng mình ở các thành phố của Kenya...
![]() |
Sự định cư của người Ấn tại Kenya đã tạo thành một làn gió mới về văn hóa mà ít nhiều tôi có thể cảm nhận được trong những ngày ở đây là ẩm thực và phương tiện giao thông. Hầu hết thức ăn của người Kenya đều sử dụng cà ri trộn lẫn vào lương thực chính là khoai tây và cơm.
Nhìn những chiếc rishshaw chạy trên đường phố, bác Aeshan giới thiệu với tôi như là một phương tiện giao thông mới tại Kenya: "Những chiếc xe do người Ấn Độ mang qua khoảng 5 năm trở lại đây đang là sự lựa chọn tuyệt vời trong những trường hợp khẩn cấp với giá cả phải chăng. Việc di chuyển bằng rishshaw khá tiện lợi ở những thành phố có hệ thống giao thông đông đúc như thế này, bởi nó có thể lách đi một cách dễ dàng...".
Nairobi có hai mùa mưa, nắng trong năm. Nằm ở độ cao 1.795m so với mực nước biển, Nairobi lại mang thêm khí hậu cao nguyên với nhiệt độ buổi sáng và tối rất mát (18 - 20 độ C). Nhiệt độ buổi trưa lại lên nhanh cùng với độ ẩm không khí khá cao khiến cái nắng hanh vô cùng khó chịu.
Tố chất hoang dã và khỏe mạnh của châu Phi dường như có sẵn trong gene, nên những người bản địa cứ thong dong đi bộ trên mọi nẻo đường mà không cần đội nón hay che dù, mặc cho cái nắng có khi rát bỏng cả khuôn mặt những du khách như tôi.
Nairobi là thành phố thuộc dạng khá hiện đại với nhiều tòa nhà cao tầng và cũng là một trong những thành phố kinh tế lớn nhất của khu vực Đông Phi. Tuy nhiên, những năm gần đây do tình hình lạm phát tăng cao khiến giá cả hàng hóa cũng bị đẩy lên và rất nhiều người thất nghiệp.
Trên báo chí, Wolfgang Fengler, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Kenya, mô tả sự leo thang của giá thực phẩm giống như "một cuộc khủng hoảng thầm lặng" đang được hình thành.
Tôi không thể tưởng tượng khi phải mua những trái cà chua, dưa leo hay chuối với giá gần 0,4 USD/trái (35 shilling). Bị tôi phàn nàn về giá cả, các tiểu thương cũng trả lời bằng... phàn nàn: "Chúng tôi đang trải qua những năm tháng lạm phát thật tệ hại, đối phó với tình trạng này thật chật vật!".
Với những chuyến đi bụi khác, ở các quốc gia còn nghèo, tôi dễ dàng tìm được những khách sạn với giá từ 10 - 15 USD (thậm chí 5 - 8 USD), nhưng ở Kenya thì không thể. Giá khách sạn cho một đêm tối thiểu là 25 USD nhưng cũng chẳng có máy lạnh hay nước nóng.
Gần như khách sạn tôi bắt buộc phải chọn thường gần các bến xe liên tỉnh chỉ dành cho khách lai vãng qua đêm, những khách sạn khá hơn có trang bị máy lạnh thường biến động từ 100 - 120 USD/đêm.
Tỷ lệ lạm phát ở Kenya bắt đầu gia tăng từ 2005 - 2012. Đỉnh điểm của lạm phát vào tháng 5/2008 lên đến 31,5%. Tỷ lệ lạm phát bình quân từ 2005 - 2013 khoảng 11,72%. Theo Cục Thống kê Quốc gia Kenya, giá tăng lên gấp khoảng 2 - 3 lần so với năm 2005, đặc biệt vào năm 2010 và 2011.
Đơn cử, một bữa ăn trong quán ăn bình dân với một đĩa khoai tây, một miếng ức gà và một ly nước giải khát trước năm 2005 có giá 300 shilling, 700 shilling vào năm 2010 và hiện tại ở mức trung bình là 425 shilling.
![]() |
Lạm phát gia tăng khiến giá cả các mặt hàng tăng vù vù ở Kenya |
Lạm phát gia tăng kéo theo tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, từ 12,7% vào năm 2009 lên đến 40% vào cuối năm 2012. Trên đường phố Nairobi đầy rẫy những người ăn xin.
Một quốc gia 40 triệu dân, thiên nhiên hoang dã phong phú, có ngọn núi Kenya cao thứ hai ở châu Phi nhưng số người sống dưới mức nghèo khổ là 50%.
Ai đó đã nói: "Ở Kenya có hai bộ tộc, một bộ tộc cực giàu có 10 tỷ phú với sự hậu thuẫn của Tổng thống, bộ tộc kia là tất cả những người Kenya còn lại và rất nghèo".
Những đội cảnh sát liên tục dọn dẹp nạn ăn xin để trả lại mỹ quan cho đường phố, nhưng đâu lại vào đấy, người nghèo vẫn túa ra đường. Không chỉ có tình trạng thất nghiệp, nạn giựt dọc cũng gia tăng.
Thấy tôi là người mới đến Nairobi lần đầu, anh bán báo tốt bụng ở góc đường cảnh báo: "Hãy cẩn thận với túi xách trên đường phố và cả những chuyến xe buýt. Đừng bao giờ đi chơi quá khuya và đi vào những đoạn đường vắng vào ban đêm!".
Thực phẩm, giá cả trở nên đắt đỏ khiến hầu hết người dân đều phải thắt lưng buộc bụng. Khẩu phần đạm được cắt giảm trong các bữa ăn, thay vào đó chỉ là món cà ri nấu "chay" với các loại rau củ cùng các loại mỡ động vật được sản xuất dưới dạng đóng chai.
Một mảnh vườn nho nhỏ trồng các loại rau hay một cái chuồng nho nhỏ để nuôi một vài chú gà là cách làm của người Kenya để vượt "bão giá”.
Cô Sheila Chieng, một nhân viên làm trong Ngân hàng Western Union, giúp tôi đổi tiền và trả lời những thắc mắc của tôi về sự đắt đỏ tại đây: "Những năm trước đây, tôi thường đưa gia đình đi du lịch vào dịp Giáng sinh. Nhưng khi lạm phát xảy ra, tôi đành cắt khoản đó, chỉ dành một ít tiền làm buổi tiệc cuối năm tại nhà, tôi còn phải lo khoản học phí cho hai đứa con trai của mình".
Chính phủ Kenya cố gắng đẩy mạnh nhập khẩu và thực hiện nhiều cải cách từ các hệ thống ngân hàng để giảm nhiệt lạm phát đang phi nước đại.
Để giảm thâm hụt tài khoản vãng lai, Chính phủ tăng thuế nhập khẩu một số mặt hàng xa xỉ, giảm giá dầu và khí đốt thông qua việc tăng cường sử dụng dầu diezen sinh học và thúc đẩy xuất khẩu bằng việc thay đổi mức thuế với các ngành công nghiệp.
Về phía ngân hàng, nhà nước cắt giảm lãi suất tiền gửi ở mức thấp nhất... "Lạm phát 6 tháng đầu năm 2013 của Kenya đang ở mức 6,8%, giảm khá nhiều so với những năm trước đây", cô Sheila cho biết thêm.
Năm rồi cô cũng hòa vào dòng người tham gia chiến dịch vận động thông qua bản Hiến pháp mới tại Nairobi. Sau rất nhiều nỗ lực, cuộc trưng cầu dân ý đã diễn ra trong hòa bình tại nền kinh tế lớn nhất Đông Phi với hy vọng mang lại sự tươi mới cho đất nước này.
Khi bản Hiến pháp được thông qua, hàng triệu người dân Kenya đã xuống đường và nhảy múa suốt mấy ngày, vẫn hồn nhiên nhưng không còn hoang dã...