Khi công ty chứng khoán
- Thứ sáu - 11/04/2008 14:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Sàn giao dịch vắng bóng các nhà đầu tư. Ảnh: M. Yến |
Có mặt tại sàn chứng khoán Công ty Gia Quyền(TP.HCM) không khí có vẻ trầm lắng so với trước Tết. Các nhân viên không còn bận rộn với việc ghi phiếu, mở tài khoản hay nhập lệnh cho khách hàng. Thay vào đó là cảnh làm việc tà tà, thư thả... Một số nhân viên còn “tán” với nhau hay tranh thủ đọc báo.
Anh S, một nhân viên môi giới của Công ty cho biết: “Tình hình bắt đầu xảy ra sau Tết, nhưng nó càng trở nên bi đát hơn khi UBCK cho giảm biên độ hai sàn xuống khiến tính thanh khoản của thị trường giảm”. Anh S tiết lộ thêm, mấy tuần qua, đã có không ít nhà đầu tư rút hàng tỷ đồng trong tài khoản chuyển sang các kênh đầu tư khác khiến cho hoạt động của Công ty thêm khó khăn. Hiện Công ty đã cho tinh giảm biến chế và cắt giảm chi tiêu không cần thiết.
Lý giải về hiện tượng này, ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc CTCK SJC cho biết, thời gian qua, đa phần các CTCK chỉ tập trung vào lĩnh vực môi giới và tự doanh để kiếm doanh thu nên khi thị trường đột ngột đi xuống, các công ty trở tay không kịp. Chỉ có công ty nào có dịch vụ tư vấn và bảo lãnh phát hành mới hy vọng cầm cự được đôi chút.
Ngoài ra, việc tuyển dụng nhân sự ào ạt, trả lương với giá "trên trời", chi phí đầu tư công nghệ gia tăng cũng khiến cho các CTCK gặp khó khăn. Thêm vào đó, sân chơi giữa các CTCK ngày càng thu hẹp và cạnh tranh khốc liệt, các CTCK nhỏ hay ra đời sau khó có thể “bì” nổi với các đại gia như SSI, BVS, HSC..
Tuy nhiên, có một yếu tố mà ít CTCK nào dám thừa nhận là tình trạng làm ăn “kiểu chụp giật” của họ, đặc biệt là vấn nạn “chôm” tiền trong tài khoản khiến nhà đầu tư mất hết lòng tin phải “cao chạy xa bay”... Cụ thể là vụ khách hàng Trần Tiến Dũng, nhà đầu tư tại CTCK Habubank (thuộc Ngân hàng phát triển nhà Hà Nội) bị mất tiền trong tài khoản mới đây.
Đó là chưa kể, một số CTCK không tuân thủ đúng quy định kiểm tra ký quỹ giao dịch đối với khách hàng, cho bán khống tràn lan (khách hàng không có tiền hay cổ phiếu trong tài khoản vẫn mua hay bán được CP).
Bán tháo cho nước ngoài?
Trong bối cảnh thị trường “bi đát” như vậy, các CTCK đang đứng trước hai sự chọn lựa: Một là sáp nhập để tồn tại, hai là bán cổ phần lại cho các công ty nước ngoài. Cách thứ nhất xem ra rất khó thực hiện, vì ở Việt Nam các CTCK lớn không muốn sáp nhập với các CTCK nhỏ bởi nhiều yếu tố tác động (uy tín thương hiệu, công nghệ, nguồn nhân lực...) nên cách thứ hai xem ra khả thi nhất.
Có thể kể đến một số vụ mua bán thành công gần đây như việc công ty tài chính Morgan Standley mua cổ phần của CTCK Hướng Việt và đổi tên thành CTCP chứng khoán Morgan Stanley Hướng Việt, rồi vụ Golden Bridge mua 49% cổ phần của CTCK Nhấp & Gọi, ngân hàng RHB (Malaysia) mua cổ phần của CTCK Việt Nam...
Theo ông Phan Xuân Cần, Giám đốc Công ty mua bán, sáp nhập doanh nghiệp Tiger Invest, trong vòng hơn một tháng nay, Công ty ông nhận được rất nhiều lời đề nghị từ các CTCK trong nước nhờ làm môi giới kiếm đối tác chiến lược nước ngoài. Đây là những công ty có quy mô vốn trung bình, không có sự “chống lưng” của các Tổng công ty nhà nước nên họ dành khá nhiều ưu đãi cho các đối tác nước ngoài. Cụ thể, các đối tác nước ngoài sẽ được toàn quyền điều hành, quản trị nếu đạt được thỏa thuận hợp lý.
Theo ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc CTCK Đại Việt, cùng với việc Chính phủ cho phép thành lập CTCK 100% vốn nước ngoài, cộng với làn sóng mua bán, sáp nhập của các CTCK trong nước gia tăng, trong thời gian tới, TTCK Việt Nam sẽ có bước điều chỉnh lớn về số lượng cũng như chất lượng. “Đến năm 2010, Việt Nam chỉ còn khỏang từ 20-30 CTCK so với con số gần 100 công ty được cấp phép như hiện nay”, ông Chánh nhận định.
Một thống kê gần đây cho thấy, chi phí trung bình ở một CTCK (gồm thuê văn phòng, nhân sự, đường truyền..) mất khoảng từ 500 -700 triệu đồng/tháng. Như vậy, để có tiền trang trải chi tiêu hàng tháng, một CTCK phải khớp được tổng số lệnh trị giá 100 tỷ đồng, với mức phí trung bình 0,2% giá trị giao dịch. |
Hùng Vũ