BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Kích cầu kéo lãi suất tăng

Lãi suất huy động VND, sau một giai đoạn ngắn giảm mạnh, đã tăng trở lại lên mức cao nhất 9%/năm trong thời gian gần đây. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Chính phủ không có những chính sách điều tiết trong thời gian tới,
Nhu cầu về VND của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam gia tăng mạnh.

Lãi suất huy động VND, sau một giai đoạn ngắn giảm mạnh, đã tăng trở lại lên mức cao nhất 9%/năm trong thời gian gần đây. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Chính phủ không có những chính sách điều tiết trong thời gian tới, nhiều khả năng xu hướng tăng lãi suất sẽ không dừng lại khi chương trình bù lãi suất kết thúc.

Theo các số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất giao dịch bình quân bằng VND trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng đang có xu hướng tăng nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn, dù mức tăng không nhiều (chủ yếu dưới 0,1%/năm), chỉ riêng kỳ hạn 1 tháng có mức tăng nhiều nhất lên tới 0,85%/năm. Lãi suất giao dịch bình quân kỳ hạn 12 tháng được giữ ở mức cao nhất, lên tới 8,5%/năm.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Viện Khoa học tài chính chỉ ra 4 nguyên nhân có thể dẫn tới một làn sóng tăng lãi suất mới. Thứ nhất, nhu cầu về VND của các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam gia tăng mạnh trong thời gian qua do kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp về việc VND sẽ tiếp tục giảm giá so với USD và mức giảm giá sẽ mạnh hơn so với mức chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền. Trong vài tháng trở lại đây, tốc độ tăng tiền gửi bằng VND luôn ở mức thấp, thậm chí có tháng ở mức âm (tháng 1/2009), trong khi tốc độ tăng tiền gửi bằng USD lại tăng mạnh. Về phía bên đi vay, cũng do kỳ vọng USD sẽ lên giá mạnh so với VND, các doanh nghiệp lại muốn vay bằng VND hơn là vay bằng USD. Kết quả là các ngân hàng rơi vào tình trạng thiếu VND để cho vay, trong khi nhu cầu vay VND lại lớn.

Thứ hai, nhu cầu về VND còn tăng do thâm hụt ngân sách trong năm nay được dự tính sẽ ở mức cao do các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ (miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất…), cũng như ảnh hưởng tiêu cực từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu đến nguồn thu NSNN (thu từ dầu thô và các hoạt động xuất nhập khẩu…). Thâm hụt ngân sách buộc Chính phủ phải vay nợ thông qua phát hành trái phiếu và cạnh tranh với các doanh nghiệp trong việc vay vốn, đẩy lãi suất lên cao.

Đặc biệt, nhu cầu về vốn để đầu tư dài hạn vào nhà xưởng, máy móc đang gia tăng trở lại sau một thời gian bị gián đoạn, nhất là khi nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi. Trong giai đoạn lãi suất cho vay VND cao tới hơn 20%/năm, nhiều doanh nghiệp không dám vay vốn để đầu tư dài hạn. Còn trong giai đoạn lãi suất giảm vào cuối năm 2008, nhiều doanh nghiệp lại chờ đợi lãi suất giảm thêm. Suy giảm kinh tế trên toàn cầu cũng là nguyên nhân khiến nhu cầu vay vốn để đầu tư dài hạn giảm sút. Sự dồn nén trong việc vay vốn để đầu tư dài hạn trong thời gian qua tất yếu sẽ dẫn đến một giai đoạn bùng nổ về nhu cầu vốn dài hạn, nhất là khi Chính phủ cho phép mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất.

Một điểm được lưu ý là sau khi khủng hoảng tài chính Mỹ xảy ra và kéo theo sự suy giảm kinh tế trên toàn cầu, tất cả các nước đã thi hành chính sách tiền tệ nới lỏng. Vì vậy, việc lạm phát tăng trở lại trong tương lai là điều chắc chắn sẽ xảy ra trên toàn cầu. Chính vì thế, lãi suất được dự báo cũng sẽ tăng theo. Trên thực tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã đảo chiều tăng trở lại kể từ tháng 1/2009. Các loại lãi suất trái phiếu của Chính phủ Mỹ (hiện đang ở mức thấp trong lịch sử), cũng đã tăng trở lại kể từ thời điểm này và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng.

Việc lãi suất tăng khi kinh tế phục hồi và lạm phát gia tăng ở mức vừa phải, theo nhận định của giới phân tích, có thể không gây nên những lo ngại lớn. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu trong năm 2009, lạm phát của Việt Nam chỉ ở mức 5%, trong khi lãi suất huy động VND lên tới 10%/năm? Nếu nguy cơ này xảy ra, quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sẽ bị cản trở.

Theo bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, với những diễn biến về lạm phát và lãi suất của VND trong tháng 3/2009 (lãi suất tăng, chỉ số CPI giảm 0,17%), chính sách của Chính phủ không thể không tính tới tình huống này. Rõ ràng, Chính phủ sẽ không thể bơm thêm nhiều tiền vào lưu thông để hạ lãi suất. Khi lãi suất VND hạ xuống và lạm phát gia tăng, một xu hướng chuyển tài sản từ VND sang USD sẽ lại bắt đầu. Một giải pháp khác là giảm thâm hụt ngân sách cũng không khả thi, khi các chính sách kích thích kinh tế đang được thực hiện.

Giảm kỳ vọng VND mất giá so với USD thông qua việc điều chỉnh tỷ giá (để VND mất giá) là chính sách được nhiều chuyên gia khuyến nghị tại hội thảo "Lãi suất của các NHTM Việt Nam hiện nay" do Trường đào tạo Vietinbank tổ chức tuần qua. Mặc dù Việt Nam đã đạt thặng dư thương mại trong 3 tháng đầu năm 2009 và tình hình cung - cầu ngoại tệ, do đó, có thể bớt căng thẳng hơn, nhưng xu hướng này chưa thể được coi là bền vững cũng như chưa thể làm giảm kỳ vọng giảm giá VND trên thị trường, khi phần lớn nguồn thặng dư đến từ việc xuất khẩu vàng và đá quý.

Một số ý kiến có thể lo ngại rằng, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ dẫn đến một làn sóng đầu cơ USD. Tuy nhiên, những diễn biến trên thị trường ngoại tệ trong thời gian qua cho thấy, kỳ vọng của thị trường về mức mất giá của VND (được đo bằng mức chênh lệch lãi suất giữa VND và USD) là tương đối ổn định trong khoảng từ 18.000 - 18.500 VND/USD. Khi giá USD đạt tới mức kỳ vọng, sẽ xuất hiện một làn sóng bán USD để "chốt lời". Dòng tiền VND gửi vào ngân hàng, do đó, sẽ gia tăng và cho phép các NHTM hạ lãi suất VND. Hơn nữa, nếu cán cân thương mại cũng như cán cân tài khoản vốn được dự báo sẽ bị xấu đi nhiều, việc để VND giảm giá trước lại càng cần thiết.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây