BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Kích cầu lãi suất: Cờ đã phất!

Bất cứ doanh nghiệp ngành nào không thuộc 13 ngành, lĩnh vực bị hạn chế đều được vay vốn giá rẻ.

Cuối cùng thì gói kích cầu qua lãi suất ngân hàng cũng đã được cụ thể hoá. Kế hoạch chi tiết (Quyết định số 131/QĐ-TTg) đã được ban hành đúng dự kiến hai ngày trước Tết Nguyên Đán. Tới ngày hôm qua (3/2), văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã được hoàn tất và dự kiến công bố trong ngày hôm nay (4/2).


Theo thông tin ban đầu, nội dung của hướng dẫn này đơn thuần chỉ là một sự chi tiết hóa Quyết định số 131/QĐ-TTg trước đó. Thủ tục đã xong, đã đến lúc các doanh nghiệp bắt đầu vay vốn theo cơ chế ưu đãi. Nhưng chắc chắn sẽ còn nhiều điều phải bàn trong suốt thời gian thực hiện chương trình này.


Chỉ hợp đồng 2009

Theo các văn bản quy định, chỉ có các doanh nghiệp vay vốn trong năm 2009 mới được hưởng ưu đãi lãi suất. Nhưng cụ thể hơn, quy định rằng hợp đồng vay vốn phải được ký trong năm 2009 mới là điều đáng bàn. Vậy giả sử những doanh nghiệp đã vay vốn từ cuối năm 2008 nay muốn vay được vốn ưu đãi sẽ như thế nào?

Dù vẫn có ý kiến cho rằng, việc hoàn lại vốn trước hạn và ký hợp đồng vay vốn mới đương nhiên không phải là một điều đơn giản, nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng điều này hoàn toàn có thể, nhất là với những khách hàng truyền thống của các ngân hàng. Trong hoàn cảnh các ngân hàng đang ra sức chèo kéo khách hàng của nhau, một động tác đơn giản để có thể giữ chân được khách hàng tốt thì ít ngân hàng nào từ chối.

Như một vị lãnh đạo ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước nhận định, vậy phải chăng việc quy định chỉ dành ưu đãi lãi suất cho các hợp đồng vay vốn ký kết năm 2009 đã thực sự hợp lý?


Đủ hay không đủ?

Theo quy chế ban hành, có thể hiểu một cách đơn giản là bất cứ doanh nghiệp ngành nào không thuộc 13 ngành, lĩnh vực bị hạn chế đều có hy vọng vay được vốn giá rẻ. Ngân hàng sẽ không được từ chối bất cứ một lời đề nghị nào từ phía doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn. Điều này thể hiện đúng bản chất của gói kích cầu là hỗ trợ doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực. Quay trở lại vấn đề liệu khoản tiền 17.000 tỷ đồng có đủ cho nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp hay không?

Theo tính toán sơ bộ, khoản tiền hỗ trợ lãi suất 17.000 tỷ đồng của Chính phủ sẽ đủ bù 4% lãi suất cho tổng cộng khoảng 420.000 tỷ đồng cho vay trong năm 2009. Ban đầu có nhiều ý kiến cho rằng, khoản tiền này là chưa đủ lớn. Tuy nhiên, theo nhận định của một chuyên gia lâu năm trong ngành ngân hàng, khoản tiền lên tới 420.000 tỷ đồng - tương đương với 1/3 tổng nhu cầu vay vốn của nền kinh tế - là rất lớn và việc giải ngân hết lượng vốn ưu đãi này không phải là điều đơn giản. Trong một năm kinh tế khó khăn hơn, chắc chắn nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ giảm bớt.

Ngoài ra, các khoản vay trong chương trình này chỉ là vay ngắn hạn với thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa chỉ là 8 tháng. Thêm vào đó, hỗ trợ chỉ áp dụng cho các khoản giải ngân trong năm 2009 thì khoản tín dụng tương đương với 1/3 tổng nhu cầu vay vốn của nền kinh tế là hoàn toàn đủ để thoả mãn tất cả các nhu cầu của doanh nghiệp.


Ngân hàng vẫn lo

Theo yêu cầu của NHNN, mỗi ngân hàng sẽ phải gửi báo cáo tổng hợp nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp theo diện ưu đãi. Sau đó, NHNN sẽ chuyển 80% số tiền lãi suất được cấp bù cho doanh nghiệp như báo cáo từ phía ngân hàng chuyển sang, 20% còn lại sẽ được quyết toán vào thời điểm cuối năm. Đây chính là điểm khiến các ngân hàng băn khoăn. Sau khi Quyết định 131 được ban hành, nhiều NHTM đã kiến nghị sửa lại tỷ lệ số tiền lãi suất chuyển trước lên mức 90%, nhưng tới nay vẫn chưa được thông qua.

Sự băn khoăn của ngân hàng nằm ở chỗ sẽ mất bao nhiêu thời gian để nhận về đủ 20% số tiền bù lãi suất còn lại. Trong quá khứ, đã có nhiều thời kỳ Chính phủ, thông qua Bộ Tài chính, hỗ trợ lãi suất ngân hàng cho các ngành cụ thể như chương trình đánh bắt xa bờ, hỗ trợ ngành cơ khí... Tuy nhiên, với nhiều trường hợp, ngân hàng phải đợi tới giữa năm kế tiếp mới nhận được đầy đủ số tiền bù lãi suất cho các khoản vay đáo hạn vào cuối năm.

Trước đây là hỗ trợ một ngành, nay là hỗ trợ đa ngành với tổng số vốn rất lớn. Trong trường hợp các ngân hàng chậm nhận được khoản tiền bù lãi suất 20% trả sau thì phải chịu thiệt. Đó là viễn cảnh không ngân hàng nào mong muốn.

Bên cạnh đó, một lo ngại nữa là vấn đề doanh nghiệp vay vốn để đảo nợ. Tất nhiên, là các cơ quan giám sát, NHNN và Bộ Tài chính sẽ phải có trách nhiệm giám sát. Nhưng ai cũng hiểu rằng đây là một điều không đơn giản. Có những doanh nghiệp chỉ có quan hệ vay vốn với một ngân hàng, nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp vay được vốn từ nhiều ngân hàng. Sự minh bạch trong hoạt động ngân hàng sẽ phải phụ thuộc nhiều vào khả năng giám sát. Hãy chờ xem!

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây