Lãi suất tăng có làm chứng khoán giảm giá?
- Thứ ba - 17/06/2008 15:10
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Theo lý thuyết, lãi suất tăng sẽ tạo áp lực giảm giá lên thị trường chứng khoán |
Anh Hưng, nhà đầu tư trên sàn chứng khoán SSI băn khoăn, "tôi không biết tiếp tục gửi tiết kiệm hay mua chứng khoán". Nhiều nhà đầu tư khác cũng có tâm trạng như anh Hưng, khác hẳn với thời điểm lãi suất tiền gửi tiết kiệm lần đầu tiên tăng lên 12%/năm trước đây, khi đó không ít nhà đầu tư đã bán hết chứng khoán, rút tiền gửi tiết kiệm.
Theo lý thuyết, lãi suất tăng sẽ tạo áp lực giảm giá lên TTCK, vì làm tăng lợi nhuận kỳ vọng đầu tư chứng khoán. Những lần tăng lãi suất tiền gửi từ đầu năm đến nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá chứng khoán đang trên đà giảm lại giảm sâu hơn. Lần này, tác động của việc ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm lên TTCK chưa diễn ra theo xu hướng có tính quy luật này.
Theo ông Đinh Thế Anh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SSI, giá chứng khoán toàn thị trường hiện đã hợp lý hơn rất nhiều, khi P/E trung bình chỉ còn 10,8 lần. Với những mã cổ phiếu có giá dưới giá trị sổ sách, tỷ lệ cổ tức/thị giá ở mức cao thì khả năng đầu tư vào những cổ phiếu này là đáng cân nhắc, ngay cả khi so với lãi suất tiền gửi ngân hàng cao như bây giờ. Một số mã cổ phiếu có giá giảm rất mạnh, xuống gần bằng mệnh giá.
Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn có khả năng đảm bảo tỷ lệ chi trả cổ tức cao, 15 - 20%/năm. Nếu không gửi tiết kiệm, mua cổ phiếu thì nhà đầu tư vẫn được hưởng tỷ lệ cổ tức mỗi năm tương đương lãi suất tiền gửi ngân hàng, ngoài ra còn có cơ hội hưởng chênh lệch giá. Xét về dài hạn, đầu tư vào loại cổ phiếu này hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm, bởi TTCK sớm hay muộn cũng sẽ tăng trở lại, trong khi lãi suất ngân hàng được dự báo không thể duy trì mãi mức cao như hiện nay.
"Cũng có thể đầu tư vào một số loại cổ phiếu có giá tương đối rẻ của những doanh nghiệp có đặc điểm là không vay nợ nhiều, chi phí đầu vào không tăng nhiều, trong khi đầu ra vẫn ổn định và khả năng tăng trưởng cao. Những doanh nghiệp này thuộc các ngành như cao su thiên nhiên, sản xuất nguyên vật liệu cơ bản…", ông Anh nói.
Theo thống kê mới đây của SSI, trên sàn TP. HCM có 57 cổ phiếu giảm giá dưới giá trị sổ sách, trong đó một số cổ phiếu như TMC, SFN, ICF, MCP… có tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) lớn hơn 15%. Sàn Hà Nội có 60 cổ phiếu có giá/giá trị sổ sách (P/B) nhỏ hơn 1 và các cổ phiếu như SCT, S99, DTC, NTP có ROE > 30%.
Trưởng phòng Phân tích CTCK Nhấp và Gọi, ông Phùng Thanh Hà cho rằng, TTCK tăng giá trong tuần trước phản ánh tâm lý nhà đầu tư và quan hệ cung - cầu. Giá chứng khoán đã giảm rất nhiều nên nhà đầu tư có tâm lý muốn mua vào. Hơn nữa, giá trị giao dịch toàn thị trường rất nhỏ, chỉ cần tăng mua một chút là giá tăng.
Về dài hạn, theo ông Hà, tăng lãi suất tiền gửi vẫn là yếu tố cơ bản tác động lên xu hướng giá của TTCK. Đây là yếu tố làm cho TTCK khó tăng mạnh.
Một điểm đáng lưu ý, tác động của tăng lãi suất lên TTCK không được thể hiện rõ, xuất phát từ thực tế là lãi suất tăng liên tục nhưng không thấy có sự chuyển dịch đáng kể nguồn tiền từ kênh nào đó (trong đó có chứng khoán) qua ngân hàng. Một số ngân hàng cho biết, vốn huy động của các ngân hàng vẫn không tăng. Việc tăng lãi suất chủ yếu có tác dụng khuyến khích người gửi không rút tiền, chứ không còn hút tiền từ chứng khoán sang như trước.
Ông Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc CTCK Phú Gia cho rằng, lượng tiền trong lưu thông thiếu nhiều so với yêu cầu. Một lượng tiền lớn đã chuyển từ lưu thông sang cất trữ. Vì vậy, dù có tăng lãi suất cũng khó hút thêm được tiền. Trong khi đó, giá chứng khoán dường như không thể xuống thấp hơn là sự hấp dẫn với những nhà đầu tư trung thành với chứng khoán. "Mối liên hệ giữa tăng lãi suất tiền gửi và TTCK hiện nay rất lỏng lẻo”, ông Sơn nói.