BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Lạm phát lên 2 chữ số là chắc chắn !

Thời gian qua, nhiều dự đoán giá cả sẽ tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa ai nghĩ năm nay lạm phát sẽ lên 2 chữ số. Nay với quyết định tăng giá xăng dầu, điều đó là chắc chắn.

Biểu đồ lạm phát từ 1997 đến 2007

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, giá tiêu dùng tháng 11 tăng 1,23% so với tháng 10, thuộc loại cao nhất trong nhiều năm qua, cao gấp đôi tốc độ tăng của tháng 11 năm trước. 

Tính chung 11 tháng, giá tiêu dùng đã tăng 9,45%, cao gấp rưỡi tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước, cao nhất so với cùng kỳ của 10 năm trước đây và chắc chắn sẽ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, cũng có nghĩa là không đạt được mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế do Quốc hội đề ra. 

Nếu tháng 12 tới, tốc độ tăng giá tiêu dùng bằng tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (tức là tăng 0,5%), thì cả năm 2007, tốc độ tăng giá tiêu dùng sẽ lên xấp xỉ 10%, cao nhất so với tốc độ tăng của cùng kỳ trong 10 năm trước đó. Song, do tác động mạnh của đợt tăng giá xăng dầu mới đây, chắc chắn tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 12 này sẽ cao hơn cùng kỳ năm trước, do đó tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm nay sẽ vượt quá 10%, tức là tăng hai chữ số. Điều mà cách mấy tháng, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (cơ quan chịu trách nhiệm chính về chống lạm phát) đã đoan chắc rằng giá tiêu dùng năm nay sẽ tăng dưới 10%), nay không còn trúng nữa!

Như vậy, từ năm 1996 lạm phát đã bị kiềm chế và liên tục hơn 10 năm ở mức một chữ số, nay đã vượt lên hai chữ số (xem biểu đồ). Tốc độ tăng giá tiêu dùng cao hơn cùng kỳ năm trước do tác động của nhiều yếu tố: 

Giá cả thế giới tăng cao, làm tăng chi phí đầu vào, tất yếu dẫn đến giá cả đầu ra tăng cao.

Giá cả đầu vào còn tăng "kép", tức là không chỉ do bản thân giá cả tính bằng ngoại tệ tăng, mà còn do tỷ giá VND/ngoại tệ - nhất là nhập khẩu và thanh toán bằng các đồng euro, bảng Anh, yen Nhật, các đồng nội tệ của các nước trong khu vực...

Quan hệ cung cầu về hàng hóa, dịch vụ ở trong nước có diễn biến khác với các năm trước. Sản lượng lương thực bị giảm do thời tiết, sâu bệnh, bão lũ, trong khi dân số vẫn tăng trên 1 triệu người; giá cả thế giới tăng khá, xuất khẩu lại vẫn giữ được khối lượng như năm trước nên giá lương thực tăng cao là khó tránh khỏi. Đàn gia cầm chưa phục hồi so với đỉnh cao cách đây mấy năm, nay lại thường xuyên bị các dịch đe dọa; đàn gia súc tăng thấp, nay lại bị hết dịch lở mồm long móng lại đến dịch lợn tai xanh... rập rình, trong khi giá thức ăn thì đắt lên gấp bội..., có những làng thuần nông mà có đến một nửa số hộ không nuôi lợn, bởi chăn nuôi lợn trong nhiều năm chỉ "lấy công làm lãi" hoặc như đem tiền bỏ ống mà thôi.

Trước tình hình đó, công tác dự báo điều hành chính sách tiền tệ, công tác quản lý giá cả trong điều kiện của nền kinh tế thị trường còn lúng túng, chậm trễ. 

Về tiền tệ, các biện pháp hút tiền từ lưu thông về ngân hàng (sau khi đưa tiền ra mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối), khống chế tỷ lệ cho vay chứng khoán không vượt quá 3% tổng dư nợ tín dụng, tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc... đưa ra rất chậm, lại chưa tạo được sự đồng thuận của các ngân hàng, các nhà đầu tư, các chuyên gia và một số phương tiện thông tin đại chúng. 

Việc điều hành giá cả như kiểm tra, thanh tra việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết... cũng ít hiệu quả. 

Việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu nhằm giảm chi phí đầu vào và tăng cung hàng hóa cũng không đạt được hiệu quả như ý muốn do không đi kèm với các giải pháp đồng bộ.

Đặc biệt, việc tăng giá xăng dầu trong thời điểm này (chưa được tính vào tốc độ tăng giá 11 tháng) có phải là quyết định sáng suốt hay không, có phải là giải pháp bắt buộc do giá xăng dầu thế giới tăng cao khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lỗ nặng hay không thì còn phải tiếp tục bàn, nhưng giá xăng dầu tăng mạnh đang có tác động dây chuyền đến toàn bộ các hoạt động sản xuất và đời sống, khiến cho giá cả hàng loạt các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tăng theo. 

Các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu trong nước vẫn không mặn mà với việc tham gia thị trường kỳ hạn để phòng tránh rủi ro. Một trong những nguyên nhân đó là do thị trường năng lượng Việt Nam chưa mở, sức ép về cạnh tranh chưa cao. Đi đôi với việc này, các doanh nghiệp trong ngành vẫn còn độc quyền và hưởng nhiều ưu đãi từ Nhà nước. Chuyên viên kinh tế Nguyễn Quang A cho rằng: "Đối với những doanh nghiệp nhà nước, việc khuyến khích họ tham gia thị trường kỳ hạn là rất mờ nhạt. Những doanh nghiệp độc quyền xăng dầu không có động lực để làm việc này, nếu có họ cũng làm vì trách nhiệm, vì nghĩa vụ Nhà nước giao, chứ không vì túi tiền của họ".

Ông Nguyễn Quang A còn cho rằng: "Giao dịch xăng dầu có hoa hồng không nhỏ, nên việc doanh nghiệp sẵn sàng nhập khẩu xăng dầu với mức giá cao là chuyện... bình thường". Vấn đề không phải là kỹ năng quản trị. "Vì trình độ quản trị cao, nhưng thể chế không tạo ra những khuyến khích đúng cũng vô nghĩa", một chuyên gia phân tích.

(Trích bài: Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu: Mua  "lẻ" hàng tỉ USD!,  Sơn Nghĩa, Sài Gòn Tiếp thị, 26.11.2007)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây