BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Lạm phát và tăng trưởng: Giải pháp tổng thể, điều hành xuyên suốt

Phân tích đánh giá thực trạng tình hình kinh tế-xã hội nước ta hiện nay, khi xác định các nguyên nhân, chúng tôi đồng tình với suy nghĩ của một số chuyên gia kinh tế: cần có sự đánh giá trên bình diện tổng thể. Chúng ta cần đi sâu phân tích, đánh giá những nguyên nhân chủ quan, chỉ ra các yếu tố nội tại khiến cho lạm phát tăng cao vượt ra ngoài dự báo.

Xử lý tình thế: phiến diện, chủ quan

- Theo tôi, các tập đoàn, TCT  nhà nước kể cả các ngân hàng (NH - bao gồm 100% vốn nhà nước và chiếm cổ phần chi phối trong các công ty cổ phần hóa) đã góp sức làm tăng nhanh lạm phát trên 2 phương diện “đầu tư” và “tăng giá”.

- Về phương diện đầu tư, các đơn vị này đều bung ra đầu tư vào các lĩnh vực trái với ngành nghề và chuyên môn như bảo hiểm, NH, tài chính, BĐS… với phương thức đầu tư chủ yếu là vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Từ đó dẫn đến không kiểm soát được đồng vốn của chính công ty, không kiểm soát được chi phí có liên quan trực tiếp đến hoạt động chính của công ty, làm đội giá trị hàng hóa, tiếp tay cho lạm phát. Khi thị trường chao đảo, công ty sẽ rơi vào khó khăn lớn do nguồn vốn vay ngắn hạn đáo hạn và lãi suất NH tăng. Trên TTCK có nhiều công ty phát hành trái phiếu công ty không tương ứng với thực lực cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của công ty, dẫn đến cổ phần bán ra thị trường OTC mang tính chất “cổ phần ảo”, “giá trị ảo”. Rất nhiều NĐT gián tiếp mua CP theo kiểu phong trào, chỉ đến khi công ty báo cáo chia lãi hàng năm, cổ tức NĐT nhận được không đủ để trả lãi vay NH (cho khoản vay mua CK), họ bắt đầu bán CP ra TTCK để thanh khoản nợ vay. Điều này dẫn đến hệ quả thu hút đầu tư gián tiếp rơi vào khủng hoảng, TTCK chao đảo. 
 
- Về phương diện tăng giá, chúng tôi cho rằng giá sinh hoạt tăng cao có phần trách nhiệm không nhỏ từ các TCT, tập đoàn DN nhà nước (bao gồm chưa cổ phần hóa và đã cổ phẩn hóa). Vì lợi ích cục bộ, các công ty này đã tự ý tăng giá hàng hóa, từ đó kéo theo tăng giá đồng loạt các mặt hàng trên thị trường. 

- Để kiềm chế lạm phát, trong các nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra thì giải pháp đầu tiên là thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Thắt chặt tiền tệ được hiểu theo 2 nghĩa: kiểm soát chặt chẽ tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng;  hút mạnh tiền từ lưu thông.  Muốn hút tiền từ lưu thông về thì phải tăng lãi suất huy động để bảo đảm cho lãi suất thực dương, tạo sức hút tiền từ lưu thông chảy vào NH. Tuy nhiên, NH chỉ công bố trần lãi suất huy động mà không có trần lãi suất cho vay. Khống chế trần lãi suất huy động nhưng lại không khống chế trần lãi suất cho vay, không có lời giải thích thấu đáo, dư luận có quyền thắc mắc, nghi ngờ về sự đối xử chưa được công bằng giữa NH, người gửi tiền và người vay tiền, nghi ngờ về sự “nuông chiều” của NHNN đối với đơn vị hoạt động trong lĩnh vực mà mình có trách nhiệm quản lý.

Điều chỉnh phương thức chỉ đạo, điều hành

- Phải chăng trong chỉ đạo điều hành đã tập trung quá mức cho chỉ tiêu tăng GDP, không quan tâm đúng mức đến các chỉ tiêu khác như cân đối giữa xuất siêu và nhập siêu, thu nhập bình quân đầu người, nội dung và giải pháp phát triển bền vững… Nền sản xuất của nước ta vẫn chưa thoát được tình cảnh của nền kinh tế thời bao cấp: tài nguyên xuất thô là chính. Giá trị gia tăng xuất khẩu nếu trừ phần tài nguyên còn chẳng hơn bao nhiêu so với xuất khẩu theo hình thức gia công. Các giải pháp đưa ra đối với tình hình lạm phát là cắt giảm đầu tư, tiết kiệm bằng cắt giảm phần trăm chi (khoảng 10%). Nhiều người đặt câu hỏi dựa vào căn cứ nào để cắt giảm 10%. Khi xây dựng kế hoạch có dựa trên nền tảng khoa học về đánh giá và dự báo, xác định và bảo đảm tính khả thi cho các mục tiêu và giải pháp thực hiện? Trong trường hợp không xảy ra tình hình khó khăn hiện nay phải cắt giảm, có phải kế hoạch đã phê duyệt chứa đựng nhiều yếu tố lãng phí? 

- Gần đây, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo các tập đoàn và TCT  nhà nước ngưng các việc làm gây tăng giá và lãng phí đầu tư, nhưng chỉ mới dừng ở các việc cụ thể mà chưa có cơ chế quản lý điều hành các DN này bỏ cơ chế độc quyền, bảo hộ lợi ích cục bộ.

- Nền kinh tế nước ta sau 1 năm gia nhập WTO đang đòi hỏi bình đẳng trong cạnh tranh và phản ứng khá mạnh đối với bảo hộ và độc quyền. Quyền lực nhà nước và quyền lực DN có khi không tách bạch và chưa có cơ chế kiểm soát, nên DN dễ dàng khai thác triệt để “lợi thế” này và sẽ sản sinh những chủ trương cục bộ trong ngành, đơn vị mình gây ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế.

TS. Nguyễn Thị Sơn
     Hiệu trưởng Trường cán bộ Quản lý Doanh nghiệp
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây