Lên sàn rớt giá, vì sao?
- Thứ năm - 27/11/2008 16:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Biến động giá một số cổ phiếu kể từ ngày chào sàn và thời điểm 26-11 - Đồ họa: VĨ CƯỜNG |
Giá tham chiếu là 79.000 đồng nhưng kết thúc phiên giao dịch chỉ còn 62.400 đồng, giảm 15.500 đồng/cổ phiếu. Đây không phải là trường hợp cá biệt. Trừ cổ phiếu HLA của Công ty CP thép Hữu Liên Á Châu, hầu hết cổ phiếu mới niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM từ đầu tháng đến nay, từ PVF của Tổng công ty CP Tài chính dầu khí VN đến BAS (Công ty CP Basa), OPC (Công ty CP Dược phẩm OPC), KSH (Tổng công ty CP Khoáng sản Hà Nam)... đều “đo sàn”, giảm hết biên độ ngay trong ngày giao dịch đầu tiên. Không dừng lại ở đó, nhiều cổ phiếu còn tiếp tục giảm trong nhiều phiên giao dịch sau đó, có cổ phiếu như KSH giảm 11 phiên kể từ khi lên sàn.
“Việc giảm mạnh của những cổ phiếu mới niêm yết, đặc biệt là cổ phiếu có khối lượng cực lớn như PVF, đã góp phần kéo VN-Index chìm sâu hơn, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý chung của thị trường” - một chuyên gia nhận định. |
Tính đến ngày giao dịch 26-11, cổ phiếu giảm mạnh nhất phải kể đến là OPC với mức giảm trên 66%, kế đến là KSH (giảm hơn 50%), PVF (47%)... Cổ phiếu HLA giảm hơn 43% so với mức giá chào sàn.
Nhiều cổ phiếu giảm giá ngay khi lên sàn một phần do tình hình chung nhưng điều bất thường là các cổ phiếu này giảm nhanh hơn mức giảm của VN-Index.
Tính đến phiên giao dịch ngày 26-11, VN-Index chỉ giảm khoảng 7,37% so với phiên giao dịch ngày 30-10. Như vậy, so với mức giảm của VN-Index, cổ phiếu OPC có mức giảm nhiều hơn đến chín lần, PVF giảm hơn sáu lần...
Nguyên nhân, theo ông Lê Đạt Chí - chuyên gia chứng khoán, là do các công ty đã đưa ra một mức giá tham chiếu khá cao. Ngày 30-10, cổ phiếu OPC chào sàn với giá 78.000 đồng/cổ phiếu, chỉ số P/E - giá thị trường trên thu nhập một cổ phiếu (tính trên EPS - lợi nhuận trên mỗi cổ phần - chín tháng đầu năm) của công ty này là 29 lần, trong khi P/E bình quân của các cổ phiếu cùng ngành đang niêm yết trên sàn chỉ xoay quanh mức 20 lần. Chưa kể chỉ số PBV (giá/giá trị sổ sách) cao hơn rất nhiều so với các công ty cùng ngành, còn khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của công ty quá thấp so với mức trung bình ngành. Với một số cổ phiếu lại đưa ra mức giá chào sàn cao hơn giá giao dịch tại thị trường chưa niêm yết, bất chấp thị trường tại thời điểm niêm yết không được thuận lợi.
Các công ty khi đưa ra giá chào sàn cũng đã tính toán kỹ với sự hỗ trợ của công ty tư vấn. Nhưng từ thời điểm nộp hồ sơ (trong đó có đưa ra giá chào sàn dự kiến) đến khi cổ phiếu chính thức niêm yết kéo dài khá lâu, từ 1-3 tháng. Trong thời gian này, tình hình đã có nhiều thay đổi. Tình trạng vào sàn rớt giá sẽ giảm bớt nếu trước khi giao dịch, các công ty tính toán lại giá chào sàn cho phù hợp, thay vì giữ lại mức giá ban đầu.