BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Lòng tin mua bằng sự hy sinh

Phiên giao dịch ngày 23/1/2008 chứng kiến lực sĩ VN-Index bị “đo ván”, đổ vật xuống mức 776,68 điểm, dưới ngưỡng bấu víu 800 điểm; HASTC-Index cũng chỉ còn 271,68 điểm. Nếu lòng tin luôn là điều cốt lõi của TTCK thì sự thật đáng buồn là lòng tin của nhiều NĐT đã vơi đi ít nhiều, khi trong vòng chưa đầy 3 tháng, tài sản của họ trên sàn TP. HCM đã “teo” đi 27,8% (so với thời điểm đầu tháng 11/2007), còn trên sàn Hà Nội thì mất 31%.

Cũng trong phiên giao dịch đáng nhớ này, chứng chỉ quỹ VF1 đóng cửa với giá 23.400 đồng/chứng chỉ, thấp hơn 34,4% so với giá trị tài sản ròng (NAV) được công bố gần nhất là 35.718 đồng (tài sản bằng tiền mặt và chứng khoán). Chuyện này có thể ví như vàng đang được giao dịch với giá 17 triệu đồng/lượng nhưng có một người bi quan với vàng, rao bán với giá 11,13 triệu đồng/lượng. Hoàn cảnh éo le cũng xảy ra với chứng chỉ quỹ BF1 khi được bán giá 9.700 đồng (thấp hơn 24,7% so với NAV là 12.883 đồng). Đối với các NĐT đã bỏ vốn vào 2 chứng chỉ quỹ nói trên, mức chênh lệch giữa thị giá và NAV là bằng chứng cụ thể về sự sụt giảm lòng tin.

Nhớ lại thời điểm huy hoàng của VF1 giữa tháng 3/2007, một chứng chỉ quỹ ăn 52.000 đồng, cao hơn 11% so với NAV. Ngày đó, báo chí đã chúc mừng VFM (Công ty quản lý quỹ VF1) về việc dành được sự kỳ vọng của NĐT nhưng cũng không quên cảnh báo về những kế hoạch phát hành tham vọng và thông điệp khá hùng hồn mà quỹ VFM gửi cho NĐT. Điều đáng nói là, kể từ Đại hội thành lập Quỹ cho đến nay, kỳ đại hội nào cũng có nhiều NĐT tỏ ý không hài lòng đối với một số thông điệp và cách giải thích của lãnh đạo VFM. Hôm nay, có lẽ VFM sẽ phải nghĩ nhiều về giá trị của lòng tin từ phía NĐT mà họ không giữ được.

Nhiều người nói rằng, “vũng lầy VF1 đã mang họa cho BF1”, nhưng nói một cách khách quan thì cũng hơi oan. Ngay đại hội thành lập Quỹ, nhiều NĐT và phóng viên đã tỏ ý không bằng lòng trước những nội dung và cách hành xử của VFM. Hôm nay, BF1 cũng đang sa lầy.

Lái sang chuyện cổ phần hóa Vietcombank, một vấn đề đã được cày đi xới lại trong thời gian dài. Sau nhiều lần trì hoãn và cân nhắc, phương án cổ phần hóa Vietcombank vẫn còn những vấn đề chưa được giải quyết rốt ráo như việc xử lý số tiền thu về từ đấu giá, sự hợp lý của giá trị doanh nghiệp đem ra đấu giá hay quyền lợi của các trái chủ đã mua trái phiếu Vietcombank trước đây. Hôm nay, khi Vietcombank chưa thể tìm ra đối tác chiến lược nước ngoài, những người có trách nhiệm nói rằng, Vietcombank sẽ niêm yết vào tháng 6/2008; nhưng nếu bình tâm mà nghĩ thì việc này cũng chưa chắc 100% sẽ làm kịp.

Mà Vietcombank không phải là “hạt sạn” duy nhất, những vấn đề xoay quanh câu chuyện cổ phần hóa Bảo Việt hay Đạm Phú Mỹ trước đây cho thấy, “thông tin không đầy đủ và rõ ràng” vẫn là vấn đề khiến nhiều NĐT băn khoăn. Bảo Việt đã hoàn tất cổ phần hóa từ lâu nhưng cổ phiếu vẫn không thấy giao dịch trên thị trường OTC và chặng đường niêm yết xem ra còn xa vời vợi. Đạm Phú Mỹ đã được niêm yết, nhưng nay giá giao dịch đang quay về rất gần với giá khởi điểm đem đấu giá ngày trước, dù kết quả kinh doanh rất khả quan.

Chỉ chuyện nhỏ như Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN về cho vay chứng khoán, ngay khi chưa ban hành thì số đông NĐT và ngân hàng đã chỉ ra không ít bất hợp lý, nhưng vẫn được đưa ra áp dụng. Khi thị trường xấu đi, quan chức này nói sẽ sửa, trong khi quan chức khác lại nói ngược lại. Cùng là những người có chức trách trực tiếp, nhưng trước một vấn đề cấp bách như cứu hỏa vẫn có chuyện trống đánh xuôi, kèn thổi ngược thì dân tình làm sao còn đủ đức tin.

Liều thuốc cho thị trường phải được kê đúng bệnh. Bệnh của thị trường là mất lòng tin, mà lòng tin phải dày công xây dựng, phải lắm sự hy sinh để gìn giữ. Để lấy lại lòng tin của thị trường, xin hãy nói thật ít và làm thật nhiều!

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây