Lúng túng điều kiện mở phòng giao dịch của CTCK
- Thứ tư - 18/03/2009 23:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Hiện nay, đang có 2 cách hiểu khác nhau về việc thành lập phòng giao dịch của CTCK. |
Trong khi Quyết định 126/2008/QĐ-BTC do Bộ Tài chính ban hành sửa đổi về Quy chế tổ chức và hoạt động của công ty chứng khoán (CTCK) đang bị nhiều CTCK đồng loạt phản ứng không đồng thuận và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang lúng túng trong việc xử lý thì một số CTCK khác lại "nhanh chân" nghĩ đến phương án chuyển đại lý nhận lệnh (ĐLNL) thành phòng giao dịch (PGD) hoặc lập mới PGD để tiếp tục duy trì sự hiện diện tại các địa phương.
Lý do của sự lựa chọn này là sẽ giúp cho CTCK tận dụng được thị trường, khách hàng, cơ sở vật chất hiện có tại ĐLNL mà họ đã bỏ ra nhiều chi phí để gây dựng. Tuy nhiên, khi xem xét các quy định của Bộ Tài chính ban hành thì giới luật sư lại nhận thấy có sự bất cập trong quy định về vấn đề này và gây khó khăn cho chính CTCK.
Theo Điều 10 của Quy chế trên thì "CTCK muốn lập, đóng cửa PGD phải được UBCK chấp thuận. PGD là đơn vị trực thuộc trụ sở chính hoặc chi nhánh của CTCK đóng tại tỉnh, thành phố nơi mở PGD". Có thể hiểu quy định này theo 2 cách như sau: cách thứ nhất, PGD chỉ được mở tại tỉnh, thành phố nơi CTCK đã có trụ sở chính hoặc chi nhánh. Như vậy, phát sinh thực tế là đa phần ĐLNL đang hoạt động hiện nay không thể nâng cấp thành PGD do CTCK không có chi nhánh, trụ sở chính tại địa điểm đó. Do đó, các ĐLNL sẽ phải đóng cửa. Và CTCK cũng không thể mở mới PGD khi nơi đó (tỉnh, thành phố) chưa có trụ sở chính, chi nhánh của công ty. Cách thứ hai có phần thông thoáng hơn là quy định trên chỉ yêu cầu PGD phải là đơn vị phụ thuộc một chi nhánh hay trụ sở chính để tiện cho công tác giám sát và xử lý vi phạm (do tại một tỉnh có thể có nhiều chi nhánh), mà không bắt buộc PGD chỉ được mở trên địa bàn tỉnh, thành phố đã có chi nhánh (lưu ý là không có quy định là "phải").
Nhìn chung, xét trên khía cạnh câu văn luật, cách hiểu thứ nhất được nhiều người nghĩ đến, tuy nhiên lại gây băn khoăn về tính hợp lý của vấn đề tại sao UBCK chỉ cho phép mở PGD tại nơi đã có trụ sở chính, chi nhánh. Thông thường, khi xâm nhập vào một tỉnh, thành nào đó, CTCK lựa chọn mở ĐLNL để tiết kiệm chi phí và thăm dò thị trường, trừ địa phương có thị trường lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng. Sau đó, nếu có lợi nhuận tốt, họ mới tính đến thành lập PGD hoặc chi nhánh. Chiếu theo quy định trên thì CTCK không thể thành lập PGD mà phải thành lập chi nhánh trước. Trong khi đó, khả năng tài chính của CTCK khá khiêm tốn, quy mô thị trường nhỏ, chỉ phù hợp với ĐLNL và PGD thì lại phải thành lập chi nhánh với điều kiện thành lập khắt khe hơn. Vì vậy, với việc xoá bỏ ĐLNL theo Quyết định số 126/2008/QĐ-BTC và chỉ cho phép mở PGD tại nơi đã có chi nhánh, CTCK sẽ chỉ còn rất ít lựa chọn khi muốn mở rộng kinh doanh, tăng cường sự hiện diện tại những địa phương có nhiều cơ hội. Mặc dù việc giao dịch trực tuyến qua Internet, điện thoại có thể thay thế nhưng tâm lý nhà đầu tư luôn muốn có một địa điểm để họ được giao lưu, trao đổi thông tin, tìm hiểu cơ hội, để được nhân viên môi giới tư vấn, cung cấp thông tin qua các buổi hội thảo, nói chuyện chuyên đề, đặc biệt đối với những người xem đầu tư chứng khoán là một nghề lao động.
Trong lúc mở PGD đang trở thành một xu hướng lựa chọn thay thế ĐLNL thì UBCK nên giải thích rõ quy định này để các CTCK chuẩn bị kế hoạch mở PGD. Để thị trường tiếp tục phát triển, thay vì hạn chế mở PGD và yêu cầu đóng cửa ĐLNL, Uỷ ban cần chú trọng hơn vào công tác xây dựng văn bản, đưa ra những tiêu chuẩn thành lập phù hợp với yêu cầu quản lý nhưng cũng tạo hành lang thông thoáng, minh bạch cho CTCK chủ động lựa chọn hình thức, địa điểm kinh doanh.
So sánh điều kiện thành lập ĐLNL và PGD
|