BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Mỹ: Chuyển từ mua nợ xấu sang mua cổ phiếu của các ngân hàng

Bộ Tài chính Mỹ đã sẵn sàng bơm 250 tỷ USD đầu tiên của kế hoạch giải cứu tài chính vào các ngân hàng dưới hình thức mua cổ phiếu.

Thị trường Phố Wall hôm thứ hai, 13-10, đã phục hồi ngoạn mục (ảnh: AP).

Động thái này của Mỹ diễn ra sau khi chính phủ Anh, Pháp, Đức và các nước EU khác cam kết chi tổng cộng một nghìn tỷ euro (1,36 nghìn tỷ USD) để cứu nguy hệ thống ngân hàng của mình.

Mỹ sẽ công bố chi tiết kế hoạch này vào tối nay (giờ Việt Nam). Sau khi thảo luận với các chủ ngân hàng hôm thứ hai, Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson đã nhất trí với kế hoạch mua cổ phần trong các ngân hàng và bảo lãnh các khoản vay liên ngân hàng trong vòng ba năm.

Hành động này khác hẳn với trọng tâm mà kế hoạch giải cứu đề ra trước đó là dùng tiền để mua nợ xấu của các ngân hàng, sau khi bộ trưởng tài chính các nước ủng hộ đề xuất của Anh tại cuộc họp cuối tuần qua ở Washington. Bản thân chính phủ Anh đã quyết định chi 50 tỷ bảng (87 tỷ USD) để mua cổ phiếu ưu đãi của ngành ngân hàng như một cách giúp ngành này tăng vốn.

Nhiều khả năng 125 tỷ USD trong tổng số 250 tỷ USD sẽ được bơm vào chín ngân hàng lớn nhất nước Mỹ nhằm thúc đẩy việc cho vay trở lại giữa các ngân hàng và làm dịu cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính toàn cầu.

Bên cạnh kế hoạch cứu nguy hệ thống ngân hàng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Anh, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ thông báo sẽ cho các ngân hàng thương mại vay đủ để bảo đảm nhu cầu thanh toán bằng đồng USD. Tuyên bố này ngay lập tức khiến lãi suất cho vay liên ngân hàng giảm.

Tiếp tục có thêm nhiều nước hành động để bảo vệ người gửi tiền tiết kiệm bằng cách bảo lãnh tiền gửi của họ ở ngân hàng. Báo chí Hàn Quốc trích dẫn lời Bộ trưởng Tài chính nước này cho biết, Hàn Quốc sẽ tăng trần bảo hiểm tiền gửi và thậm chí sẽ bảo lãnh cả các khoản nợ bằng ngoại tệ của ngân hàng.

Chính phủ Nhật Bản cũng thông báo một loạt các bước hành động, trong đó có thể bao gồm việc ban hành một đạo luật cho phép nước này bơm tiền từ quỹ công vào các ngân hàng.

Trước quyết tâm và sự đồng lòng cứu ngành tài chính của chính phủ nhiều nước, thị trường chứng khoán toàn cầu hôm qua có một phiên khởi sắc mạnh mẽ, giành lại được 1,7 nghìn tỷ USD trong tổng số hàng nghìn tỷ USD "bốc hơi" trong tuần trước; chỉ số MSCI cho chứng khoán toàn cầu tăng kỷ lục 9,3%.

Trên thị trường chứng khoán Tokyo, chỉ số Nikkei tăng 13% - mức tăng cao nhất kể từ năm 1990.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều tăng kỷ lục 11%, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ trước đến nay, sau khi trải qua một tuần hoảng loạn trước sự sụp đổ của các ngân hàng và nguy cơ các nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái.

“Hôm nay, tôi đã cảm thấy đỡ lo lắng hơn hôm thứ sáu tuần trước,” GS kinh tế ĐH Princeton Paul Krugman phát biểu sau khi biết tin mình giành giải Nobel Kinh tế 2008. “Chúng ta sẽ rơi vào suy thoái và có lẽ cuộc suy thoái này sẽ kéo dài, nhưng có lẽ đó không phải là một sự sụp đổ.”

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây