Năm 2009, vì sao mức nhập siêu dự báo vẫn còn cao?
- Thứ sáu - 02/01/2009 10:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Toàn cảnh xưởng công nghệ của nhà máy |
Dù đã thấy những yếu tố giúp giảm mạnh nhập siêu, nhưng bộ Công thương lại đưa ra dự kiến mức nhập siêu của năm 2009 vẫn còn khá cao.
Trong một bản kế hoạch của bộ Công thương được công bố ngày 31.12, dự kiến kim ngạch nhập khẩu cả nước năm nay ở mức 90,3 tỉ USD, tăng 13% so với năm 2008.
Như vậy, nhập siêu ở mức 19,2 tỉ USD, bằng 27% kim ngạch xuất khẩu. Việc xác định một tỷ lệ nhập siêu cao như vậy có thể khiến việc nghiên cứu, áp dụng các giải pháp trong năm nay nhằm giảm nhập siêu sẽ thiếu phần quyết liệt.
Nhập siêu đạt kỷ lục thế giới
Một trong những bất ổn lớn của kinh tế vĩ mô năm 2008 là tình trạng nhập siêu ở mức cao, chỉ giảm dần trong các tháng cuối năm. Theo tổng cục Thống kê, tổng giá trị nhập siêu năm 2008 khoảng 17,5 tỉ USD, tăng 24,1% so với năm 2007. Tuy có giảm hơn so với dự báo (30%), và giảm so với năm 2007 (29,1%), nhưng mức nhập siêu cả năm 2008 còn rất cao, bằng 27,8% so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Chưa có nước nào hiện có mức nhập siêu lớn như vậy.
Các chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước luôn đánh giá nhập siêu là một vấn đề bất ổn lớn, có khả năng làm mất cân bằng cán cân thanh toán của Việt Nam. Nếu không sớm cải thiện trong năm 2009, hậu quả càng lớn bởi các yếu tố để giúp cân bằng cán cân thanh toán trong năm nay sẽ không còn được như năm 2008.
Các cơ quan dự báo của Chính phủ, các bộ đánh giá: kiều hối, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư gián tiếp, v.v... có khả năng giảm so với năm 2008. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu, chỉ có thể tăng ở mức 5%, chứ không phải 13% như chỉ tiêu Quốc hội giao, cùng với làn sóng hàng hoá nhập ngoại giá rẻ, khiến cho bài toán nhập siêu phức tạp hơn lúc nào hết.
Có thể giảm được mức nhập siêu
Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện những yếu tố có thể giảm bớt tỷ lệ nhập siêu trong năm 2009. Theo bộ Công thương, hiện nay, giá nhiều mặt hàng nguyên nhiên vật liệu đầu vào giảm mạnh 30 – 50% so với năm 2008 như: sắt thép, phôi thép, phân bón, xăng dầu, làm cho trị giá nhập khẩu giảm nhiều, mặc dù lượng có thể tăng nhẹ so với năm 2008.
Hơn nữa, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, sản xuất, kinh doanh trong nước cũng khó khăn, nhiều ngành bị đình trệ, người dân và doanh nghiệp phải tiết kiệm nhiều hơn trong sản xuất và tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu sẽ giảm mạnh. Việc kiểm soát nhập khẩu vàng sẽ chặt hơn so với sáu tháng đầu năm 2008.
Đặc biệt, một yếu tố rất quan trọng có thể làm giảm nhập siêu là lượng xăng dầu nhập khẩu sẽ giảm do nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ đi vào hoạt động đầu năm nay. Lượng nhập khẩu năm 2009 ước tính khoảng 11 triệu tấn với kim ngạch khoảng 6 tỉ USD, giảm trên 5 tỉ USD so với năm 2008.
Mặc dù đã thấy rõ những yếu tố giúp giảm mạnh nhập siêu, nhưng không hiểu sao, bộ Công thương lại đưa ra dự kiến mức nhập siêu của năm 2009 vẫn còn khá cao.
Bộ Công thương dự kiến sẽ áp dụng các giải pháp nhằm giảm nhập siêu như: kiểm soát việc tiếp cận ngoại tệ theo ba nhóm hàng: nhóm cần nhập khẩu, nhóm cần kiểm soát và nhóm hạn chế nhập khẩu; siết chặt kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu và sử dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu; giảm nhập khẩu bằng việc đẩy mạnh sản xuất hàng trong nước, các loại nguyên liệu, các mặt hàng phụ trợ cho sản xuất tiêu dùng, sản xuất hàng xuất khẩu thay thế hàng nhập khẩu...
Các giải pháp trên đều rất cần thiết, quan trọng, nếu quyết liệt thực hiện, cũng làm giảm nhập siêu. Nhưng dường như nó chưa đầy đủ. Giảm nhập khẩu bằng việc đẩy mạnh sản xuất hàng trong nước, nhưng nếu chỉ để xuất khẩu tăng ở mức 5%, thì đó là mức tăng quá thấp trong 5 – 10 năm trở lại đây.
Theo các chuyên gia thương mại, xuất khẩu vẫn có thể đẩy cao hơn do phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như lương thực, thực phẩm (gạo, thuỷ hải sản), đồ may mặc... có thể tăng do hàng Việt Nam thuộc nhóm giá rẻ.
Nhiều tham tán thương mại ở các nước: Tây Nam Á, châu Phi, Trung Đông... cho rằng, năm 2009, có thể đẩy mạnh xuất khẩu ở các thị trường này do lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam ở đây chưa lớn, trong khi nhu cầu tiêu thụ cao.
Hoặc ngay trong việc nhập khẩu máy móc, vật tư, thiết bị... là một nguồn làm tăng giá trị nhập khẩu hàng tỉ USD mỗi năm, thì hiện nay, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi tổ chức xây dựng các công trình lớn, tổ chức đấu thầu quốc tế lại không tách các gói thầu mà các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có khả năng cung ứng với chất lượng, giá rẻ hơn.
Ở nhiều nước, nhập siêu không bị coi là tiêu cực, nếu nhập ở những thị trường cung cấp công nghệ cao, công nghệ nguồn, những sản phẩm, vật tư quan trọng, thiết yếu để phát triển kinh tế có chiều sâu. Nhưng Việt Nam vẫn nhập siêu ở các thị trường không có công nghệ nguồn, nhập khẩu những máy móc, công nghệ lỗi thời, tiêu hao nhiều năng lượng như từ Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN...
Trong khi lại xuất siêu sang các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ... Năm 2008, nhập siêu từ Trung Quốc lớn nhất, lên tới 10,8 tỉ USD, tăng hơn 1,7 tỉ so với năm 2007, là con số thực sự đáng báo động.
CafeF