Nguy cơ vỡ đáy!
- Thứ tư - 19/03/2008 15:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đóng cửa phiên ngày 18.3, với mức giảm 27,45 điểm, VN-Index đã tiến sát đáy 580 điểm vừa lập được cách đây 2 tuần. Chỉ cần một bước lùi nhẹ nữa, ngưỡng hỗ trợ mong manh này sẽ bị phá vỡ và làn sóng cắt lỗ mới lại chuẩn bị diễn ra.
![]() |
Các NĐT lo lắng dõi theo diễn biến giá CP tại CTCK Bảo Việt. |
Hạn chế cung cách nào?
Thống kê tương quan cung - cầu hai phiên gần đây đều cho thấy một biểu hiện của tâm lý bi quan đang lan tràn. Cảnh trắng bảng dư mua đã lặp lại. Điểm khác biệt là nhật ký khớp lệnh tại các mã chủ chốt đã thiếu vắng những lệnh mua khối lượng lớn. Điển hình như DPM ngày 18.3 chỉ còn 22 lệnh mua trên 10.000 CP/lệnh, trong khi phiên trước hành động thu gom vẫn diễn ra với 65 lệnh mua từ 10.000 CP/lệnh trở lên.
STB cũng trong hoàn cảnh tương tự với duy nhất 7 lệnh mua lớn (phiên trước là 59 lệnh). Tương quan quy mô lệnh đặt trung bình cũng cho thấy lực lượng mua vào vẫn là "tiểu thương", trong khi lệnh bán ra toàn lệnh "khủng" vốn chỉ có thể xuất phát từ các "đại gia".
Thực tế làn sóng bán ra tiếp diễn một phần là từ hoạt động cắt lỗ của NĐT cá nhân nhưng áp lực nặng hơn vẫn là từ tổ chức mà lực lượng đáng kể là CTCK và NH với việc giải toả danh mục cầm cố. Lượng cung lớn trên thị trường không thể được tiêu hoá hết ngay lập tức và nhiều NĐT cho rằng cách tốt nhất là "nhường đường" để chờ cơn lũ qua đi. Đây cũng là nguyên nhân khiến lực mua đang yếu dần.
Việc TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn NN (SCIC) sẽ thực hiện mua thỏa thuận các khoản giải chấp của CTCK là một trong những biện pháp nhằm hạn chế nguồn cung bắt buộc này. Tuy nhiên, hiệu lực của giải pháp này đến đâu còn cần phải chờ câu trả lời của thị trường trong những phiên tới.
Thông tin là niềm tin
Nỗi băn khoăn lớn nhất của thị trường hiện tại vẫn là chỉ số giá tiêu dùng và con số lạm phát tháng 3 sẽ là bao nhiêu? Liệu kết quả kinh doanh quý I/2008 của các DN bị ảnh hưởng như thế nào?
Từ góc độ DN niêm yết, hành động công bố thông tin sớm sẽ là động thái tích cực nhất và rõ ràng nhất hỗ trợ niềm tin của NĐT. Tuy nhiên, thực tế là đa số DN vẫn chỉ coi việc công bố thông tin là nghĩa vụ phải chấp hành theo luật định, rất ít DN chịu "xé rào" cung cấp các báo cáo hoạt động hàng tháng.
Thống kê từ Sở GDCK TPHCM cho thấy cho đến nay, số DN có thông tin hoạt động hàng tháng vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay, đó là chưa kể đến có DN còn xin hoãn tới hoãn lui công bố báo cáo năm 2007! Tuy nhiên, đến thời điểm này, tất cả những DN công bố báo cáo kết quả hoạt động từng tháng vừa qua đều cho thấy nhiều con số tăng trưởng lạc quan.
Chẳng hạn báo cáo ngày 13.3 của NH Sacombank (mã CK: STB), tháng 2.2008, STB vẫn tăng trưởng khá tốt với mức lợi nhuận trước thuế 145,27 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2007 và luỹ kế 2 tháng là 302,61 tỉ đồng. Cty giấy Hải Phòng (mã CK: HAP) đạt lợi nhuận luỹ kế 2 tháng đầu năm 16,47 tỉ đồng, tăng gần gấp 3 cùng kỳ và đạt 10,6% kế hoạch năm...
Theo ông Trần Tuấn Dương -TGĐ CTCP Tập đoàn Hoà Phát (mã CK: HPG), với điều kiện thị trường chung, việc các CP giảm giá là tất yếu và HPG cũng là một trong số đó. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, minh bạch là giải pháp hỗ trợ và bày tỏ trách nhiệm đối với cổ đông và NĐT: "Trong thời điểm hiện tại, Hoà Phát là một trong rất ít Cty niêm yết công bố kết quả doanh số và lợi nhuận theo tháng. Hoà Phát muốn khẳng định tốc độ tăng trưởng cao và bền vững của các ngành nghề kinh doanh cốt lõi mà Cty đang thực hiện. Chính yếu tố này sẽ tạo nên giá trị cho CP HPG, tạo sự tin tưởng cho cổ đông và NĐT".
Theo số liệu của HoSE, Hoà Phát đạt mức lợi nhuận sau thuế luỹ kế 2 tháng 269 tỉ đồng, bằng 36% kế hoạch cả năm.
Hiện tại, TTCK đang tiếp tục đà suy giảm và nỗi ám ảnh về mức lạm phát cũng như những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị khuyếch đại lên qua những bàn luận thiếu căn cứ ngoài thị trường cũng như trên các diễn đàn.
Thực tế, các DN sẽ có sự chuẩn bị khác nhau để ứng phó với tình hình và kết quả là con số lợi nhuận đạt được. Chính trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, NĐT sẽ có cơ hội thanh lọc danh mục đầu tư của mình để chọn ra những DN thực sự "khoẻ mạnh".
Chiều muộn ngày 18.3, UBCKNN cũng đã có một công văn quan trọng gửi các CTCK. Cụ thể, nhằm ngăn chặn đà suy giảm của thị trường và ổn định tâm lý NĐT, UBCK đề nghị các CTCK thực hiện giao dịch thoả thuận đối với CP giải chấp, không đưa vào hệ thống khớp lệnh, đồng thời hạn chế giao dịch bán tự doanh. Đây là bước đi thứ hai sau khi các CTCK thỏa thuận với nhau hạn chế cung hàng ra thị trường và hy vọng sẽ giúp cân bằng lợi ích của cả CTCK và diễn biến thị trường nói chung. N.H |
Nam Nguyễn