BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Nguyên liệu đang trở thành cổ phiếu

Cùng với cuộc khủng hoảng tài chính đang có xu hướng ngày càng trầm trọng trên thế giới, sự chuyển hướng của các nhà đầu tư sang thị trường nguyên liệu đang tạo sức ép đẩy giá các mặt hàng lên cao trong thời gian gần đây. Chuyên gia Moncef Kaabi của Công ty Đầu tư Natixis nhận định: "Nguyên liệu đang trở thành cổ phiếu, theo đúng nghĩa của từ này".

Các loại giá - chỉ tăng

Kinh tế thế giới đang bên bờ vực suy thoái. Thảm kịch này hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi giá dầu đã lên tới gần 120 USD/thùng, tăng gấp ba lần trong vòng 4 năm qua. Jeffrey Kupfer, quyền Thứ trưởng Năng lượng Mỹ nhận xét, giá dầu hiện lên quá cao. Cùng lúc đó, giá dầu đã khiến “nhiệt độ” phòng họp tại Roma của bộ trưởng 74 nước tăng đến mức, hội nghị phải ra tuyên bố chung bày tỏ sự lo ngại đặc biệt về tình hình giá dầu mỏ. Phản ứng không hài lòng về xu hướng biến động giá dầu hiện này có ở hầu như tất cả các nước.

Không chỉ có thế. Vàng giao động quanh ngưỡng 920 USD/ounce, cùng một số kim loại như đồng, nhôm, niken… cũng đang hấp dẫn các nhà đầu tư. Giá các mặt hàng này tăng do nhu cầu tăng đột biến, nhất là từ Trung Quốc, nước tiêu thụ 40% sản lượng nhôm, 30% sản lượng đồng thế giới. Các nhà sản xuất thép của Liên minh châu Âu (EU) vừa nhận định, nhu cầu mua thép trên thị trường vẫn tăng ổn định và bền vững trong hai năm 2008 và 2009, bất chấp kinh tế nhiều nước tăng trưởng chậm lại.

Sau dầu mỏ và kim loại, giá nông sản cũng đột ngột tăng cao. Nhà phân tích Catherine Molliere của Ngân hàng Crédit agricole nhận định: "Từ sáu năm nay, mức tiêu thụ nông sản thế giới vượt trội so với sản lượng thu hoạch, khiến lượng dự trữ ngày một giảm nên việc tăng giá là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, chẳng một ai dám dự đoán giá ngũ cốc lại tăng cao như hiện nay".

Xu hướng tích trữ

Nhu cầu tăng đột biến đã làm cho thị trường diễn biến hết sức căng thẳng và thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư mới. Hợp đồng mua - bán một số nông sản như đậu tương, lúa mì tăng gấp ba lần, kể từ khi manh nha xuất hiện cuộc khủng hoảng tài chính vào tháng 8/2007. Luồng vốn khổng lồ đổ vào thị trường đầu cơ dầu mỏ, kim loại, nông sản, đang tạo nên bong bóng đầu cơ mới sau khi các bong bóng cổ phiếu (1990) và bất động sản đang xì hơi.

Một số chuyên gia phân tích thị trường cho rằng, nhiều nhà đầu tư đang cố tạo ra sự khan hiếm bằng cách tích trữ hàng để đợi tăng giá nhằm "kiếm lại" sau những thua lỗ, đặc biệt trên thị trường chứng khoán. Ví dụ điển hình là hai ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới là Morgan Stanley và Lehman Brothers. Hai “nhân vật” này đều bị thiệt hại nặng bởi cuộc khủng hoảng tín dụng trên thị trường bất động sản Mỹ, nhưng đã nhanh chóng gượng dậy và tập trung vào thị trường nguyên liệu sản xuất, cho dù giá các mặt hàng này liên tục tăng cao trong ba năm nay do nhu cầu tăng vọt của thế giới. Trong vài tháng qua, Lehman Brothers đã thành lập 260 nhóm thu mua nông sản tại nhiều trung tâm tài chính trên thế giới để mua, bán và tích trữ hàng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì chỉ khoảng một năm nữa, các quỹ đầu cơ sẽ đồng loạt rút khỏi thị trường nguyên liệu và khi đó, cơn sốt này sẽ hạ nhiệt

Hà Khoa (Tổng hợp từ báo Mỹ) 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây