Nộp thuế bằng cổ phiếu, lối thoát thời khó khăn
- Thứ năm - 18/12/2008 16:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Hình thức nộp thuế này có thể triển khai bằng việc quy số thuế phải nộp ra cổ phiếu theo mệnh giá, áp dụng với các công ty đại chúng kinh doanh có hiệu quả.
Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định nào cho phép doanh nghiệp thanh toán các khoản thuế phải nộp bằng cổ phiếu của chính doanh nghiệp mà chỉ quy định đồng tiền nộp thuế là Đồng Việt Nam, trừ trường hợp nộp thuế bằng ngoại tệ theo quy định của Chính phủ (Điều 43 Luật Quản lý thuế).
Tuy nhiên, việc nộp thuế bằng cổ phiếu là có thể thực hiện được, trên cơ sở có những tiêu chí rõ ràng để lựa chọn những đơn vị đủ điều kiện thực hiện theo hình thức này.
Đây thực chất chỉ là hình thức chuyển nợ thuế thành vốn của Nhà nước góp tại doanh nghiệp, hoặc trả nợ thuế bằng tài sản của doanh nghiệp.
Đối với một số doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, nhưng đang gặp phải khó khăn tạm thời về tài chính thì việc nộp thuế bằng cổ phiếu vừa giúp doanh nghiệp có nguồn vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh để vượt quá khó khăn và cũng đảm bảo cho doanh nghiệp chấp hành tốt các nghĩa vụ về thuế.
Hình thức nộp thuế này đã được Hàn Quốc thực hiện rất thành công và nước này đã ban hành hẳn một sắc luật cho phép các doanh nghiệp thực hiện nộp thuế bằng cổ phiếu. Theo số liệu, đến hết năm 2007, Chính phủ Hàn Quốc đã giao cho Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc (Kamco) quản lý hơn 1 tỷ USD được hình thành từ chuyển tiền thuế phải nộp ngân sách thành cổ phiếu của 355 doanh nghiệp trên cả nước.
Đối với Việt Nam, trước mắt có thể áp dụng hình thức trên đối với các công ty đại chúng kinh doanh có hiệu quả hoặc đang niêm yết và cho phép các doanh nghiệp này được lựa chọn hình thức nộp thuế bằng tiền hoặc bằng cổ phiếu.
Số thuế phải trả được quy đổi tương đương bằng số lượng cổ phiếu tính theo mệnh giá (kể cả đối với cổ phiếu đã niêm yết) để đảm bảo tính an toàn cho ngân sách nhà nước.
Việc xác định danh sách các doanh nghiệp được thực hiện nộp thuế theo hình thức này do Bộ Tài chính ban hành hàng năm để làm căn cứ cho cơ quan thuế và doanh nghiệp thực hiện.
Cái lợi của hình thức nộp thuế này là doanh nghiệp có thể chủ động sử dụng vốn linh hoạt cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, Nhà nước vẫn thu được tiền cho ngân sách nhà nước từ cổ tức được chia, từ tiền bán cổ phần và chênh lệch từ thặng dư (do chỉ tính bằng mệnh giá), đồng thời không phải thực hiện các chính sách giảm số thuế phải nộp, giãn thời hạn nộp thuế cho doanh nghiệp khó khăn.
Sau khi chuyển số thuế thành vốn góp cổ phần tại doanh nghiệp thì Nhà nước có thể chuyển giao quyền đại diện phần vốn góp từ tiền thuế cho các định chế tài chính của Nhà nước quản lý như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) hoặc một công ty nhà nước của địa phương (tùy theo quy mô của doanh nghiệp nộp thuế) để thực hiện quản lý.
Các định chế tài chính này chỉ được phép chuyển nhượng số cổ phần trên khi Nhà nước cho phép và số tiền chuyển nhượng cổ phiếu này phải được nộp vào ngân sách nhà nước, bao gồm cả cổ tức được chia hàng năm và thặng dư vốn.